Lan tỏa tình yêu với áo dài
Áo dài Tết cách điệu nhưng vẫn giữ nét đẹp truyền thống Ngành Ngân hàng hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” năm 2024 Công đoàn cơ sở Thời báo Ngân hàng tích cực hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” năm 2024 |
Mỗi người Việt đều là đại sứ của áo dài
Năm nay, Lễ hội Áo dài TP.HCM do Sở Du lịch và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM phối hợp tổ chức, diễn ra từ ngày 7 đến 17/3. Theo ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, điểm nhấn của Lễ hội Áo dài TP.HCM năm 2024 với nhiều nội dung hấp dẫn, có thể kể như: Du khách có thể trải nghiệm áo dài (tại địa chỉ 92 Nguyễn Huệ, quận 1); trao tặng áo dài "0 đồng" cho người dân; sàn biểu diễn giới thiệu áo dài (có sự liên kết với TikTok) tại Công trường Lam Sơn; giới thiệu phu nhân của tổng lãnh sự các nước tham gia biểu diễn trang phục áo dài. Ngoài ra còn có các hoạt động khác như: "Đồng hành cùng áo dài Việt"; giải pháp thương mại điện tử TikTok Shop miễn phí hỗ trợ các nhà thiết kế; xác lập kỷ lục Việt Nam "Lễ hội Áo dài được tổ chức thường niên liên tục nhất Việt Nam"…
Trình diễn bộ sưu tập áo dài vẽ tay mang tên “Cổ linh” của nhà thiết kế Châu Loan |
Cùng với chiếc nón lá, áo dài đã trở thành một trong những hình ảnh để du khách quốc tế nhận diện văn hóa, con người Việt Nam. Từ “Áo dài” cũng đã được đưa vào từ điển Oxford, được các nghệ sĩ trong và ngoài nước sáng tác thành những tác phẩm nghệ thuật có sức lan tỏa, chứa đựng thông điệp về hòa bình, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Trong những năm gần đây, bằng sự nỗ lực, tinh thần tự hào dân tộc, nhiều nhà thiết kế đã đem đến cho chiếc áo dài những vẻ đẹp mới lạ. Nhà thiết kế Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Võ Việt Chung... là những người đã góp phần làm đẹp thêm trang phục áo dài trên làng thời trang khu vực và quốc tế.
Tại tọa đàm "Áo dài - Niềm tự hào của người Việt" được tổ chức gần đây, TS. Lý Thị Mai - chuyên gia tâm lý cho rằng: "Mỗi con người Việt Nam đều là những đại sứ của chiếc áo dài. Mặc lên mình chiếc áo dài với niềm tự hào chính là cách chúng ta khẳng định chủ quyền Việt Nam, khí chất người Việt Nam. Vì vậy, không ai khác, chính chúng ta là tiếng nói để lan tỏa tình yêu áo dài đến thế hệ trẻ, đến cộng đồng trong và ngoài nước".
Còn nhà thiết kế Sĩ Hoàng, người sáng lập Bảo tàng Áo dài thì khẳng định, áo dài là một di sản có lịch sử lâu đời và đã trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng cho văn hóa Việt Nam. “Mặc trên mình chiếc áo dài, mỗi công dân có trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc. Không chỉ phụ nữ, mỗi con người Việt Nam đều có trách nhiệm lưu giữ nét đẹp của chiếc áo này. Đặc biệt, các bạn trẻ nên tìm hiểu kiến thức về áo dài, để từ đó lan tỏa tình yêu đối với trang phục truyền thống, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc”, nhà thiết kế Sĩ Hoàng chia sẻ.
Cần có những nghiên cứu bài bản
Mặc dù áo dài có lịch sử hàng mấy trăm năm và phổ biến trong đời sống hiện đại nhưng các giá trị gắn với áo dài vẫn chưa có được vị thế của một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc bảo vệ, phát huy giá trị trang phục áo dài là công việc vô cùng cần thiết và cấp bách đối với các cơ quan quản lý, đối với cộng đồng và các nghệ nhân. Đưa áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là điều mong mỏi của rất nhiều người. Trước mắt phải xác định cộng đồng gắn với áo dài là ai, là những người thiết kế áo dài, mặc áo dài, hay may áo dài… Cũng theo ông Sơn, áo dài gắn bó với đời sống của người Việt Nam, là biểu tượng, hồn cốt của phụ nữ Việt. Trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài là một nét văn hóa sống động, đại diện cho văn hóa Việt Nam cần được bảo vệ và phát huy giá trị trong bối cảnh đương đại. “Dù chưa ra một văn bản luật chính thức nào khẳng định áo dài là “quốc phục” Việt Nam, nhưng từ lâu nay, áo dài đã được đa số nhân dân mặc định là “áo dài dân tộc” hay “trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nhìn nhận.
Hiện nay, Việt Nam đang hướng tới việc đưa áo dài trở thành một Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và xa hơn nữa là đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu này thì vẫn còn nhiều việc cần làm. Theo PGS.TS. Phạm Văn Dương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có một điều mà các nhà khoa học chưa thống nhất được chính là hình thái của chiếc áo dài, chọn ra đâu là hình thái chuẩn mực (Tứ thân hay là Ngũ thân), bởi khi đăng ký phải là một hình thái rất là cụ thể. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu khoa học và chắt lọc để có thể xác lập, nhận diện hình thái chuẩn mực của chiếc áo dài. “Vì khi chúng ta đăng ký áo dài như một bản quyền thì chúng ta phải xác lập cả về mặt kỹ thuật (cấu trúc áo như thế nào), phải chứng minh điều này là xuất phát từ truyền thống, mang màu sắc của chiếc áo tứ thân hay giao lãnh. Khi xác định, nhận diện được nó và xác lập về mặt kỹ thuật, mỹ thuật đến nguồn gốc lịch sử thì phải có một bộ hồ sơ khoa học đầy đủ và toàn diện. Từ đó chúng ta mới ở bình diện ghi danh quốc gia và tiến tới ghi danh quốc tế”, PGS.TS. Phạm Văn Dương nói, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta phải nghiên cứu một cách bài bản, hệ thống khoa học để đưa ra những cơ sở khoa học về lịch sử, hình thành và phát triển của áo dài Việt Nam để từ đó nhận diện những giá trị của nó. Từ cơ sở khoa học này thì xác định cơ sở pháp lý cho áo dài, công nhận áo dài ở bình diện quốc gia tiến tới bình diện quốc tế. Sau đó, phải có những định chế cho áo dài, xác định đây là lễ phục hay là quốc phục… Khi chúng ta đã xác lập sở hữu cho áo dài thì bất cứ ai muốn sử dụng hay lấy cảm hứng từ trang phục đó cũng phải ghi danh Việt Nam trong trang phục của họ”.