Phát triển sản phẩm du lịch không bỏ qua yếu tố “xanh”
TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội chợ Du lịch Quốc tế Giá vé máy bay cao “cản bước” du lịch phục hồi Liên kết để định vị thương hiệu du lịch |
Ngày 12/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Du lịch Việt Nam - chuyển đổi xanh để phát triển bền vững" trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024. Sự kiện có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan quản lý điểm đến, cơ quan truyền thông…
Chuyển đổi xanh trong du lịch là xu hướng
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhận định, xu hướng du lịch xanh, chất lượng, bảo đảm sức khỏe đang là xu hướng được các du khách quan tâm. Ông Siêu cho biết thêm, xanh trong du lịch nghĩa xanh hóa trong tư duy, hành động để các cá nhân và tập thể hình thành văn hóa xanh. Chỉ khi nhận thức rõ điều này, ngành du lịch mới có những điểm đến xanh, sản phẩm xanh và dịch vụ xanh.
Ngành du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, theo báo cáo dự kiến sẽ đóng góp khoảng hơn 6,4% cho Tổng sản phẩm kinh tế quốc nội (GDP) trong năm nay. Du lịch Việt Nam sở hữu nhiều thế mạnh thu hút du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại Diễn đàn |
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Ngành này rất nhạy cảm với sự thay đổi của xã hội và sự biến đổi của thiên nhiên. Ở Việt Nam tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sự suy thoái của môi trường đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch. Do vậy, du lịch Việt Nam đã từng bước triển khai du lịch xanh, loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa ra quan điểm rằng, chuyển đổi xanh, du lịch xanh là câu chuyện của cạnh tranh quốc gia, gắn với các hệ sinh thái. Trước kia, quan niệm cũ đi du lịch là trải nghiệm, khám phá, thụ hưởng dịch vụ thì đến thời điểm hiện tại rất nhiều khách du lịch muốn đóng góp cho cộng đồng, cho văn hoá cộng đồng khi đi du lịch. Ông nhận định đây là sự thay đổi rất lớn của cộng đồng đối với xã hội.
Tuy vậy, quá trình chuyển đổi xanh du lịch cũng có nhiều thách thức đối với tất cả mọi người. Việt Nam cần sự hỗ trợ của quốc tế trong lĩnh vực này. Ông Thành tin rằng, du lịch là vì con người. Phát triển du lịch xanh cần có sự đóng góp của các bên liên quan, du khách, cộng đồng, điểm đến. Tất nhiên, doanh nghiệp cũng cần có được sự hiệu quả vì doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi xanh, thực hiện trách nhiệm xã hội.
Phát triển sản phẩm du lịch xanh hiệu quả
Tại phần tọa đàm, theo TS. Phạm Lê Thảo, Phó trưởng Phòng Quản lý lữ hành, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thì phát triển du lịch tăng trưởng xanh cần phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm, tạo cơ hội việc làm và chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Đồng thời ngành Du lịch cần tạo ra các sản phẩm du lịch xanh, sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường tự nhiên và xã hội, tăng cường hiệu suất sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số dạng sản phẩm đang trở thành xu hướng là: du lịch sinh thái du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp…
Du lịch xanh không thể đi lệch với các yếu tố về đảm bảo môi trường tự nhiên để khai thác bền vững |
Đứng dưới góc độ đại diện cho các doanh nghiệp, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam tin rằng đề cập đến sản phẩm du lịch xanh sẽ phải đề cập đến bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu… Đặc biệt, các sản phẩm xanh cần có môi trường tự nhiên gắn với văn hóa địa phương. Để phát triển loại sản phẩm này các nhà quản lý cần quan tâm tới một số yếu tố như cộng đồng dân cư và công nghệ hiện đại trợ giúp để "xanh" hóa.
Theo ông Thắng, các doanh nghiệp cần giải quyết các bài toán đặt ra trong xây dựng sản phẩm du lịch xanh thích ứng với thời đại mới: Một là, xây dựng sản phẩm du lịch xanh cần có chính sách cụ thể; Hai là, giải quyết vấn đề liên quan về đầu vào, nhân lực và tư duy trong cung cấp dịch vụ; Ba là, cần đặc biệt quan tâm đến môi trường xung quanh và rác thải tại các địa điểm du lịch cũng như tạo ra các sản phẩm thiết thực để phục vụ cộng đồng.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cho rằng, phát triển sản phẩm du lịch xanh cần có tư duy và tận dụng công nghệ trong thời đại mới để tạo ra các loại hình mới du lịch mới mẻ, có dịch vụ cung ứng thân thiện với khách hàng mà không bỏ ngoài yếu tố xanh. Doanh nghiệp cần hạn chế rủi ro, giải pháp quản trị trong quá trình phát triển. Điều cuối cùng, sản phẩm du lịch xanh cần chú trọng đến tương tác với khách hàng để nâng cao trải nghiệm của họ.
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần chú trọng vào một số các vấn đề gồm: Quy hoạch xanh; quản lý điểm đến hiệu quả; du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp; du lịch dựa vào thiên nhiên để phát triển bền vững. Đại diện UNDP cũng nhấn mạnh, tổ chức này sẵn sàng hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các bên liên quan khác trong quá trình chuyển biến Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch có trách nhiệm và có tính cạnh tranh. Chuyển đổi xanh trong du lịch đóng vai trò là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của Việt Nam cho các thế hệ mai sau. |