Hà Nội: Cần sớm phục dựng điện Kính Thiên
Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Công ước Di sản thế giới và 20 năm nghiên cứu, khai quật, phát lộ Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội (2002-2022), tại Hà Nội vừa diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội”.
Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long là một quần thể di tích, di vật mang bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời; là di tích văn hóa, lịch sử, khảo cổ tiêu biểu và là bằng chứng vật chất, phản ánh trình độ kỹ thuật cao, chứa đựng các giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật; đồng thời phản ánh sự giao thoa văn hóa trong một quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Vì thế, hội thảo là dịp tổng kết những thành tựu nổi bật trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội từ 2002 đến nay, đặc biệt giới thiệu kết quả khai quật khảo cổ học 10 năm tại khu vực Chính điện Kính Thiên. Hoạt động hướng tới hỗ trợ những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong nước và quốc tế có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm, nghiên cứu so sánh… trong việc phục dựng các cung điện; tham vấn khoa học về định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội; thúc đẩy hoạt động quảng bá các giá trị đặc sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Việt Nam lan tỏa trong nước và quốc tế.
Hoàng Thành Thăng Long cần được tiếp tục nghiên cứu, phục dựng |
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương nhận định: Trong số 3 “cố đô” của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới (Cố đô Hoa Lư, Cố đô Huế và Hoàng Thành Thăng Long) thì Hoàng Thành Thăng Long có nét độc đáo riêng, thể hiện sự nối tiếp, liên tục trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây được coi là trung tâm chính trị quan trọng bậc nhất trong hệ thống các kinh đô của Việt Nam - nơi hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc ta qua hàng ngàn năm lịch sử.
“Trải qua hơn 20 năm nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, về cơ bản các khuyến nghị của UNESCO đã và đang tiếp tục được các cơ quan quản lý di sản của thành phố Hà Nội thực hiện đầy đủ, từ việc củng cố bộ máy tổ chức và tăng cường vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đến việc bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý di sản; Xây dựng và ban hành các quy chế bảo vệ di sản; Xây dựng và thực thi các kế hoạch quản lý, Quy hoạch và đầu tư nguồn lực tài chính để triển khai các dự án bảo vệ, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di sản, ngăn chặn các nguy cơ tác động, ảnh hưởng xấu tới di sản, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học...”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói, đồng thời cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác quản lý Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội vẫn còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Điều đó đòi hỏi các nhà quản lý, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và giải quyết từ nhiều góc độ khác nhau.
Thông tin tại hội thảo, PGS-TS. Tống Trung Tín - Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật nghiên cứu tại khu vực trung tâm của khu di sản, với tổng diện tích 8.440m². Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long; Đồng thời thu được nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao, góp phần nghiên cứu, khôi phục chính điện Kính Thiên.
Để phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm phục dựng điện Kính Thiên. Theo ông Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội lưu ý, cần đẩy nhanh tiến độ khôi phục không gian chính điện Kính Thiên và điện Kính Thiên.
Đây là tiền đề cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản trong thời gian tới với trọng tâm là đưa ra phương án khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc cung điện; Đặc biệt là thực hiện đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên và bảo tồn nhà Cục Tác chiến dưới dạng di sản số; Hoàn thiện Kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045…
Cũng theo ông Tiến, khu di sản gắn với Trung tâm quyền lực quốc gia liên tục qua hàng ngàn năm, tức là có liên quan mật thiết tới các hoạt động của Cung đình - Hoàng gia qua nhiều triều đại. Vì vậy, chúng ta cần phải có sự tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu và từng bước phục dựng, tái hiện các giá trị văn hóa phi vật thể đã từng diễn ra trong không gian văn hóa cung đình đặc trưng ở các thời kỳ như: Sinh hoạt Cung đình, triều nghi, thi cử, lựa chọn nhân tài, các quyết sách lớn ảnh hưởng tới phát triển quốc gia; Lễ hội quảng chiếu và các lễ hội lớn; Thiết triều, lễ Đăng quang, tế Nam Giao, Xã tắc...
Đồng quan điểm, GS-TS-KTS. Nguyễn Quốc Thông cho rằng, đến thời điểm này là phải làm, chúng ta đã có những cơ sở khoa học nhất định, căn bản nhất có thể khẳng định, cấu trúc thành hay vị trí của trung tâm quyền lực cao nhất đã xác định.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Sơn - nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, tư liệu để phục dựng không gian và chính điện Kính Thiên còn chưa đầy đủ, là thách thức trong việc phục dựng. Để có cứ liệu phục dựng cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực như khảo cổ học, sử học, kiến trúc, mỹ thuật... Trước hết, theo ông Sơn, các nhà nghiên cứu cần làm rõ quy mô cấu trúc của chính điện, với việc hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu gồm: hình thức và thiết kế, vật liệu và chất liệu, cách sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật, vị trí và nơi dựng lập, tinh thần và cách thể hiện và những nhân tố khác bên trong, bên ngoài di sản.
“Từ kết quả nghiên cứu này sẽ cho phép dựng lên các chiều kích nghệ thuật, lịch sử, xã hội và khoa học của Chính điện Kính Thiên. Nếu việc này được tiến hành liên tục trong 3-5 năm thì trong vòng 10 năm tới chúng ta có hy vọng để phục dựng điện Kính Thiên”, ông Sơn kỳ vọng.