Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 9-13/3
Tổng quan
Trong tháng 22/2020, tác động của dịch Covid-19 khiến kim ngạch nhập khẩu thấp hơn khá nhiều so với xuất khẩu, do đó, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư 2,28 tỷ USD. Các chuyên gia nhận định xuất nhập khẩu cả nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tháng 3 và Quý II, khi bệnh dịch đã lây lan ra cả thế giới.
Tổng cục Hải quan vừa cập nhật thống kê sơ bộ mới nhất cho biết, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 2/2020 đạt 39,43 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng 1/2020 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 2 đạt 20,85 tỷ USD, tăng 13,8% so với tháng trước. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt giá trị xuất khẩu 14,45 tỷ USD, tăng 23% so với tháng 1/2019.
Luỹ kế đến hết tháng 2/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 39,08 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 26,2 tỷ USD, tăng 5% so với tháng 2/2019.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, giai đoạn tháng 2/2019 và tháng 1/2020 là thời điểm Tết Nguyên đán, vì vậy kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ thấp hơn thông thường. Điều này lý giải vì sao trong tháng 2/2020 dù ngành xuất khẩu chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn tăng trưởng khá tốt so với tháng 1.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 2/2020 đạt 18,58 tỷ USD, giảm 0,1% so với tháng 1/2020. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,18 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng 1/2020.
Luỹ kế đến hết tháng 2/2020, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 37,26 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng 2/2019. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 21,88 tỷ USD, cũng tăng 2,9% so với tháng 2/2019.
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 2/2020, nhờ Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 nên xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay giữ được xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, dự báo đối với cán cân thương mại Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Công Thương nhận định xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ có nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi do diễn biến tình hình dịch bệnh đang lây lan mạnh bên ngoài Trung Quốc, trong đó có cả những nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản - những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trường hợp dịch bệnh kéo dài có thể tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2020.
Đồng thời, theo Bộ Công Thương, những tác động của Covid-19 không chỉ khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại của Việt Nam với các thị trường khác.
Nguyên nhân là hầu hết nguyên liệu sản xuất của Việt Nam của các ngành xuất khẩu chính như may mặc, da giầy, điện, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô… đang chịu áp lực rất lớn vì đều nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành này cố gắng thì cũng chỉ chống đỡ được cho đến cuối tháng 3 hay nửa đầu tháng 4, đến nay nhiều doanh nghiệp, nhà máy đã phải hoạt động cầm chừng.
Đồng thời, việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.
Hi vọng là, sau khi Trung Quốc tuyên bố đã qua đỉnh dịch vào ngày 12/3, dịch Covid-19 sẽ dần được kiểm soát, nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và các nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ dần phục hồi, những tác động như dự tính sẽ dần được giảm bớt.
Xăng, dầu được điều chỉnh giảm giá từ ngày 15/3/2020. Theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, ngày điều hành giá xăng dầu của kỳ điều hành này sẽ vào thứ Hai, ngày 16/3. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nhanh chóng giảm giá xăng dầu nhằm hỗ trợ đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giảm giá ngay trong ngày Chủ nhật, 15/3.
Sau khi thực hiện việc trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ở mức: xăng E5RON92: giảm 2.290 đồng/lít; xăng RON95-III: giảm 2.315 đồng/lít; dầu diesel 0.05S: giảm 1.750 đồng/lít; dầu hỏa: giảm 1.830 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S: giảm 1.353 đồng/kg.
Với các mức điều chỉnh trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: 16.056 đồng/lít xăng E5RON92, 16.812 đồng/lít xăng RON95-III, 13.035 đồng/lít dầu diesel 0.05S, 11.846 đồng/lít dầu hỏa và 10.501 đồng/kg dầu mazut 180CST 3.5S.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 9-13/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng - giảm nhẹ ở 4 phiên đầu tuần, riêng phiên cuối tuần tăng mạnh. Chốt phiên cuối tuần 13/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.212 VND/USD, tăng mạnh 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.175 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.858 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ giá liên ngân hàng 3 phiên đầu tuần tiếp tục đà giảm của tuần trước đó xuống dưới giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên đã tăng trở lại 2 phiên cuối tuần. Kết thúc phiên 13/03, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.210 VND/USD, tăng 17 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng ở hầu hết các phiên, chỉ giảm khá mạnh phiên đầu tuần. Chốt phiên 13/3, tỷ giá tự do tăng 50 đồng ở chiều mua vào và 80 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.320 - 23.380 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng từ ngày 9-13/3, lãi suất VND liên ngân hàng tăng ở hầu hết các phiên, ngoại trừ phiên cuối tuần giảm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt phiên 13/3, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 2,28% (+0,26 điểm phần trăm); 1 tuần 2,48% (+0,24 điểm phần trăm); 2 tuần 2,60% (+0,24 điểm phần trăm); 1 tháng 2,75% (+0,13 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn trong tuần vừa qua, tuy nhiên đà giảm không còn mạnh như tuần trước đó. Cuối phiên 13/3, lãi suất USD liên ngân hàng đứng ở mức qua đêm 1,28% (-0,06 điểm phần trăm); 1 tuần 1,33% (-0,10 điểm phần trăm); 2 tuần 1,41% (-0,11 điểm phần trăm) và 1 tháng 1,56% (-0,06 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 9-13/3, trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước chỉ chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất ở mức 2,65% ở phiên đầu tuần. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần 2.000 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng gần 2.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức gần 147.000 tỷ đồng.
Trong 4 phiên còn lại trong tuần, Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu.
Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố trong tuần qua, đều với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất chào thầu giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu.
Thị trường trái phiếu trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 3.120/6.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 52%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm huy động được 370/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm huy động được 2.000/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động được 750/2.000 tỷ đồng.
Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 7 năm tại 1,9%/năm, giảm 0,1 điểm phần trăm so với phiên trước; kỳ hạn 10 năm tại 2,18%/năm, giảm 0,61 điểm phần trăm; kỳ hạn 30 năm tại 3%/năm, giảm 0,25 điểm phần trăm.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 15.413 tỷ đồng, tăng khá mạnh so với mức 12.270 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ tuần qua tăng so với tuần trước đó ở hầu hết các kỳ hạn.
Chốt phiên 13/3, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,53% (+0,13 điểm phần trăm); 2 năm 1,61% (+0,16 điểm phần trăm); 3 năm 1,66% (+0,16 điểm phần trăm); 5 năm 1,85% (+0,22 điểm phần trăm); 7 năm 2,02% (+0,11 điểm phần trăm); 10 năm 2,39% (+0,08 điểm phần trăm); 15 năm 2,47% (+0,1 điểm phần trăm); 30 năm 3,07% (-0,03 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán trong nước, diễn biến tương tự thị trường chứng khoán toàn thế giới, vừa có một tuần đầy tiêu cực. Kết thúc ngày cuối tuần 13/3, VN-Index đứng ở mức 761,78 điểm, giảm rất mạnh 129,66 điểm (-14,55%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 12,28 điểm (-10,80%) xuống 101,38 điểm; UPCOM-Index giảm 4,93 điểm (-8,90%) xuống mức 50,49 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức cao với giá trị giao dịch đạt gần 6.300 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh với giá trị hơn 2.055 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Tuần qua, thế giới chứng kiến sự khủng hoảng ở mọi ngõ ngách do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, WHO ngày 11/3 đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch quy mô toàn cầu và kêu gọi cách nước ra sức phòng chống.
Mỹ ngay lập tức phản ứng mạnh với điều này bằng việc ngừng đón nhận du khách từ các nước thuộc Châu Âu, kéo dài trong 30 ngày kể từ 13/3.
Ngày 12/3, ngân hàng trung ương Anh BOE đã có phiên họp khẩn cấp và hạ lãi suất cơ bản mạnh 0,5 điểm phần trăm xuống còn 0,25% nhằm đối phó với đại dịch.
Ngân hàng trung ương châu Âu ECB cũng có phiên họp trong tuần qua và chỉ hứa sẽ thêm thanh khoản cho thị trường, giữ nguyên các mức lãi suất cơ bản hiện tại.
Song song với những sự kiện này, thị trường chứng khoán tuần qua cho thấy sự khủng hoảng tâm lý mạnh từ rất nhiều nước, trong đó tiêu biểu là Dow Jones giảm 19% và DAX giảm 23%/tuần, đánh dấu mức lao dốc kỷ lục của nhiều năm trở lại đây.
Giá dầu cũng hiện sắc đỏ trong hầu hết các phiên và kết thúc tuần với mức giảm 23%/tuần.
Vàng thường là tài sản trú ẩn nhưng cũng bị bán ra mạnh trong tuần, theo đó giảm giá kỳ lục trong gần 4 thập kỷ ở mức 9%/tuần.
Liên quan đến thông tin kinh tế Mỹ, CPI và CPI lõi của nước này lần lượt tăng 0,1% và 0,2% so với tháng trước trong tháng 2, bằng với mức tăng của tháng trước đó và tích cực hơn một chút so với dự báo lần lượt không đổi (0,0% so với tháng trước) và tăng 0,2%.
Trái với điều này, PPI và PPI lõi tại Mỹ lần lượt giảm 0,6% và 0,3% so với tháng trước trong tháng 2 sau khi cùng tăng 0,5% ở tháng 1, tiêu cực hơn nhiều so với dự báo lần lượt tăng 0,1% và giảm 0,1%.
Niềm tin tiêu dùng sơ bộ trong tháng 3 của nước Mỹ được Đại học Michigan cho biết ở mức 95,9 điểm, thấp hơn mức 101 điểm của tháng 1 nhưng vẫn tích cực hơn dự báo ở mức 95,0 điểm.
Tại khu vực Eurozone, sản lượng công nghiệp đã tăng 2,3% so với tháng trước trong tháng 1 sau khi giảm 1,8% ở tháng trước đó, vượt mạnh so với dự báo chỉ tăng 1,4%. Nguyên nhân chính là do sản lượng công nghiệp tại Đức tăng mạnh 3,0% so với tháng trước trong tháng 1, vượt dự báo tăng 1,7%.
Chỉ số CPI tại Đức chính thức tăng 0,4% so với tháng trước trong tháng 2, khớp với thống kê sơ bộ và dự báo.
Về mặt tiêu cực, niềm tin đầu tư tại Eurozone được Sentix cho biết giảm mạnh từ mức 5,2 điểm của tháng 2 xuống -17,1 điểm trong tháng 3, giảm sâu hơn dự báo ở mức -11,0 điểm.
Về tình hình nước Anh, GDP tháng 1 của nước này không tăng trưởng (0,0% so với tháng trước) sau khi tăng 0,3% ở tháng trước đó, trái với kỳ vọng tăng 0,2% của các chuyên gia. Tiếp theo, sản lượng sản tăng 0,2% so với tháng trước trong tháng 1, thấp hơn mức tăng 0,3% của tháng trước đó và khớp dự báo. Sản lượng xây dựng Anh giảm 0,8% so với tháng trước trong tháng 1 sau khi tăng 0,4% ở tháng 12/2019, trái với dự báo tăng nhẹ 0,2%.