Điểm lại thông tin kinh tế ngày 4/7
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 26-30/6 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 3/7 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 4/7, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.804 VND/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với phiên trước đó.
Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 24.944 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô - đồng chốt phiên ở mức 23.703 VND/USD, tăng mạnh 23 đồng so với phiên 03/07.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do tăng 20 đồng ở chiều mua vào và giảm 30 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.640 VND/USD và 23.690 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 4/7, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng từ 0,02 - 0,06 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: qua đêm 0,73%; 1 tuần 1,08%; 2 tuần 1,52% và 1 tháng 2,97%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD gần như đi ngang ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: qua đêm 4,85%; 1 tuần 4,91%; 2 tuần 5,0%, 1 tháng 5,19%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn 3 năm, 5 năm và 7 năm trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3 năm 2,13%; 5 năm 2,14%; 7 năm 2,34%; 10 năm 2,67%; 15 năm 2,87%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, khối lượng 3.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, đều với lãi suất giữ ở mức 4,0%; không có khối lượng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn; không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố. NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường chứng khoán hôm qua, VN-Index có phiên tăng điểm tương đối tích cực. Chốt phiên, VN-Index tăng 6,50 điểm (+0,58%) đạt 1.132,0 điểm; HNX-Index tăng 2,16 điểm (+0,95%) lên 228,76 điểm; UPCoM-Index hạ nhẹ 0,24 điểm (-0,28%) về mức 85,53 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức khá với giá trị giao dịch hơn 16.800 tỷ đồng. Khối ngoại mua bán ròng 455 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng Sáu đạt 46,2 điểm, tăng so với mức 45,3 điểm của tháng Năm. Mặc dù đã có chút cải thiện, song chỉ số này cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam vẫn chưa hết khó khăn. Trong đó, có 3 điểm nổi bật: Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm tháng thứ tư liên tiếp; Giá bán hàng giảm với tốc độ nhanh nhất trong thời gian hơn ba năm; và Thời gian giao hàng của nhà cung cấp cải thiện ở mức gần kỷ lục.
Tin quốc tế
Trong cuộc họp ngày hôm qua, Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) cho rằng lạm phát tại Úc đã đi qua vùng đỉnh, và chỉ số CPI so với tháng trước cũng đang giảm tốc. Tuy nhiên, cơ quan này cũng nhấn mạnh áp lực lạm phát vẫn còn lớn và sẽ duy trì dai dẳng trong một thời gian nữa. Nền kinh tế Úc gần đây cũng đã hoạt động chậm lại và thị trường lao động bớt thắt chặt hơn.
RBA khẳng định vẫn cảnh giác và ưu tiên đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% - 3%, đồng thời kỳ vọng kinh tế tiếp tục tăng trưởng, dù con đường để dẫn tới hạ cánh mềm là hẹp.
Cuối cùng, RBA lưu ý rằng có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để đưa lạm phát trở lại mục tiêu trong khung thời gian hợp lý, nhưng điều này sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế trong thời gian tới.
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức Destatis cho biết kim ngạch xuất khẩu tại Đức đạt 103,5 tỷ EUR trong tháng 5, giảm 0,1% so với tháng trước. Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 đạt 116,1 tỷ EUR, tăng 1,7% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm, lần lượt 0,7% và 8,6% so với cùng kỳ, cho thấy sức cầu yếu ở cả trong nước và quốc tế.
Cán cân thương mại của nước Đức trong tháng 5 thặng dư 14,4 tỷ EUR; lũy kế 5 tháng đầu năm thặng dư 76,9 EUR, cao hơn khá nhiều so với mức thặng dư 30,1 tỷ EUR ở 5 tháng đầu năm 2022.