Đi bẻ măng rừng
Ảnh minh họa |
Là ký ức của nhiều năm về trước, khi tôi còn là một cô bé con đen nhẻm, ốm nhách chạy đuổi theo những cơn mưa mùa ầm ào cho đến khi vùng kỷ niệm cạn dần theo sự khắc nghiệt của tháng năm. Lúc này, mưa phố đã vơi, trời hưng hửng sáng, tôi gấp tài liệu để mình bận rộn nhớ nhớ những ngày sau mưa lúc còn chân quê. Khi mây đen mệt nhoài thôi vần vũ nên mưa cũng rả rích, bớt dữ dằn, cậu cháu tôi lại vác đồ nghề đi "săn" măng rừng. Măng rừng, một trong nhiều thú ăn chơi mà chỉ con nhà quê mới bóc tách hết được.
Đó là những mùa mưa của mười sáu, mười bảy năm trước. Khi ấy, tôi chừng mười ba. Mười ba tuổi, ước chừng chưa hiểu hết câu hát "Quê em hai mùa mưa nắng...", song tôi cảm nhận được cái vị oi nồng của mùa nắng nhạt đi lúc nào chẳng hay, từng cơn mưa sà xuống gốc đất cằn khô, cây cối được tắm táp, lại sức thật mau, lộc non nhu nhú lên, sự sống sà xuống. Có lẽ, những chồi măng bắt nhịp mưa nhú lên từ đấy, trở thành thứ mà cậu cháu tôi hằng muốn chinh phục.
Cậu Út cắp chiếc giỏ tre đi trước, tôi cầm lưỡi liềm lọt tọt chạy sau. Lội qua khỏi suối Sạn là chính thức "nhập rừng". Con đường ngoằn ngoèo bị từng vạt lá xanh um che lấp, ẩm thấp và nhầy nhụa đúng chất mùa mưa. Giả dụ không có cậu quen đường bước bạo, chắc tôi không dám lao theo, huống hồ phải lấn thật sâu họa may mới thấy những ngọn tre lô nhô trên nền trời đen đặc.
Cứ lần theo dấu, hai cậu cháu tôi dần tiếp cận được với mấy bụi tre hoang. Mới đầu, tôi chỉ thấy tre già cằn cỗi cắm mặt xuống đất, nào có thấy măng. Vậy mà cậu Út tôi vẫn cứ cặm cụi vào gốc tre mà đào xới không thôi. Cậu như người thuyền trưởng điệu nghệ. Chỉ một loáng, cậu đã lôi đầu mấy búp măng lên khỏi mặt đất. Tôi cầm lấy chúng mà xuýt xoa, trong khi cậu phấn khích “Chờ nó nhú hết lên thì không còn ngọt nữa, non vầy ăn mới ngon”.
Cậu còn chỉ tôi cách đào măng sao cho lấy được hết củ măng. Cậu bảo cắt cây măng lộ thiên không khó, quan trọng phải lấy cả củ măng, vì củ măng non và ngọt nhất.
Cứ thế, tôi theo cậu lần hết bụi này sang bụi khác, có khi bị gai cào xước mặt mày chân tay rồi mưa ngấm dần, lạnh ngắt, hai cậu cháu vẫn mải miết đi hết khóm tre này đến khóm tre khác. Đến khi giỏ măng tròm trèm cũng là lúc trời xâm xẩm tối. Trở về, tôi phải nắm hờ bắp tay của cậu mới dám bước qua những vũng nước đọng chưa kịp bốc hơi, lần qua những tán lá um tùm với đầy thù hình quái dị.
Trở về nhà khi nhiệm vụ đâu đấy xong xuôi là lúc cậu cháu tôi mệt phờ, nên dù thích lắm việc cùng bà ngoại tháo áo măng tôi cũng đành ngủ sớm vì cặp mắt đã bắt đầu ríu lại. Trong cơn mơ màng ngày ấy, có khi tôi nghe tiếng sột soạt đều đều đan cài tiếng nước sôi ùng ục giữa đêm mưa. Chắc ngoại thức cả đêm chụm lửa cho nồi măng chín kịp buổi chợ sáng mai.
Dù thời gian khắc nghiệt lấy đi bao nhiêu ký ức thì hình ảnh bà ngoại mặc cái áo mưa tự chế từ vỏ bao phân, đội nón sứt vành, bưng thau măng luộc băng nhanh ra ngõ khi trời còn chập choạng vào một buổi sáng mùa mưa sắp tàn, tôi cũng không bao giờ quên được.
Nhiều lắm những ngày ngoại về nhà sau buổi chợ thưa người, trong thau vẫn còn vài búp măng mệt nhoài vì ngâm mình trong nước mưa lẫn nước giếng. Thế là cả nhà có bữa măng... ế. May mắn, bữa cơm trước còn lại khúc cá kho, nồi măng ấy vậy mà thêm đậm đà. Cắn miếng măng nghe đăng đắng nơi đầu lưỡi, kế đó thêm vị béo của cá khi măng trôi tới cổ họng, cuối cùng đọng lại là vị ngọt thanh thanh.
Tuổi thơ tôi chất đầy mùi rơm rạ và những món ăn dân dã mà bây giờ có đầy cũng không tròn vị như ngày xưa. Ai bảo phố không có thảo thơm hiện diện. Chỉ không may, giữa chộn rộn những mưu cầu ảo - thực, vị giác dường chỉ đón nhận dư âm của ngày xưa.
Sáng nay mở cửa phòng, mưa lâm thâm trên tán lá phượng. Hè đã vãn từ lâu. Mùa mưa chạm ngõ. Không biết giờ này mùa mưa đã về tới quê tôi chưa nữa? Măng có lú nhú đâu đấy giữa những tán rừng? Và, có đứa trẻ nào lon ton đi bẻ măng như tôi lúc mười ba tuổi rồi giờ ngồi hâm nóng và hít hà kỷ niệm như tôi.