Để hạt gạo thực sự trở thành “hạt vàng”
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong tháng 2/2021 ước đạt hơn 262.000 tấn, tương đương khoảng 142,42 triệu USD, giảm 50,98% về khối lượng và giảm 40,18% về kim ngạch so với tháng 2/2020. Cộng dồn 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo ước đạt 608.768 tấn, tương đương 336,18 triệu USD, mặc dù giảm 34,45% về khối lượng xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020, song giá trị kim ngạch chỉ giảm 21,9%. Có được điều đó là nhờ giá gạo xuất khẩu tăng mạnh.
Ảnh minh họa |
Nhìn lại năm 2020, có thể thấy trong nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua gạo của Thái Lan và Ấn Độ. Đặc biệt, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo ST25 của Việt Nam đã đoạt giải Nhì tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2020 (World’s Best Rice contest 2020), từ đó thương hiệu gạo Việt đã được nhiều bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn, tạo hình ảnh đẹp cho hạt gạo nước ta.
Theo dự báo của VFA, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2021 vẫn rất khả quan, các thị trường chính như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của nước ta. Thị trường gạo châu Á cũng bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng tiềm năng đẩy mạnh mua vào, như Trung Quốc, Bangladesh…
Những tín hiệu vui đối với thị trường xuất khẩu gạo còn đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được Việt Nam ký kết. Minh chứng là ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam đã xuất những lô gạo đầu tiên vào EU với thành tích đáng tự hào khi giá bán đã tăng so với trước. Trong thời gian tới, với những ưu đãi từ các hiệp định cùng với nhu cầu về gạo trên thế giới ngày một gia tăng, triển vọng về xuất khẩu gạo đối với các doanh nghiệp trong nước là rất lớn.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng thẳng thắn nhận định, mặc dù hạt gạo Việt đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng đời sống của bà con nông dân vẫn chưa được cải thiện nhiều, nguyên nhân là do xuất khẩu gạo hiện vẫn đa phần chạy theo số lượng, chưa chú trọng nhiều đến chất lượng để nâng cao giá trị gia tăng của mặt hàng này.
Chính vì vậy, để phát huy tối đa những tiềm năng và thế mạnh trong phát triển xuất khẩu lúa gạo, phương thức sản xuất và cơ cấu, chủng loại gạo phải có sự thay đổi.
Thực tế cho thấy, hiện một số vùng đã có mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, phát triển các giống lúa đặc sản. Bà con nông dân đã bắt đầu thay phân vi sinh cho phân hóa học trong sản xuất lúa, ngoài ra còn hạn chế thuốc trừ sâu. Theo chia sẻ của nhiều bà con, kể từ khi chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, tuy năng suất có giảm, nhưng lúa được giá và dễ bán hơn, chi phí đầu vào cũng giảm đi đáng kể.
Theo các chuyên gia, cần nhân rộng các mô hình này, có biện pháp quy hoạch vùng nguyên liệu theo nhóm giống lúa để có thể tạo thành hệ sinh thái, tạo điều kiện để phát triển các giống lúa chất lượng.
Đại diện một công ty xuất khẩu gạo cũng cho biết, dư lượng thuốc trừ sâu trong gạo nếu không kiểm soát chặt chẽ nhiều khi còn lớn hơn cả trong rau và các loại thực phẩm khác. Trong khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng. Đặc biệt, đối với các thị trường khó tính như EU, Mỹ… tuy có nhiều ưu đãi về thuế quan, nhưng hàng rào kỹ thuật được lập ra ngày càng gay gắt, nên nếu DN Việt không tự nâng cao chất lượng, đảm bảo chất lượng của gạo thì cũng không thể tồn tại trên thị trường.
Ngoài ra, còn một hạn chế nữa đó là tỷ lệ thất thoát của gạo Việt còn cao. Trong khi của Thái Lan là 6,1%, Ấn Độ là 6% thì của Việt Nam lại lên tới 13,7%. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, đây cũng chính là nguyên nhân khiến giá trị gia tăng của hạt gạo không cao.
Đơn cử như những phụ phẩm từ gạo như trấu, cám, rơm rạ cũng là tiền nếu doanh nghiệp Việt làm chủ được công nghệ. Minh chứng là một cân tinh dầu từ cám có thể cho giá trị khoảng 600 USD. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt chưa chú trọng đến điều này.
Để phát triển ngành lúa gạo, đầu năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030. Theo đó, sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững với các mục tiêu: Đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, làm nòng cốt cho bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng; xuất khẩu gạo chất lượng cao và giá trị cao.
Cụ thể, chỉ tiêu đến năm 2025 là giữ diện tích lúa ở mức 3,6 đến 3,7 triệu ha, với sản lượng lúa đạt từ 40 đến 41 triệu tấn/năm. Về xuất khẩu gạo, mục tiêu đến năm 2025, đạt 5 triệu tấn, trong đó, gạo thơm, đặc sản và japonica chiếm 40%, nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 20%, gạo phẩm cấp trung bình và thấp 15% và sản phẩm chế biến từ gạo là 5%; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu hơn 20%.
“Có thể thấy đề án hướng tới việc giảm sản lượng xuất khẩu gạo theo từng giai đoạn cụ thể, song song với đó là gia tăng chất lượng gạo, tăng các chỉ tiêu về gạo đặc sản, gạo có thương hiệu. Đây là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Từ đây hoạt động xuất khẩu sẽ có thêm nhiều triển vọng. Việc nâng cao chất lượng của gạo để đáp ứng các thị trường khó tính là hướng đi vô cùng đúng đắn”, ông Phú nhấn mạnh.