Đi tìm thuốc “giải cứu” ngành hàng không
Để tìm ra các giải pháp cụ thể nhằm giải bài toán về vốn cho các hãng bay, đặc biệt là hãng bay tư nhân, tại tọa đàm trực tuyến "Giữ cánh cho hàng không Việt - Giải pháp cấp bách về vốn" diễn ra sáng 2/8, các chuyên gia đầu ngành về tài chính và ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp "giải cứu" ngành hàng không.
Theo các chuyên gia, ngành hàng không không những đóng góp vào tăng trưởng GDP mà còn tác động mạnh mẽ tới việc kết nối quốc tế, tạo việc làm, thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào đời sống, có vai trò quan trọng trong sự phát triển ngành du lịch, thương mại, đầu tư và tiêu dùng.
Bên cạnh hãng hàng không quốc gia, với sự ra đời của các hãng hàng không tư nhân, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập nhanh và sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Doanh nghiệp như “con bệnh” cần “trợ thở”
Thế nhưng, cũng giống như các nước trên thế giới, trước tác động của dịch Covid-19, ngành hàng không Việt Nam đang phải trải qua thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, phần lớn thời gian của gần hai năm qua là yên vị tại mặt đất chứ không phải sải cánh trên bầu trời. Theo đó, các hãng bay đều cạn kiệt dòng tiền, phải cố gắng “giật gấu vá vai”, cân đối các khoản chi tiêu để cầm cự.
Thấu hiểu những khó khăn của ngành hàng không trong nước, hàng loạt chính sách về miễn giảm thuế, phí đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhằm hỗ trợ các hãng bay có thêm nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, kể từ khi bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến hoạt động doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp trong ngành hàng không nói riêng.
Đợt dịch thứ nhất, thứ hai, thứ ba là thử thách cho các doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp ngành hàng không đã hứng chịu những tác động nặng nề nhất và nghiêm trọng nhất. Trong bối cảnh đó, Chính phủ cũng đã có những giải pháp quyết liệt để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 lần thứ tư diễn ra với diễn biến hết sức phức tạp, lan rộng trên 50 tỉnh, thành phố. Nhiều tỉnh đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ khiến ngành hàng không đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Theo TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, dịch bệnh khiến doanh thu ngành hàng không giảm sút nghiêm trọng: 80-90% máy bay phải nằm tại sân bay trong mùa cao điểm; doanh thu của ngành chỉ đạt 10-20%; vận chuyển hành khách năm 2020 giảm gần 50% so với năm 2019; điều hành bay 6 tháng đầu năm 2021 giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2020; vận chuyển chỉ đạt 13,5 triệu hành khách, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2020... Không chỉ vậy, đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ dịch vụ vận tải của các hãng hàng không.
PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đại dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ tư rất khốc liệt và đang bào mòn sức khỏe của ngành hàng không. Với diễn biến của dịch bệnh hiện nay, rất khó đoán định khi nào đại dịch sẽ kết thúc. Do đó, khó khăn vẫn lơ lửng trên đầu doanh nghiệp.
“Ngành hàng không đang là những con bệnh cần trợ thở. Nếu không được hỗ trợ, các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, thậm chí dẫn đến tình trạng kiệt quệ tài chính. Nếu không được xử lý sẽ tạo ra chi phí tái cấu trúc nặng nề cho ngành hàng không trong tương lai", ông Bảo cảnh báo.
Cần ngay các biện pháp hỗ trợ
Thời điểm trước dịch, theo số liệu thống kê và báo cáo của các doanh nghiệp, tính riêng Vietnam Airlines, Vietjet, ACV, VATM, có tới bốn vạn cán bộ, nhân viên, tạo ra doanh thu khoảng 180.000 tỷ đồng/năm.
Về ngân sách, ngành hàng không đóng góp trên 22.000 tỷ đồng thuế và phí/năm, tương đương trong top 10 tỉnh, thành nộp ngân sách lớn nhất nước.
Một việc làm trong ngành hàng không sẽ tạo ra 24 việc làm trong các ngành có liên quan, như dịch vụ lữ hành, xăng dầu, dịch vụ, du lịch, khách sạn... Triển vọng hiện nay dù u tối nhưng khi dịch bệnh đi qua, khi nền kinh tế hồi phục, hàng không bật dậy rất nhanh với bức tranh vô cùng tươi sáng.
Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã nhân được khoản hỗ trợ của Chính phủ trị giá 4.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn. Hai hãng hàng không tư nhân là VietJet và Bamboo đều chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào và đang trong tình trạng khó khăn.
Số chuyến bay khai thác của các hãng hàng không Việt Nam tháng 7/2021 |
Trước những khó khăn, thách thức các doanh nghiệp hàng không đang đối mặt, TS. Bùi Doãn Nề cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ một số giải pháp như: áp dụng “hộ chiếu vaccine”, nới lỏng quy định về đi lại, cách ly với những người đã tiêm đủ liều vaccine, có kế hoạch sớm khai thác trở lại các đường bay quốc tế.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng cho các hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways, Vietjet Air. Thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần...
“Chúng tôi đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép giảm thuế bảo vệ môi trường, áp dụng mức giảm 70% cho các hãng hàng không đến ngày 30/6/2022. Bên cạnh đó, Nhà nước nên tiếp tục giảm giá, phí dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không; xem xét giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo phục vụ ngành hàng không từ nay đến hết năm 2022”, TS. Bùi Doãn Nề nói.
Nhận định về các giải pháp “giải cứu” cho ngành hàng không, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, cần xác định việc hỗ trợ ngành hàng không vượt qua khủng hoảng Covid-19 là trường hợp khách quan, bất khả kháng, để từ đó áp dụng các chính sách, biện pháp vừa linh hoạt, đúng quy định pháp luật, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp trong ngành.
“Chính phủ xem xét, có phương án hỗ trợ phù hợp, khả thi đối với các hãng hàng không tư nhân (cho vay hỗ trợ lãi suất khoảng 3-4%/năm so với vay thương mại), thời hạn vay vốn từ 1-2 năm. Đồng thời giảm một số thuế, phí phù hợp ngoài các hỗ trợ đang thực hiện”, ông Lực đề xuất.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng nhấn mạnh đến vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam. Theo đó, Hiệp hội cần phải tổng hợp, đánh giá đúng sự cần thiết, cũng như vai trò vị trí hết sức quan trọng của ngành hàng không... để thấy được ngành xứng đáng nhận sự hỗ trợ này.
"Để giải cứu ngành hàng không, chắc chắn cần giải pháp mạnh, tạo hành lang pháp lý, chẳng hạn như một Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này", ông Hùng cho hay.
Nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng đưa ra 4 kiến nghị lớn cho ngành hàng không:
Thứ nhất, về quan điểm và cách tiếp cận việc giải quyết khó khăn hiện nay của VNA và ngành hàng không, Chính phủ, bộ, ngành, các doanh nghiệp hàng không và các tổ chức tín dụng cần thống nhất quan điểm và xác định việc hỗ trợ VNA vượt qua khủng hoảng Covid-19 là trường hợp khách quan, bất khả kháng, để từ đó áp dụng các chính sách, biện pháp linh hoạt, giải quyết và xét tới tính hiệu quả, hợp lý của vấn đề; xác định việc cứu trợ ngành hàng không là cần thiết, cấp bách nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực trong giao thương, du lịch, đầu tư và tiêu dùng, đồng thời đảm bảo duy trì việc làm cho lực lượng lao động của ngành và các ngành liên quan.
Thứ hai, về nguyên tắc hỗ trợ, Chính phủ, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và ngành hàng không nói riêng, đảm bảo đúng quy định pháp luật (có giải pháp đặc biệt, linh hoạt trong bối cảnh bất khả kháng), đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp trong ngành.
Thứ ba, về phương thức hỗ trợ, (i) Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan đảm bảo đúng tiến độ và giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch trong triển khai giải ngân gói vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng và giải pháp tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng đối với VNA như Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; (ii) Xem xét, có phương án hỗ trợ phù hợp, khả thi đối với các hãng hàng không tư nhân (cho vay hỗ trợ lãi suất khoảng 3-4%/năm so với vay thương mại), thời hạn vay vốn từ 1-2 năm; (iii) Xem xét cho phép SCIC đầu tư vốn dạng cổ phần và sẽ thoái vốn khi doanh nghiệp đã ổn định; (iv) Xem xét giảm một số thuế, phí phù hợp (ngoài việc thực hiện Nghị quyết 52 của Chính phủ và Thông tư 03, 04 của Ngân hàng Nhà nước).
Thứ tư, về điều kiện hỗ trợ: Để được nhận hỗ trợ, Chính phủ và các cơ quản lý liên quan cần yêu cầu, quy định bắt buộc các doanh nghiệp hàng không phải đáp ứng được những điều kiện ngắn hạn và dài hạn, nhất là khi các điều kiện này giúp cho các doanh nghiệp và toàn ngành nâng cao năng lực cạnh tranh và bắt kịp xu thế hàng không quốc tế.