Đề xuất tăng chi phí hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển lên 75%
VCCI đề nghị nâng mức hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển. |
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản trả lời Bộ Kế hoạch và Đầu tư về góp ý Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư.
Theo đó, trong Dự thảo, mức hỗ trợ tối đa đang được đề xuất là 50%. VCCI đề nghị nâng mức hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp ở mức cao hơn, có thể lên tới 75%. Theo VCCI, hỗ trợ chi phí ở mức cao sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cộng tác chặt chẽ hơn với các cơ sở nghiên cứu trong nước, từ đó nâng cao năng lực cho các đơn vị này, lan toả đến sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam.
Theo VCCI: "Cơ chế này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cộng tác chặt chẽ hơn với các cơ sở nghiên cứu trong nước, từ đó giúp nâng cao năng lực cho các đơn vị này, lan toả đến sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam".
VCCI cũng kiến nghị hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định. Điều 17 của Dự thảo quy định về việc hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định với tỷ lệ hỗ trợ có thể lên đến mức cao nhất 40%. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ, tài sản này, gồm cả động sản và bất động sản, vẫn thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Điều kiện để được hỗ trợ là doanh nghiệp phải cam kết tài sản đó được sử dụng cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao ít nhất 3 năm. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc phân loại mức hỗ trợ theo loại tài sản là động sản hay bất động sản. Nếu doanh nghiệp đầu tư tài sản cố định là bất động sản (công trình gắn liền với đất) thì mức hỗ trợ có thể cao hơn trường hợp tài sản cố định là động sản như máy móc, thiết bị.
VCCI cho rằng, chính sách này sẽ khiến các doanh nghiệp có thêm động lực sản xuất kinh doanh tại Việt Nam thay vì chuyển sản xuất sang nước khác.
Liên quan đến hỗ trợ chi phí chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm một số hình thức hỗ trợ chi phí lắp đặt và vận hành điện mặt trời mái nhà, các trụ điện gió. Chi phí lắp đặt và vận hành các công trình tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, nước thải, khí thải, nhiệt lượng, các biện pháp ngăn bụi, tiếng ồn… Chi phí chuyển đổi phương tiện giao thông từ nhiên liệu hóa thạch sang loại thân thiện với môi trường. Ngoài ra, VCCI kiến nghị hỗ trợ chi phí một số loại bảo hiểm bắt buộc, bắt buộc mua bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, góp ý cho chi phí đầu tư hạ tầng xã hội, dự kiến mức hỗ trợ tối đa là 50%. VCCI đề nghị mở rộng diện nhận hỗ trợ này, gồm nhà ở dành cho công nhân, người lao động; hạ tầng giao thông, cung cấp năng lượng, nước, thu gom và xử lý chất thải. Bên cạnh đầu tư ban đầu, Nhà nước cũng nên dành một khoản trợ giúp chi phí vận hành, bảo dưỡng các công trình này.
"Các biện pháp đưa ra cần đạt được mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp và tác động lan tỏa, dài hạn cho kinh tế - xã hội", VCCI lưu ý.
Về quy trình hỗ trợ, VCCI cho rằng, nhiều quy định tại dự thảo chưa rõ ràng. Nhà nước cần có cam kết hỗ trợ đầu tư cho toàn bộ thời gian hoặc một số năm của dự án. Tức là, chi trả được thực hiện từng năm, nhưng lúc này khoản hỗ trợ phụ thuộc vào việc nhà đầu tư có thực hiện đúng nghĩa vụ của họ hay không.
Hiện, dự thảo quy định khoản hỗ trợ được quyết định từng năm trên cơ sở ngân sách được phân bổ. Doanh nghiệp sẽ được nhận mức hỗ trợ tối đa, nhưng có thể không hưởng tới mức này nếu quỹ không đủ khả năng chi trả trong năm đó. "Việc cam kết trước này sẽ đẩy rủi ro về phía Nhà nước", VCCI chia sẻ.