Điều hành chính sách tiền tệ: Linh hoạt trong thế giới bất định
Điều hành chính sách tiền tệ trước áp lực lạm phát tăng | |
Điều hành chính sách tiền tệ góp phần an dân | |
Điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng: Chủ động, linh hoạt và bản lĩnh |
Khó đảo ngược điều hành chính sách tiền tệ
Hiện dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa chưa thể nối lại. Rủi ro càng gia tăng khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế thế giới, đặc biệt là áp lực lạm phát. Để ứng phó với lạm phát, nhiều NHTW trên thế giới, trong đó có Fed, đã buộc phải đảo chiều chính sách từ nới lỏng sang thắt chặt.
Tất cả những điều đó đang gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung, công tác điều hành chính sách tiền tệ nói riêng. Nhiệm vụ càng thêm khó khăn khi chính sách tiền tệ vẫn đang phải đảm bảo đa mục tiêu: Vừa kiểm soát lạm phát, song vẫn phải đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Áp lực lạm phát đang gây khó cho các ngân hàng trong việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp |
Theo các chuyên gia, bối cảnh hiện tại khiến việc lựa chọn chính sách nới lỏng hay thắt chặt đối với NHNN đều không hề dễ dàng. Nếu thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để chống lạm phát lại lo ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng, ảnh hưởng tới đà phục hồi của nền kinh tế, của doanh nghiệp sau hai năm vật lộn với muôn vàn khó khăn vì dịch bệnh. Nhưng nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, lại lo thổi bùng ngọn lửa lạm phát khi mà giá cả nhiều loại hàng hóa, đặc biệt xăng dầu đang có xu hướng tăng cao.
Vì vậy giới chuyên gia cho rằng, chính sách tiền tệ cần tiếp tục được điều hành hết sức linh hoạt, theo sát diễn biến thị trường trong nước và thế giới như NHNN đã thực hiện trong suốt thời gian qua.
TS. Châu Đình Linh - Chuyên gia ngân hàng cho rằng, dù áp lực là hiện hữu, nhưng mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã đưa ra rất rõ ràng là kiên định ổn định chính sách. Trong đó ưu tiên ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. “Điều này thấy rất rõ, trong giai đoạn vừa qua, dù sức ép bủa vây, nhưng NHNN cố gắng sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, điều phối nhịp nhàng thông qua thị trường liên ngân hàng, đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hợp lý. Qua đó, hỗ trợ được thị trường ngoại hối và tỷ giá, mặt khác, hỗ trợ việc giảm lãi suất trên thị trường cho vay dân cư và doanh nghiệp. Đây là một trong những yếu tố hết sức quan trọng, hỗ trợ ổn định được nền kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong giai đoạn qua”, TS. Linh nhìn nhận.
Các chuyên gia phân tích thuộc CTCK VnDirect, kỳ vọng NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ cho đến ít nhất là cuối quý II/2022 do ba nguyên nhân. Thứ nhất, mặc dù áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới, nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 dự báo ở mức 2,5% so với cùng kỳ, vẫn thấp hơn nhiều so với mức trần 4%. Thứ hai, sức cầu trong nước vẫn tương đối yếu, chưa phục hồi hoàn toàn về mức bình thường trước đại dịch. Cuối cùng, NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Đáng chú ý dù không kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm thêm các lãi suất chủ chốt, nhưng VnDirect cũng tin rằng, NHNN sẽ không nâng lãi suất điều hành trong vòng 3-6 tháng tới nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh
Theo các chuyên gia, đà phục hồi của nền kinh tế khiến nhu cầu tín dụng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ lãi suất cũng sẽ kích thích nhu cầu vay vốn, khiến tín dụng tăng trưởng tốt hơn. Tuy nhiên quan điểm xuyên suốt của NHNN là tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, trong khi sẽ kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán và các dự án BOT…
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, điều quan trọng đối với tín dụng bây giờ không phải số lượng mà là chất lượng. Cụ thể tín dụng phải vào khu vực sản xuất, tức là nền kinh tế thực chứ không phải chảy vào các kênh đầu cơ. Bên cạnh đó, vị chuyên gia này khuyến nghị cần thận trọng, kiểm soát tăng trưởng cung tiền ở mức phù hợp, có thể thấp hơn năm ngoái để phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. “Việc kiểm soát cung tiền cần thận trọng. Thời điểm này nếu bơm tiền quá mạnh, tăng trưởng cung tiền quá cao thì lạm phát sẽ nhân đôi, vừa lạm phát do chi phí đẩy, vừa lạm phát tiền tệ rất nguy hiểm”, vị chuyên gia này lưu ý.
TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng, kiểm soát cung tiền là chốt chặn quan trọng. Cách NHNN kiểm soát cung tiền mấy năm gần đây rất tốt, nên không lo rằng lạm phát cung tiền trong nước sẽ kích hoạt thêm lạm phát chi phí đẩy. Bằng chứng là chỉ số lạm phát cơ bản trong mấy tháng gần đây vẫn ở mức thấp, không phải mức đáng lo ngại. Khi NHNN kiểm soát được cung tiền, lạm phát chi phí đẩy cũng được kiềm chế khá nhanh, không bị kích hoạt lên và vòng sau giảm so với vòng trước.
“NHNN điều hành chính sách tiền tệ ngày càng vững vàng, chuyên nghiệp. Tôi vẫn tin vào cách điều hành chính sách tiền tệ của NHNN sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Nếu NHNN và Chính phủ quyết tâm kiểm soát cung tiền, thì mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% là hoàn toàn có thể đạt được”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.
Về lãi suất, TS. Châu Đình Linh nhận định, năm 2022 xu hướng lãi suất tiếp tục ổn định, trong tầm kiểm soát của NHNN. Còn việc giảm lãi suất thêm được hay không còn phụ thuộc nhiều biến số, nhất là diễn biến lạm phát.
Trên thực tế, lường trước những nhất định của kinh tế toàn cầu, tại Chỉ thị 01/CT-NHNN được ngay những ngày đầu năm, Thống đốc NHNN đã khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022 bình quân khoảng 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.
Các số liệu thống kê cũng đã minh chứng rõ sự hiệu quả trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN khi mà trong quý I vừa qua, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%). Trong khi chính sách tiền tệ cũng góp phần tích cực giúp GDP quý I tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020.