Thúc đẩy các hợp tác xã xuất khẩu trái cây
Nông sản tấp nập lên... “chợ mạng” | |
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy sản xuất, lưu thông, xuất khẩu nông sản | |
Tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn |
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, tổng sản lượng trái cây của Việt Nam khoảng 12,6 triệu tấn/năm. Trái cây Việt Nam đã được xuất khẩu đến 60 quốc gia. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã cấp được 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu vào thị trường chất lượng cao như Mỹ, Australia, Nhật Bản, EU...
Các HTX có nhiều sản phẩm thế mạnh xuất khẩu như vải, nhãn, thanh long, chôm chôm, dứa, dưa, xoài... đều đang rất cần tiếp cận thị trường tiêu thụ quốc tế. Đặc biệt, các HTX có kinh nghiệm và kỹ năng tốt trong trồng trọt và làm vườn, có lợi thế về các giống trái cây tiên tiến. Sản phẩm trái cây của các HTX có ưu điểm là ngày càng đa dạng hơn như trái cây được cấp đông (IQF), nước trái cây tươi, đóng hộp, cô đặc… Đa số các HTX nhận thức được tầm quan trọng trong quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm của các HTX và doanh nghiệp chế biến trái cây xuất khẩu đã được chứng nhận kiểm soát an toàn thực phẩm như HACCP, BRC, Halal (Sản phẩm cho phép người Hồi giáo sử dụng)…
Mục tiêu phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8 đến 10 tỷ USD |
Dự báo nhu cầu thị trường toàn cầu cho trái cây tăng 8,2% mỗi năm từ 2019 - 2025 và đạt tới 585,25 tỷ USD vào năm 2025. Thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho hay, nhập khẩu hàng rau quả của thế giới quý I/2021 đã đạt 70,1 tỷ USD, tăng 5% so với quý I/2020. Đặc biệt, với Hiệp định EVFTA, rau, quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi nhiều nhất bởi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ, càng minh chứng cơ hội đang rộng mở để trái cây Việt Nam ra với thị trường thế giới, ông Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ.
Tuy nhiên, sản phẩm trái cây của các HTX vẫn còn những hạn chế về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm như nồng độ tối đa dư lượng thuốc trừ sâu, nồng độ kim loại nặng trong trái cây còn chưa đạt yêu cầu. Các yếu tố đầu vào cho sản xuất và chế biến sản phẩm trái cây phải nhập khẩu. 90% trái cây được xuất khẩu ở dạng thô và sơ chế; dịch vụ hậu cần, chi phí vận chuyển cao. Các HTX chế biến trái cây sử dụng nhiều lao động phổ thông... đang là những rào cản trong việc thúc đẩy xuất khẩu rau quả của HTX ra thế giới.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, Anh là nước có nền nông nghiệp rất nhỏ nên lượng nông sản nhập khẩu vào Anh là rất lớn. Riêng năm 2020, quốc gia này đã nhập khẩu hơn 5,7 triệu tấn rau củ quả, trị giá 6,4 tỷ Bảng (tương đương 9 tỷ USD), trong đó nhập khẩu rau củ quả của Việt Nam trị giá 11,6 triệu USD. Song, nước Anh không mua trái cây trực tiếp từ Việt Nam, mà chấp nhận mua hàng Việt Nam qua Hà Lan, Pháp, Đức, Séc nhằm giảm rủi ro phát sinh trong chuỗi cung ứng. Thêm nữa, các loại quả của Việt Nam đang được bày bán tại các siêu thị nhỏ, chưa thể có mặt ở các siêu thị lớn.
Tương tự với thị trường Hà Lan, dù vài năm trở lại đây, trái thanh long, quả vải, nhãn, chanh dây đã thâm nhập tốt vào thị trường này nhưng với số lượng không nhiều, do phải cạnh tranh với trái cây của các nước châu Á khác như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia và trái cây của Nam Mỹ (xoài, bơ, mít, chanh dây), đặc biệt các loại trái cây nhiệt đới từ Nam Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều do lợi thế vận chuyển (thường 8-10 ngày), nguồn cung ổn định và lợi thế về giá, bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan thông tin.
Để trái cây Việt Nam có thể chinh phục thị trường châu Âu nói chung thực sự là quá trình lâu dài, đòi hỏi các HTX có sự đầu tư lớn: từ quy hoạch vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định châu Âu khắt khe đối với trái cây tươi, công nghệ xử lý bảo quản sau thu hoạch và bí quyết đóng gói để vận chuyển bằng đường biển (từ 4-5 tuần), quan trọng hơn mà các nhà nhập khẩu Hà Lan yêu cầu là nguồn cung ổn định (trừ các loại theo mùa vụ như vải, nhãn).
Để có độ phủ tới nhiều thị trường trên toàn cầu, thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã huy động các nguồn lực hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh, Liên minh HTX Việt Nam sẽ nhanh chóng thành lập các Liên hiệp HTX trái cây nhằm tạo thuận lợi trong kết nối tiêu thụ và mở rộng chế biến sâu, từ đó đáp ứng nhu cầu của các thị trường trên thế giới. Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam cũng sẽ kết hợp với cơ quan tham tán thương mại Việt Nam tại các nước, Bộ Công thương… để tiếp cận thị trường, hoàn thiện các thủ tục pháp lý để hỗ trợ HTX tiêu thụ, xuất khẩu trái cây một cách thuận lợi nhất.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)