Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/1
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 13-17/1 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 21/1, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.158 VND/USD, tiếp tục tăng 3 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.803 VND/USD, tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.173 VND/USD, giảm nhẹ 02 đồng so với phiên 20/1. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 10 đồng ở chiều mua vào trong khi giữ nguyên ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.140 - 23.180 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng phiên hôm qua, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,03 - 0,23 điểm phần trăm ở hầu hết kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống trong khi không thay đổi ở kỳ hạn 2 tuần so với phiên đầu tuần; cụ thể: qua đêm 3,43%; 1 tuần 3,48%; 2 tuần 3,50% và 1 tháng 3,58%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tháng trong khi giảm 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tuần và giữ nguyên ở kỳ hạn 2 tuần; giao dịch tại: qua đêm 1,74%; 1 tuần 1,81%; 2 tuần 1,90%, 1 tháng 2,07%.
Nghiệp vụ thị trường mở ngày 21/1, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 5.000 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất hạ xuống mức 2,69%, các tổ chức tín dụng hấp thụ được toàn bộ khối lượng này.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 5.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức 10.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước chào thầu 3.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0%, không có khối lượng trúng thầu.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua ghi nhận những diễn biến tích cực, sự khởi sắc đã lan rộng tới nhiều nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, giúp lan rộng sắc xanh của các chỉ số. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 7,74 điểm (+0,79%) lên 986,37 điểm; HNX-Index tăng 0,95 điểm (+0,91%) lên 105,59 điểm; UPCOM-Index tăng 0,50 điểm (+0,85%) lên 55,96 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn không cải thiện với tổng giá trị giao dịch đạt gần 3.700 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 24 tỷ đồng trên cả ba sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Ngày 21/1, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA).
Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ EU ngay khi EVFTA có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được xoá trong giai đoạn 10 năm. Ngoài ra, EU sẽ giảm hơn 70% thuế quan đối với hàng hoá Việt Nam ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được xoá thuế trong 7 năm tiếp theo.
Tiếp theo, Nghị viện châu Âu (EP) sẽ bỏ phiếu về EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) tại phiên họp diễn ra vào tháng 2 ở Strasbourg, Pháp. Nếu thông qua, Hiệp định Thương mại sẽ chính thức có hiệu lực.
Tin quốc tế
Chỉ số niềm tin kinh tế tại nước Đức ở mức 26,7 điểm trong tháng 12, cao hơn nhiều so với 10,7 điểm của tháng 11, đồng thời vượt qua mức 15,2 điểm theo kỳ vọng. Đây là mức điểm cao nhất nước này đạt được kể từ tháng 07/2015.
Tỷ lệ thất nghiệp của nước Anh trong tháng 11 ở mức 3,8%, không thay đổi so với mức thất nghiệp của tháng 10, đồng thời khớp với dự báo. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của người lao động Anh tăng 3,2% trong tháng 11, bằng với mức tăng của tháng 10 và cao hơn mức tăng 3,1% theo kỳ vọng của các chuyên gia.
Trong kỳ họp ngày 21/1, Ngân hàng trung ương Nhật Bản BOJ quyết định giữ lãi suất chính sách ở mức -0,1% và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở quanh ngưỡng 0%. Bên cạnh đó, các chính sách nới lỏng định lượng và định tính cũng không thay đổi nhằm đưa tỷ lệ lạm phát đạt ngưỡng mục tiêu 2,0%.
BOJ cho rằng các mức lãi suất ngắn hạn và dài hạn có thể được duy trì hoặc điều chỉnh xuống thấp hơn trong tương lai. Cuối cùng, cơ quan này cho biết các rủi ro giảm tốc kinh tế đang khá nghiêm trọng và chủ yếu xuất phát từ các nền kinh tế quốc tế, BOJ sẽ không ngần ngại đưa thêm các biện pháp nới lỏng để tăng khả năng đưa lạm phát tới ngưỡng mục tiêu.