Thị trường trung tâm dữ liệu “nóng” dần
Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam tăng trưởng nhanh Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chỉ bàn làm, không bàn lùi để thúc đẩy mạnh mẽ động lực chuyển đổi số |
Trung tâm dữ liệu là một phần không thể thiếu trong phát triển kinh tế số. Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, với chi phí xây dựng và giá đất cạnh tranh, cùng với vị trí đắc địa, Việt Nam là thị trường mới nổi luôn nằm trong “tầm ngắm” của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, dẫn tới nhu cầu ngày càng tăng về lưu trữ và xử lý dữ liệu của các tập đoàn đa quốc gia. Cùng với đó, thị trường thương mại điện tử đang trên đà bùng nổ; các doanh nghiệp điện toán đám mây và fintech đang phát triển… là những yếu tố thúc đẩy đầu tư phát triển trung tâm dữ liệu.
Vừa qua, Tập đoàn Viettel đã khai trương trung tâm dữ liệu thứ 14 của mình tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Với thiết kế với 60.000 máy chủ, hơn 2.400 tủ rack (tủ để lắp đặt các máy chủ), 21.000m2 diện tích mặt sàn, tổng công suất điện tiêu thụ lên đến 30MW, đây được xem là trung tâm dữ liệu lớn nhất tại Việt Nam tính đến nay.
Gần đây, Tập đoàn CMC cũng rót 12,5 triệu USD để thành lập CMC AI Digital Infrastructure (CMC ADI) tại Việt Nam. Đây là một công ty chuyên xây dựng và vận hành các trung tâm dữ liệu siêu quy mô. Nhiều chuyên gia nhận định, động thái này đánh dấu bước đi chiến lược của CMC nhằm tận dụng thị trường và củng cố vai trò của mình trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Trung tâm dữ liệu của Viettel tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) |
Cùng với đó, hiện thị trường cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của các doanh nghiệp quốc tế, với một số dự án đáng chú ý, như: trung tâm dữ liệu công suất 20MW của Gaw Capital tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh; dự án công suất 30MW của Worldwide DC Solution, nhà phát triển trung tâm dữ liệu có trụ sở tại Singapore; Công ty cổ phần phân phối công nghệ Quang Dũng (QD.TEK) thuộc Tập đoàn GREENFEED Việt Nam và công ty NTT Global Data Centers (NTT GDC) thuộc tập đoàn NNT Nhật Bản hợp tác xây dựng một trung tâm dữ liệu, dự kiến sẽ ra mắt trong năm nay; Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc đã công bố kế hoạch thành lập trung tâm dữ liệu tại Việt Nam và dự kiến theo sau là các nhà cung cấp dịch vụ đám mây toàn cầu...
Việt Nam cũng đang rất mở cửa với thị trường điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu cho các công ty nước ngoài tham gia đầu tư. Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã làm việc với các doanh nghiệp Hàn Quốc gồm: Zenith Group, Projectick Plus, P&G Tech… đến khảo sát tại địa phương. Lãnh đạo tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Trung tâm dữ liệu (Big Data) có tổng diện tích 46,86 ha tại Khu A, Khu kinh tế Nhơn Hội. Được biết, khu này có điều kiện hạ tầng đầy đủ, gần nhà máy phong điện và nhà đầu tư sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất.
Ở góc độ luật pháp, Luật Viễn thông được thông qua vào ngày 1/7 đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu hoàn toàn các trung tâm dữ liệu trong nước. Luật cũng nêu rõ: Đầu tư kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các chuyên gia trong và ngoài nước nhận định, đây là quyết định quan trọng. Luật này cũng tạo điều kiện thuận lợi chưa từng có cho các nhà cung cấp bằng việc miễn thủ tục cấp phép mà chỉ cần thực hiện thông qua đăng ký hoặc thông báo, góp phần giảm bớt gánh nặng hành chính và thủ tục phức tạp cho các doanh nghiệp, khuyến khích sự tham gia và đầu tư vào lĩnh vực này.
Dù hứa hẹn nhiều tiềm năng ở phía trước, tuy nhiên để phát triển và khai phá thị trường còn mới mẻ này, Việt Nam vẫn còn phải vượt qua nhiều thách thức. Ông Byung Ki Lee, Trưởng phòng phát triển dữ liệu của Nokia nhận định, mặc dù thị trường trung tâm dữ liệu rất hấp dẫn nhưng lĩnh vực này đang đứng trước áp lực phải giảm lượng khí thải carbon, điều này đang trở thành một tiêu chuẩn.
Thực tế thị trường trung tâm dữ liệu đã tiêu tốn một lượng năng lượng khổng lồ hàng năm. Các nhà cung cấp đang có xu hướng chuyển dần sang mô hình xanh nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng (lên tới 30%), từ đó gia tăng doanh thu.
Ngoài ra, những vấn đề về hạ tầng kết nối quốc tế, kết nối cáp quang biển; các quy định pháp lý và thủ tục đất đai cũng được coi là những rào cản chính trong phát triển thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.