Điểm lại thông tin kinh tế ngày 19/7
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 17/7 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 18/7 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 19/7, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.704 VND/USD, giảm 10 đồng so với phiên trước đó.
Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 24.839 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô - đồng chốt phiên ở mức 23.636 VND/USD, tăng nhẹ 1 đồng so với phiên 18/7.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do giảm 30 đồng ở chiều mua vào và 40 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.630 VND/USD và 23.660 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 19/7, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm trở lại 0,01 - 0,18 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: qua đêm 0,39%; 1 tuần 0,60%; 2 tuần 0,89% và 1 tháng 2,11%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 - 0,03 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: qua đêm 4,88%; 1 tuần 4,94%; 2 tuần 5,02%, 1 tháng 5,19%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 1,79%; 5 năm 1,92%; 7 năm 2,20%; 10 năm 2,47%; 15 năm 2,71%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Phiên chào này không có khối lượng trúng thầu và không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố. NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu.
Thị trường trái phiếu hôm qua 19/7, Kho bạc Nhà nước chào thầu 9.250 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Tổng khối lượng trúng thầu đạt 8.750 tỷ, tương đương 95%. Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 5 năm chào thầu 500 tỷ đồng và không có khối lượng trúng thầu, kỳ hạn 10 năm trúng thầu toàn bộ 3.750 tỷ chào thầu, kỳ hạn 15 năm trúng thầu toàn bộ 4.500 tỷ và kỳ hạn 30 năm trúng thầu toàn bộ 500 tỷ đồng.
Lãi suất trúng thầu ở các kỳ hạn lần lượt là 10 năm 2,45% (không thay đổi so lần trúng thầu trước), 15 năm 2,70% (không đổi) và 15 năm 3,10% (-0,15 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán hôm qua vào phiên khá tích cực, tuy nhiên đã giảm dần vào cuối phiên. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,11 điểm (-0,09%) xuống 1.172,98 điểm; HNX-Index tăng 0,51 điểm (+0,22%) lên 231,47 điểm; UpCOM-Index thêm 0,11 điểm (+0,13%) đạt mức 87,13 điểm. Thanh khoản thị trường tăng nhẹ với giá trị giao dịch gần 20.000 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 286 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong phiên hôm qua.
Ngày 19/07, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á tháng Bảy (Asian Development Outlook - ADO - July 2023). Trong đó, ADB điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% xuống còn 5,8% trong năm 2023 và từ 6,8% xuống còn 6,2% trong năm 2024. Cũng theo ADB, nhu cầu bên ngoài yếu tiếp tục gây áp lực lên sản xuất công nghiệp và chế biến chế tạo, trong khi các điều kiện trong nước dự kiến sẽ được cải thiện. Lạm phát được dự báo sẽ chậm lại ở mức 4% trong năm 2023 và 2024.
Tin quốc tế
Cơ quan Thống kê Mỹ cho biết số cấp phép xây dựng và số nhà khởi công tại nước này lần lượt đạt 1,44 triệu đơn và 1,43 triệu ăn trong tháng Sáu, cùng giảm so với 1,50 triệu đơn và 1,56 triệu căn của tháng Năm, đồng thời thấp hơn 1,49 triệu đơn và 1,48 triệu căn theo kỳ vọng.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ONS cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tại nước này tăng 7,9% so với cùng kỳ trong tháng Sáu, thấp hơn nhiều so với mức 8,7% của tháng Năm và đồng thời xuống dưới mức 8,2% theo dự báo. Bên cạnh đó, CPI lõi cũng chỉ tăng 6,9% so với cùng kỳ trong tháng vừa qua, trái với dự báo đi ngang ở mức tăng 7,1% như kết quả thống kê trong tháng Năm.
Hôm qua 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova tuyên bố nếu Bản ghi nhớ giữa Nga và Liên hợp quốc về xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này không được thực hiện đầy đủ trong vòng 3 tháng tới, Moskva sẽ không đàm phán về thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen. Cũng trong ngày hôm qua, IMF nhận định việc Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển đen sẽ làm xấu đi triển vọng an ninh lương thực toàn cầu và gia tăng nguy cơ lạm phát giá lương thực.