Định danh nông sản để nâng cao giá trị cạnh tranh
Thúc đẩy các hợp tác xã xuất khẩu trái cây | |
Hỗ trợ Tây Nguyên tiêu thụ nông sản | |
Thúc đẩy phát triển chuỗi cá tra |
Điều này đã được minh chứng khá rõ nét thông qua hàng loạt nông sản như nhãn lồng Hưng Yên, xoài Cát Chu, vú sữa Hoàng Kim... Những nông sản trên hiện đang có giá bán khoảng 500.000 đồng/kg tại nhiều thị trường xuất khẩu khó tính như Anh, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Đây là mức giá rất cao so với sản phẩm trồng không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không có thương hiệu...
Ảnh minh họa |
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, trái cây Việt Nam đã có mặt tại 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Cả nước hiện có 1.749 vùng trồng trái cây tươi được cấp mã số xuất khẩu và 1.200 mã số cho cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu. Hiện nay, trái cây tươi giao dịch trên toàn cầu có giá trị vào khoảng 240 tỷ USD/năm, sản phẩm chế biến từ trái cây là khoảng 270 tỷ USD/năm. Điều này cho thấy vẫn còn dư địa rất lớn cho ngành trái cây Việt Nam phát triển, nhất là khi Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), dẫn chứng, năm 2021, trái cây Việt Nam có rất nhiều lợi thế xuất khẩu với EU (thông qua EVFTA), Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (thông qua UKVFTA), bởi hiện nhiều nước xuất khẩu trái cây vùng nhiệt đới như Thái Lan, Malaysia, Brazil… đều chưa có hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu.
Thời gian vừa qua, diện tích trồng cây ăn trái của Việt Nam tăng mạnh, tuy nhiên nông sản Việt Nam lại đang đối mặt với nhiều thách thức đến từ đối thủ cạnh tranh cũng như tại chính nước nhập khẩu. Nhiều nước đang tăng cường diện tích vùng trồng cây ăn trái và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất vào khâu trồng trọt. Theo đại diện Vinafruit, hiện nhiều nước vùng nhiệt đới cũng bắt đầu trở thành đối thủ cạnh tranh gay gắt với Việt Nam. Vài năm qua, Campuchia đã tăng diện tích trồng xoài, chuối xuất khẩu sang Trung Quốc và dần chiếm thị phần của Việt Nam. Tương tự, Thái Lan, Malaysia, lãnh thổ Đài Loan cũng trồng thanh long xuất khẩu. Trái cây Việt còn gặp thách thức lớn ở thị trường Hoa Kỳ, EU, Anh trước các quốc gia Nam Mỹ do họ cũng có trái cây nhiệt đới và giá thành vận chuyển sang Mỹ rẻ hơn nhờ khoảng cách địa lý gần hơn.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản trong xu thế hội nhập và ký kết nhiều Hiệp định tự do thương mại như hiện nay, cần phải quan tâm đến việc định danh xây dựng thương hiệu nhằm khai thác được thế mạnh của thương hiệu quốc gia gắn với các chỉ dẫn địa lý. Đây là một trong những định hướng mà rất nhiều quốc gia lớn trên thế giới đã làm. Đầu tháng 10 vừa qua, chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận là chỉ dẫn địa lý thứ hai của Việt Nam chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản, sau chỉ dẫn địa lý Nhật Bản cấp cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn. Được bảo hộ chỉ dẫn địa lý có thể nói như "giấy thông hành" để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thị trường thế giới nói chung. Việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý khẳng định uy tín của thanh long Bình Thuận tại thị trường Nhật Bản, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều quốc gia khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính như Châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand… Từ câu chuyện này, trong thời gian tới đây, nông sản Việt Nam sẽ đúc rút được nhiều kinh nghiệm, để thêm nhiều sản phẩm đạt được thành công như quả thanh long đã làm được ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, Australia và nhiều nước khác trên thế giới.
Với kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm hồ tiêu nói riêng và nông sản vào 23 nước tại thị trường châu Âu, ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu LTP (Hà Lan) cho biết, có đến 75% sản phẩm xuất khẩu vào châu Âu đòi hỏi phải đạt GlobalGAP, 25% còn lại sẽ theo tiêu chuẩn riêng của các đối tác. Do vậy, để giảm rủi ro, doanh nghiệp cần “bắt tay” với nông hộ, hợp tác xã ngay từ khâu trồng trọt. Ở mức cao hơn, doanh nghiệp cần chuẩn hóa truy trình trồng trọt cho nông hộ, hợp tác xã và ký kết hợp đồng bao tiêu theo chuẩn của đối tác. “Hiện LTP đang xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hồ tiêu nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng liên quan cũng như cộng đồng doanh nghiệp”, ông Hiển nói.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đơn vị đã soạn thảo đề án “Phát triển cây ăn quả toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, quản lý vùng trồng”. Theo đó, những vùng có cây trái đặc sản địa phương sẽ được khoanh vùng, đưa ra quy trình thâm canh, sản xuất theo hướng an toàn. Đề án tập trung phát triển nền nông nghiệp “đại điền” nên cần có sự liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu. Những “đại điền” này sản xuất theo tiêu chí, yêu cầu của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, địa phương cũng quản lý vùng trồng bằng số hóa, cấp mã vùng trồng và có chế tài đối với sản phẩm tự phát hoặc tăng diện tích.
“Thực tế cho thấy, các nông sản có chứng nhận OCOP hay VietGAP đều tiêu thụ rất nhanh. Chính vì thế, ngay từ bây giờ, các địa phương cần đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp, định hướng nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và thực hiện hiệu quả công tác dự báo thị trường, sản lượng, thời điểm thu hoạch để điều tiết sản xuất tiêu thụ hiệu quả nhất”, ông Tùng nói.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)