Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 5-9/7
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 8/7 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 7/7 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 6/7 |
Tổng quan
Thị trường chứng khoán Việt Nam lập nhiều đỉnh mới trong nửa đầu năm 2021, có triển vọng tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm, bấp chất sự đe dọa của dịch bệnh và dòng vốn nước ngoài liên tục rút khỏi thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6/2021, chỉ số VN-Index đạt mức 1.408,55 điểm, tăng 6,06% so với tháng 5/2021 và tăng 27,6% so với cuối năm 2020, tăng mạnh gần 113% so với thời điểm cuối tháng 3/2020 (thời điểm vùng đáy của thị trường).
Như vậy, VN - Index liên tục vượt các kỷ lục đã lập trước đó và trở thành một trong những chỉ số có tốc tăng trưởng vượt trội hơn nhiều so với nhiều thị trường khác như Hàn Quốc (+15%), Mỹ (+14%), chỉ số MSCI các thị trường cận biên (+13%), MSCI các thị trường phát triển (+12%)... Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng mạnh.
Tính đến ngày 30/06, mức này đạt 6.838 nghìn tỷ đồng, tăng 29,2% so với cuối năm 2020, tương đương 108,7% GDP. Trên TTCK phái sinh và các sản phẩm khác, quy mô giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm 2021 đạt 24.041 tỉ đồng/phiên, tăng 90,9% và số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 330.200 tài khoản, tăng 182,4% so với 6 tháng đầu năm 2020. Tương tự, giá trị giao dịch bình quân trái phiếu trong 6 tháng đạt 11.622 tỉ đồng/phiên, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thanh khoản thị trường cũng lập kỷ lục. Từ giá trị giao dịch bình quân đạt mức 19.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 1, thanh khoản thị trường cổ phiếu đã gia tăng nhanh chóng lên mức 22.500 tỷ đồng/phiên trong tháng 4, mức 26.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 5 và tăng mạnh mẽ lên mức gần 30.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 6, trong đó, ngày 04/06/2021, thị trường ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục 38.162 tỷ đồng. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới cũng liên tục xác lập kỷ lục lịch sử.
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán, Việt Nam hiện có khoảng 3,3 triệu tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước; trong đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021 đã có tới 500.000 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân được mở, cao kỷ lục trên TTCK, cao hơn 27,3% so với cả năm 2020.
Theo các chuyên gia kinh tế, TTCK Việt Nam 6 tháng đầu năm sôi động và là một trong những thị trường tăng mạnh nhất thế giới là nhờ những yếu tố sau: (i) Kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, hồi phục sau dịch khá ấn tượng so với mặt bằng chung của thế giới; (ii) Mặt bằng lãi suất tại Việt Nam ở mức thấp khiến dòng tiền trong nền kinh tế có xu hướng chuyển từ các kênh tiết kiệm, bất động sản, ngoại tệ... vào kênh chứng khoán; (iii) Kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp niêm yết tương đối tích cực; (iv) Kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại vì Nghị định 81 có hiệu lực…
Theo các công ty chứng khoán, dư địa tăng trưởng của TTCK vẫn còn tích cực, VN-Index có thể tăng lên mức 1.500 điểm trước cuối năm nay. Các yếu tố hỗ trợ thị trường được các chuyên gia kể đến là: (i) Lãi suất được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp trong quý 3/2021 sẽ là yếu tố hỗ trợ chính cho xu hướng tăng của thị trường; (ii) sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của nhóm doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt nhóm vốn hoá lớn thuộc các ngành ngân hàng, thép, chứng khoán, tiện ích, công nghệ thông tin… nếu Việt Nam vẫn kiểm soát được dịch bệnh như hiện tại; (iii) Việt Nam nhiều khả năng sẽ thu hút được thêm dòng vốn ngoại vào thị trường để đón đầu xu thế nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi; (iv) hệ thống giao dịch nâng cấp của HOSE được vận hành từ 05/07.
Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK trong nửa cuối năm 2021: (i) lạm phát tăng nhanh và NHTW các nước lớn tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, giảm bơm tiền, nếu kinh tế không hồi phục như kỳ vọng sẽ khiến nợ xấu ngân hàng tăng mạnh; (ii) thị trường bất động sản cũng đang có dấu hiệu ấm lên, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, khiến dòng tiền có thể chảy ngược từ TTCK sang các kênh đầu tư khác; (iii) rủi ro khi dịch Covid-19 tiếp tục tác động mạnh đến những trung tâm kinh tế của cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp….
Các chuyên gia cũng thảo luận nhiều đến việc cường độ bán ròng của nhà đầu tư ngoại đang có dấu hiệu tăng so với năm ngoái và tăng dần từ đầu năm. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2021, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục gần 30.000 tỷ đồng trên sàn HOSE - gần gấp đôi lượng bán ròng trong cả năm trước (15.740 tỷ đồng năm 2020). Như vậy, tính từ khi dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 46.000 tỷ đồng trên sàn HOSE (khoảng 2 tỷ USD).
Thực tế, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất bị khối ngoại bán tháo, tài sản đang quản lý (AUM) của các quỹ đầu tư vào các thị trường cận biên trên toàn cầu đã và đang giảm mạnh. Đơn cử, tổng giá trị bán ròng của NĐTNN từ Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam trong tháng 5 là 12 tỉ USD, trong đó Việt Nam chỉ chiếm 4%. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các NĐTNN vẫn quan tâm đến TT Việt Nam nhờ vào câu chuyện vĩ mô tích cực, kiểm soát tốt dịch bệnh, tiềm năng tăng trưởng trong ngắn và trung hạn…
Tóm lược thị trường trong nước từ 05/07 - 09/07
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 05/07 - 09/07, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng nhẹ. Chốt tuần, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.201 VND/USD, tăng 17 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 22.975 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.847 VND/USD.
Tỷ giá LNH ít biến động trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 09/07, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.005 VND/USD, chỉ tăng 01 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Trái lại, trong tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do giảm trở lại. Chốt tuần 09/07, tỷ giá tự do giảm 95 đồng ở chiều mua vào và 75 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.250 – 23.300 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần từ 05/07 - 09/07 có xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 09/07, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 1,0% (-0,12 đpt); 1W 1,11% (-0,21 đpt); 2W 1,25% (-0,16 đpt); 1M 1,41% (-0,12 đpt).
Lãi suất USD LNH vẫn chỉ biến động tăng – giảm nhẹ, chốt tuần 09/07 đóng cửa tại: ON 0,15% (không thay đổi); 1W 0,18% (-0,01 đpt); 2W 0,23% (-0,01 đpt) và 1M 0,32% (-0,01 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 05/07 - 09/07, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên ở kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Có 52,8 tỷ đồng trúng thầu trong tuần. Như vậy, NHNN bơm ròng 52,8 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 05/07 - 09/07, KBNN huy động thành công 6.553/7.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 94%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động thành công 850/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động toàn bộ lần lượt 3.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động 1.203/1.500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 1,08%/năm (-0,02%), kỳ hạn 10 năm tại 2,17%/năm (-0,03%), kỳ hạn 15 năm tại 2,44%/năm (-0,02) và kỳ hạn 30 năm không đổi tại 3,05%/năm.
Trong tuần có 4.885 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Tuần này từ 12/07 – 16/07, KBNN sẽ gọi thầu 6.500 tỷ đồng TPCP, cao hơn 500 tỷ đồng so với tuần trước đó. Ngoài ra, NHCSXH cũng trở lại gọi thầu với 2.000 tỷ đồng TPCPBL.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.202 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh từ mức 13.568 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP giảm ở tất cả các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Chốt phiên 09/07, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,34% (-0,06 đpt); 2 năm 0,57% (không thay đổi); 3 năm 0,88% (-0,02 đpt); 5 năm 1,08% (-0,01đpt); 7 năm 1,34% (-0,01 đpt); 10 năm 2,17% (-0,02 đpt); 15 năm 2,46% (-0,01 đpt); 30 năm 3,08% (-0,01 đpt).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần từ 05/07 - 09/07 tiêu cực với cả 3 sàn chìm trong sắc đỏ. Kết thúc phiên cuối tuần 09/07, VN-Index đứng ở mức 1.347,14 điểm, giảm rất mạnh 70,13 điểm (-5,15%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm mạnh 21,28 điểm (-6,49%) đạt 306,73 điểm; UPCoM-Index giảm 3,56 điểm (-3,93%) xuống 87,08 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 27.600 tỷ đồng/phiên. Chốt tuần, khối ngoại bán ròng hơn 486 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Biên bản phiên họp tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed phần nào trấn an thị trường trong tuần vừa qua. Ngày 07/07, Fed công bố biên bản cho thấy triển vọng phục hồi kinh tế đang tích cực dần lên, chủ yếu phụ thuộc vào quá trình tiêm chủng vaccine, và cũng chính vì thế luôn tiềm ẩn các rủi ro. Lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhưng phần lớn do các yếu tố nhất thời. Quan điểm của Fed là sử dụng tất cả các công cụ có thể nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn này. Fed khẳng định lại mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng việc làm tối đa và đạt được lạm phát dài hạn ổn định ở mức mục tiêu 2,0%. Do lạm phát đã ở dưới ngưỡng này trong một thời gian dài, Fed sẽ để lạm phát vượt lên ngưỡng 2,0% một cách vừa phải và trong một thời gian nhất định, nhằm đạt được lạm phát trung bình theo thời gian ở mức 2,0%.
Tất cả các thành viên đều đồng ý giữ LSCS ở mức 0,0% - 0,25%, bên cạnh đó tiếp tục thu mua tài sản ở mức 120 tỷ USD/tháng nhằm đảm bảo các điều kiện tài chính phù hợp để đạt được các mục tiêu kể trên. Sau khi biên bản của Fed được công bố, thị trường Mỹ có những phản ứng tích cực, đặc biệt trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn đặt ra câu hỏi khi nào sẽ là thời gian thích hợp để Fed thu hẹp hoặc rút lại chương trình thu mua tài sản.
Nước Mỹ đón các thông tin kinh tế trái chiều. Về chiều tiêu cực, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM khảo sát cho biết PMI lĩnh vực dịch vụ của nước này trong tháng 6 ở mức 60,1%; giảm khá mạnh từ mức 64% của tháng 5, xuống sâu hơn so với mức 63,4% theo dự báo.
Tiếp theo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tuần kết thúc ngày 03/07 ở mức 373 nghìn đơn, tăng nhẹ từ mức 371 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với kỳ vọng giảm xuống còn 345 nghìn đơn. Tuy nhiên, ở chiều tích cực, nước Mỹ đã tạo ra 9,21 triệu cơ hội việc làm trong tháng 5, cao hơn một chút so với mức 9,19 triệu của tháng trước đó và gần khớp với dự báo ở mức 9,30 triệu cơ hội.
Như vậy, tháng 4 và tháng 5 đều cho thấy số cơ hội việc làm cao vượt trội trong lịch sử Mỹ. Cuối cùng, giá trị tín dụng tiêu dùng của Mỹ tăng mạnh trong tháng 5 với mức 35,3 tỷ USD so với tháng 4 và mạnh hơn rất nhiều so với mức tăng 17,9 tỷ theo dự báo.
Các chỉ báo kinh tế tại Eurozone cho thấy sự đà phục đang khá tích cực. Đầu tiên, PMI chính thức lĩnh vực dịch vụ của nước Đức ở mức 57,5 điểm trong tháng 6, điều chỉnh giảm từ mức 58,1 điểm theo khảo sát sơ bộ, tuy nhiên vẫn cao hơn nhiều so với mức 52,8 điểm của tháng 5.
Tại khu vực Eurozone, PMI chính thức lĩnh vực dịch vụ ở mức 58,3 điểm trong tháng 6, điều chỉnh tăng so với 58,0 điểm theo khảo sát sơ bộ và cao hơn so với mức 55,2 điểm của tháng 5. Tiếp theo, doanh số bán lẻ của nước Đức tăng 4,6% m/m trong tháng 5 sau khi giảm 3,9% ở tháng trước đó, mạnh hơn mức tăng 4,3% theo kỳ vọng.
Mặc dù vậy, vẫn có những chỉ báo đáng lưu ý. Chỉ số niềm tin kinh tế tại nước Đức và khu vực Eurozone do ZEW khảo sát lần lượt ở mức 63,3 và 61,2 điểm trong tháng 7, giảm rất mạnh từ mức 79,8 và 81,3 điểm của tháng 6, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức 75,0 và 79,0 điểm theo dự báo.