Dệt may đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn
Đó là chia sẻ của ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tại Hội thảo “Đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn ngành dệt may” diễn ra ngày 26/8.
Các chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm, bài học thành công khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn - Ảnh: VT |
Theo ông Trương Văn Cẩm, năm 2021, ngành dệt may không chỉ đứng trong top đầu về kim ngạch xuất khẩu với 40,4 tỷ USD, chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, cũng là ngành xuất siêu lớn của Việt Nam, với 16,2 tỷ USD, riêng 7 tháng đầu năm 2022 là 11 tỷ USD. Năm 2022 dệt May Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 43 - 43,5 tỷ USD.
Giai đoạn định hướng phát triển nhanh của ngành dệt may Việt Nam đã qua. Từ nay đến năm 2030, ngành chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Từ năm 2030 – 2045, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.
Thêm nữa, Dự thảo “Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”, ngành dệt may tiếp tục có cơ hội phát triển tương đối nhanh. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu bình quân sẽ tăng từ 5% - 6%/năm trong giai đoạn đến năm 2030 (năm 2030 dự kiến 68 – 70 tỷ USD); tăng từ 2-3%/năm trong giai đoạn từ 2031 đến 2045 (năm 2045 đạt khoảng 95 – 100 tỷ USD).
Từ năm 2017 ngành đã thành lập Ủy ban phát triển vền vững về môi trường và lao động, phối hợp với nhiều tổ chức trên thế giới để triển khai thực hiện. Đưa ra mô hình phát triển bền vững (PPP): Tăng trưởng kinh doanh, có lãi; Cải thiện điều kiện làm việc; Giảm rác thải; xử lý, tái sử dụng nước; Truy xuất nguồn gốc… khiến ngành đối mặt với không ít thách thức như phải chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu (bông, xơ, vải, phụ liệu…) hiện đang phụ thuộc lớn vào nhập khẩu.
Đặc biệt với khâu dệt nhuộm, chưa có quy hoạch không gian phát triển các khu công nghiệp lớn, có xử lý nước thải tập trung (Chiến lược phát triển đến 2030, tầm nhìn đến 2035 chưa được phê duyệt). Nhiều địa phương vẫn theo nhận thức cũ không mặn mà với việc cấp phép các dự án dệt, nhuộm. Chi phí cho phát triển bền vững tăng cao nên nhiều doanh nghiệp, nhất là DNNVV chưa quyết tâm hoặc chưa đủ nguồn lực, ông Trương Văn Cẩm thông tin thêm.
Trong khi hầu hết các thị trường xuất khẩu của dệt may Việt Nam là các thị trường đẳng cấp, khó tính có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn sản phẩm (hiện các thị trường này đang thay đổi nhận thức từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững theo hướng kinh doanh tuần hoàn, đòi hỏi các chuỗi cung ứng phải được truy soát về tiêu chuẩn lao động, môi trường…) đang tạo áp lực lớn với ngành.
Ngoài ra, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp 4.0, các khâu dệt, nhuộm, thiết kế cũng như nhu cầu về vốn cho phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn… cũng là những bài toán buộc ngành phải giải quyết để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) cho biết, Chính phủ khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất, được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Đặc biệt Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đưa ra các cơ chế khuyến khích về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, hỗ trợ về đất đai, về vốn đầu tư, ưu đãi về thuế, phí và lệ phí… Doanh nghiệp Dệt May cần tìm hiểu kỹ, để tận dụng tối đa các cơ hội, chủ động triển khai các giải pháp đáp ứng các tiêu chí.
Hiện đã có nhiều ngân hàng thương mại dành riêng nguồn vốn cho tín dụng xanh, trong đó có ngành dệt may. Đơn cử, tại NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã huy động thành công nhiều nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế để phát triển tín dụng xanh như: nguồn vốn WB cho dự án năng lượng tái tạo, nguồn vốn EIB cho dự án giảm thiểu biến đổi khí hậu, dự án hiệu quả tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp, hạn mức tín dụng xanh SUNREF không qua bảo lãnh chính phủ, bà Nguyễn Thị Kim Phượng – Phó ban Khách hàng doanh nghiệp (BIDV) chia sẻ.
Hiện BIDV đã sẵn sàng một lượng vốn tín dụng xanh cho doanh nghiệp, dự án dệt may: Ứng dụng công nghệ mới, sạch để bảo vệ môi trường; Sử dụng nhiều lao động nữ; Ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn…
Cùng với đó là sự vào cuộc kịp thời của Công ty cho thuê tài chính TNHH BIDV-SuMi TRUST (BSL) sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may tiết kiệm/ tiêu thụ ít năng lượng /tài nguyên thiên nhiên; giảm thiểu thải chất thải độc hại; xử lý /tái chế nước thải với tỷ lệ tài trợ lên đến 100% giá trị tài sản, không yêu cầu tài sản đảm bảo. Thời gian cho thuê từ 13-72 tháng…
Được biết, Hội đồng châu Âu đã thông qua Chiến lược về dệt may bền vững. Theo đó, có 16 luật lệ mới và giải pháp chính sách sẽ được áp dụng để làm cho sản phẩm dệt may vào thị trường châu Âu bền hơn, tái sử dụng được.
Đại diện Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cũng khẳng định, kinh tế tuần hoàn không thể thực hiện nếu làm việc riêng lẻ và chỉ có thể thành công khi có sự đồng hành, chia sẻ và trách nhiệm của khối Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức dân sự. Đặc biệt là sự chia sẻ trách nhiệm giữa nhà máy và nhà phân phối.