Di tích quốc gia thành Điện Hải
Di tích duy nhất về thành lũy quân sự
Theo các tài liệu còn lưu giữ. Thành Điện Hải nằm ở tả ngạn sông Hàn, được xây dựng lần đầu tiên dưới thời Gia Long thứ 12 năm 1813, trước là đồn Điện Hải, gần cửa biển Đà Nẵng. Năm 1823, năm Minh Mạng thứ 4 cho dời đồn Điện Hải vào bên trong đất liền, trên một gò đất cao, được xây bằng gạch và đến năm 1835, năm Minh Mạng thứ 15, đồn được đổi tên là thành Điện Hải.
Một góc thành Điện Hải đang được khôi phục |
Năm 1840, sau khi xem xét hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng, Nguyễn Công Trứ đã đưa ra đề nghị tăng cường phòng thủ tại thành Điện Hải và An Hải. Đến năm 1847, thành Điện Hải được mở rộng với chiều cao hơn 5m, chu vi 556 m và xung quanh là các hào sâu 3m. Thành gồm 2 cửa, trong đó, một cửa mở về phía Đông và cửa chính mở về phía Nam. Trong thành có kỳ đài, hành cung, các cơ sở chứa lương thực, thuốc súng, đạn dược và có 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. Thành được xây bằng gạch theo đề án thiết kế kiểu Vauban và có hình vuông.
Thành Điện Hải là di tích hiếm hoi còn lại từ buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược nước ta, là biểu tượng về lòng yêu nước của người dân Đà Nẵng. Đây cũng là một trong những đồn lũy quan trọng, góp phần đẩy lui cuộc tấn công của thực dân Pháp những năm 1858 - 1860.
Tiếp theo sau đó, khi Đà Nẵng thành thuộc địa của Pháp, thực dân Pháp đã thay đổi công năng và phá bỏ nguyên trạng của thành Điện Hải để làm công trình phục vụ hoạt động đô hộ tại Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm, di tích bị xâm hại nặng nề, xuống cấp nghiêm trọng.
Vào đầu năm 2008, trong lúc thi công để tu bổ công trình này, những người công nhân đã phát hiện ra một khẩu thần công nằm sâu bên dưới lòng đất. Khẩu thần công này có chiều dài 2,8m, đường kính phần đuôi 42cm và phần đầu là 23 cm. Đến cuối tháng 7 cùng năm, người ta lại phát hiện thêm 1 khẩu thần công nữa. Theo những nhà nghiên cứu, đó là những khẩu thần công của triều đình nhà Nguyễn được Nguyễn Tri Phương dùng để đánh lui quân Pháp ở cửa sông Hàn từ 200 năm trước.
Thấy được giá trị lịch sử to lớn của di tích thành Điện Hải đối với lịch sử dân tộc, UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch tổng thể và giao cho ngành văn hóa quản lý, bảo vệ, nghiên cứu các giải pháp bảo tồn, phục hồi, tôn tạo di tích, nhằm phát huy giá trị của di tích trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, nghiên cứu khoa học, phục vụ khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.
Bảo tồn và phát huy giá trị
Trải qua gần 200 năm lịch sử, mặc dù được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1988 nhưng chịu sự tác động của thiên nhiên, sự tàn phá của chiến tranh và của cả con người, thành Điện Hải đã và đang bị xuống cấp trầm trọng cả vùng đệm và vùng lõi - yếu tố gốc của di tích.
Từ năm 2016, để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng đã đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét lại giá trị lịch sử của thành Điện Hải, nhằm có giải pháp quản lý bảo vệ di tích có một không hai này. Đến đầu năm 2017, lãnh đạo TP. Đà Nẵng chủ trương giải tỏa, di dời 80 hộ dân sống xung quanh bờ tường phía Tây, dừng hẳn công trình xây dựng Trung tâm lưu trữ ở phía Bắc và phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật trùng tu, tôn tạo và phục hồi thành Điện Hải gồm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2017 - 2019) là giải phóng mặt bằng, di dời toàn bộ số hộ dân ra khỏi thành Điện Hải, tháo dỡ các yếu tố kiến trúc không nguyên gốc, phục hồi kè, hào như nguyên trạng, xây dựng công viên, cây xanh, bãi đỗ xe… tạo không gian đệm cho di tích; Giai đoạn 2 (2019 - 2021) là di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi thành Điện Hải và tiến hành tôn tạo, phục hồi các yếu tố gốc trong khu vực nội thành gồm những công trình đã có ở thành trong lịch sử như nhà kho, kho thuốc súng, kỳ đài, vọng lâu… và nghiên cứu xây dựng không gian tưởng niệm các anh hùng, nghĩa sĩ đã hy sinh, xây dựng các khu phụ trợ phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định. Giá trị thành Điện Hải nằm ở cả giá trị vật thể và phi vật thể. Về giá trị vật thể, thành Điện Hải xây theo kiểu thành Vauban châu Âu, cũng giống như các hệ thống thành lũy trên cả nước, đặc biệt sau thời kỳ Gia Long và thời kỳ Minh Mạng; tuy nhiên, hiện nay còn rất ít. Nếu không kể cố đô Huế thì thành Điện Hải là di tích duy nhất về thành lũy quân sự cổ còn sót lại ở miền Trung. Thành Điện Hải gắn với người anh hùng Nguyễn Tri Phương và ý chí kháng chiến của nhân dân Đà Nẵng và cả nước. Tất cả cái đó có thể nói là giá trị phi vật thể.
Đặc biệt vào cuối tháng 3/2018, cùng với việc đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt dành cho thành Điện Hải, TP. Đà Nẵng cũng đã khởi công dự án trên. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã nhấn mạnh thành Điện Hải có giá trị lịch sử đặc biệt, là biểu tượng về ý chí quật cường, tinh thần yêu nước mãnh liệt của con người Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng di tích lịch sử thành Điện Hải là di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Điều đặc biệt, với không gian tương đối hoàn thiện và nỗ lực khôi phục giá trị thành Điện Hải của chính quyền Đà Nẵng, nơi đây có thể trở thành địa điểm lý tưởng giới thiệu thành quách của Đà Nẵng và cả nước, giúp người dân và du khách mục sở thị những gì diễn ra trong hơn 1 thế kỷ trước và có ứng xử đúng đắn với di tích và lịch sử của dân tộc.