Chuyển đổi số ngành du lịch: Khó khăn khi thiếu nhân lực và tài chính
Chuyển đổi số ngành du lịch: Không thể chậm hơn nữa Chuyển đổi số du lịch - động lực phát triển bền vững của TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL |
Chuyển đổi số thay đổi bộ mặt ngành du lịch
Trong vài năm qua, cụm từ “chuyển đổi số trong du lịch” đang ngày càng trở nên quen thuộc. Sức lan tỏa mạnh mẽ thời đại Công nghiệp 4.0 với sự ra đời của các công nghệ mới cũng làm biến đổi nhanh chóng bộ mặt kinh tế - xã hội, và ngành du lịch cũng không nằm ngoài xu thế này. Chuyển đổi số ngành du lịch thể hiện qua việc thay đổi cách vận hành truyền thống đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Chuyển đổi số đã mang lại nhiều kết quả tích cực đối với ngành du lịch, đầu tiên phải nhắc tới Hà Nội, quá trình này đã giúp cải thiện chất lượng du lịch của thành phố. Trong năm 2023 Hà Nội triển khai thành công hai mô hình: Sử dụng mã QR Code để gia tăng sự thuận lợi, dễ dàng cho cá nhân, tổ chức khi sử dụng các thiết bị di động thông minh khi truy cập, thực hiện các thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; đồng thời triển khai đường truyền dịch vụ thông tin hỗ trợ, tư vấn giải pháp miễn phí (24/7) qua Tổng đài 1800.556.896 nhằm tiếp nhận, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị của khách du lịch nhanh chóng, kịp thời và mang tính thực tiễn cao.
Chất lượng du lịch được cải thiện nhờ chuyển đổi số |
Những giải pháp trên đã giúp đem lại hiệu ứng tích cực, gây thiện cảm về thành phố thông minh, thân thiện, tận tâm với khách du lịch. Qua đó, giúp Thành phố thu hút 24,72 triệu lượt khách, tăng 30,2% so với năm 2022 (tăng 11,7% so với Kế hoạch). Đồng thời, nhiều tổ chức quốc tế cũng vinh danh Hà Nội là điểm đến hàng đầu ở châu Á và trên thế giới.
Trong năm 2024, Hà Nội dự kiến tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch, chính quyền thành phố sẽ cải thiện mạnh về số hóa dữ liệu du lịch và phát triển mở rộng hệ thống quản lý dữ liệu ngành Du lịch. Gần đây nhất, đầu tháng 3/2024, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố sẽ xây dựng hệ thống bản đồ số du lịch thông minh thành phố Hà Nội để tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan tìm kiếm địa điểm, nhất là nhóm khách du lịch đến từ nước ngoài.
Không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương khác trên cả nước cũng không lạc nhịp trong tiến trình chuyển đổi số ngành du lịch. Nhiều tỉnh, thành phố xác định đây là yếu tố sống còn trong phát triển du lịch, do đó đã đưa ra nhiều chính sách để nhân rộng các mô hình, sản phẩm du lịch thông minh, gắn với số hóa. Đồng thời không ngần ngại tận dụng các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube… để quảng bá du lịch.
Đơn cử như Quảng Ninh, chính quyền thành phố đã nghiên cứu đầu tư xây dựng “Cổng thông tin điện tử du lịch thông minh và số hóa du lịch Thành phố Hạ Long”; triển khai và cung cấp 107 điểm wifi miễn phí phục vụ kích cầu du lịch, phát huy hiệu quả trong phát triển du lịch, là hạ tầng quan trọng của thành phố thông minh, của chuyển đổi số… Nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đang triển khai nhiều dịch vụ chất lượng dựa vào chuyển đổi số để nâng cao trải nghiệm khách hàng như: Thiết kế ứng dụng gọi món ăn, đánh giá chất lượng món ăn và thái độ phục vụ của nhân viên; tạo mã QR Code thay cho chìa khóa phòng kết hợp ứng dụng quản lý mạnh như trợ lý du lịch thông minh hỗ trợ nhiều ngôn ngữ…
Đối với An Giang, chính quyền tỉnh cũng đang tìm những cách làm sáng tạo để quảng bá du lịch trên các nền tảng số. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu thông tin: Hệ thống Du lịch thông minh tại tỉnh đang được triển khai. Hệ thống này ngoài việc cung cấp thông tin cần biết những địa điểm du lịch còn chứa công cụ tương tác để người dân, du khách có thể góp ý cho ngành du lịch, từ đó giúp doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu, tâm lý của đối tượng phục vụ. Tỉnh An Giang kỳ vọng chuyển đổi số sẽ giúp ngành du lịch tiết kiệm chi phí, thời gian, nguồn nhân lực, tạo đà phát triển bền vững trong tương lai.
Vẫn còn thách thức trong chuyển đổi số du lịch
Dù nhiều tiến trình chuyển đổi số của ngành du lịch đang diễn ra rất tích cực, tuy nhiên để mang lại hiệu quả tối đa vẫn còn cả một chặng đường dài với nhiều thách thức ở phía trước. Chuyển đổi số không thể thiếu một nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động và sự chuyển dịch của ngành du lịch trong kỷ nguyên số. Hiện nay, đây vẫn là vấn đề mang tới nhiều khó khăn chưa thể giải quyết sớm đối với chuyển đổi số.
Ông Phạm Bá Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế cho biết, thách thức trong đào tạo nhân lực ngành du lịch là đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin. Điều này đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn cùng với sự cam kết từ phía các cơ sở đào tạo và Chính phủ.
Theo Tiến sĩ Đoàn Mạnh Cương - Vụ Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội thì nội dung đào tạo của ngành trong thời kỳ chuyển đổi số cần giải quyết vấn đề phát triển nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng những tiến bộ công nghệ để thực hiện việc du lịch thông minh. Điều này nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường tuyển dụng hiện đang cần một đội ngũ nhân sự nắm vững các kiến thức và kỹ năng liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh du lịch.
Bên cạnh vấn đề từ nhân lực, hiện tại vấn đề đang nổi cộm trong phát triển chuyển đổi số du lịch đó chính là đồng bộ giữa các địa phương, cũng như giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ. Nhiều chuyên gia du lịch đã chỉ ra rằng, các doanh nghiệp du lịch lớn và khách sạn, các mô hình resort cao cấp đều áp dụng chuyển đổi số.
Còn nhiều tồn đọng để quá trình chuyển đổi số thực sự phát huy hiệu quả |
Ngược lại, không ít các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ lại “than” đang gặp khó trong quá trình này bởi nhiều nguyên nhân, như: nguồn vốn cạn kiệt, công nghệ thông tin còn yếu. Điều đó dẫn đến “bức tranh” chuyển đổi số trong ngành du lịch hiện vẫn đơn lẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm và chưa có sự thống nhất. Mặc dù doanh nghiệp đều nhận thấy được tầm quan trọng sống còn của việc chuyển đổi số, nhưng vẫn đang loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào.
Để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong chuyển đổi số rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp quản lý. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, cơ quan này đang hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về phát triển du lịch thông minh; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số…
Việc này cũng nhằm đáp ứng yêu cầu của Chỉ thị số 08/CT-TTg "Về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới". Theo đó, Chỉ thị yêu cầu các địa phương triển khai chuyển đổi số du lịch đồng bộ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương phát triển cơ sở dữ liệu về quản trị và kinh doanh du lịch trên nền tảng số dùng chung; xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch gắn với chuyển đổi số.