Hỗ trợ Tây Nguyên tiêu thụ nông sản
Nông sản tấp nập lên... “chợ mạng” | |
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy sản xuất, lưu thông, xuất khẩu nông sản | |
Tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn |
Giá nông sản “chạm đáy”
Khu vực Tây Nguyên được biết đến với rất nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng như cà phê, cao su, bơ, sầu riêng… Tuy nhiên, thời gian gần đây do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nên việc tiêu thụ các loại nông sản của khu vực đang gặp nhiều khó khăn.
Ở thời điểm này, các địa phương trong khu vực Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch nhiều loại nông sản với số lượng tương đối lớn. Trong khi đó, thời gian thu hoạch ngắn, đặc biệt là do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc vận chuyển các sản phẩm nông sản của bà con nông dân đang gặp khó. Tại Đắk Lắk, một trong những địa phương có nhiều thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai... nên ở đây có rất nhiều loại nông sản nổi tiếng. Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó khăn về vận chuyển, lưu thông nhiều nông sản chủ lực như sầu riêng, bơ của tỉnh đang rất khó khăn trong khâu tiêu thụ. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều các nhà máy chế biến, kho lạnh bảo quản trái cây quy mô lớn. Bởi vậy, việc cấp thiết hỗ trợ địa phương tiêu thụ các sản phẩm nông sản đang là bài toán cần được giải quyết sớm.
Cần liên kết chặt chẽ để đưa sầu riêng cũng như nông sản khác của Tây Nguyên vào siêu thị |
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, hiện trên địa bàn toàn tỉnh đang có hơn 12 nghìn ha sầu riêng. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 5,3 nghìn ha, sản lượng khoảng hơn 100 nghìn tấn. Bên cạnh, tỉnh cũng đang có hơn 9 nghìn ha trồng bơ, diện tích thu hoạch khoảng 5,5 nghìn ha, với sản lượng khoảng 83 nghìn tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh vào thời điểm này thương lái, doanh nghiệp đến thu mua hầu như vắng bóng... Trong khi đó, những năm trước đây vào khoảng thời gian từ tháng 8, tháng 9 đã có rất nhiều thương lái, đại diện các doanh nghiệp đến tận các nhà vườn để thu mua sầu riêng hay bơ. Tuy nhiên, năm nay mặc dù giá các loại nông sản đã “chạm đáy”, song vẫn có rất ít các thương lái đến thu mua. Cụ thể, trên thị trường giá sầu riêng loại 1 khoảng 30 nghìn đồng/kg, loại 2 chỉ có gần 20 nghìn đồng/kg. So với những năm trước, giá sầu riêng giảm gần 70%. Tương tự, như sầu riêng những năm trước, các loại bơ đặc sản của Đắk Lắk như bơ booth, bơ 034 (bơ sáp), có giá từ 100 đến 120 nghìn đồng/kg, còn các loại bơ khác cũng 30 đến 50 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá chỉ bằng 1/5 mà thương lái cũng không mặn mà đến thu mua cho bà con.
Ở địa phương lân cận là Đắk Nông, theo thống kê của các cơ quan chức năng địa phương, hiện toàn tỉnh có gần 11 nghìn ha rau, củ, quả, trái cây các loại, với tổng sản lượng khoảng 177 nghìn tấn. Trong đó, có khoảng 9 nghìn tấn bơ, 18 nghìn tấn sầu riêng... Điều đáng nói, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giá cước vận tải tăng cao, nhân công thu hoạch gặp khó khăn... tuy nhiên giá các loại nông sản của địa phương lại giảm sâu so với những năm trước đây. Tương tự, theo ông Hồ Phước Thành - Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, từ nay đến cuối năm trên địa bàn tỉnh, rau các loại sản lượng dự kiến khoảng hơn 8,3 nghìn tấn; đậu đỗ các loại sản lượng 10,4 nghìn tấn; khoai lang sản lượng hơn 10,3 nghìn tấn; bên cạnh đó là nhiều loại nông sản khác như: bơ, sầu riêng, chanh dây, chuối, thanh long... đang rất cần kết nối thị trường để tiêu thụ.
Xây dựng sàn giao dịch nông sản
Có thể nói, vào thời điểm này, điểm chung của các địa phương tại khu vực Tây Nguyên là đang có nhiều sản phẩm nông sản bị tồn đọng nhiều. Mặc dù, giá sản phẩm nông sản gần như đã “chạm đáy”… Điều đáng nói, trong khi các địa phương ở Tây Nguyên đang lo lắng về đầu ra cho các nông sản, thì không ít các siêu thị, đơn vị phân phối lại đang lo lắng về đầu vào để đưa đến tận tay người tiêu dùng. Điều này, cho thấy mặc dù đã nói nhiều song việc liên kết tiêu thụ hỗ trợ nông sản vẫn còn đang rất lỏng lẻo.
Trên thực tế, hiện có rất nhiều siêu thị, doanh nghiệp bán lẻ tại các đô thị lớn như Hà Nội hay, TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con trong cả nước chứ không riêng gì Tây Nguyên. Các nhà bán lẻ luôn rộng cửa chào đón các nhà sản xuất để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Theo bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Phó tổng giám đốc Vinapharma group, với hệ thống chuỗi siêu thị, doanh nghiệp cam kết thu mua cũng đề nghị phía các địa phương cam kết về sản lượng và giá để doanh nghiệp có được nguồn hàng ổn định. Trên thực tế, các sản phẩm của Tây Nguyên có rất nhiều đặc sản và đã có mặt tại nhiều siêu thị trong cả nước.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên thực tế hiện nay là nông sản ở Tây Nguyên đang bị ứ đọng mặc dù giá đã giảm sâu. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, rõ ràng do sản xuất chưa gắn liền với tiêu thụ sản phẩm. Để giải quyết bài toán trên, một trong những phương án đang được các địa phương trong khu vực đưa ra đó là việc xây dựng sàn giao dịch nông sản của cả nước. Từ đó, kết nối một số nhà đầu tư hỗ trợ chế biến và tiêu thụ các nông sản chủ lực cho bà con. Bên cạnh cơ quan chức năng cũng cần có các chương trình, đề án, chính sách phát triển liên kết vùng, thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử, chợ online...
Trước các kiến nghị của các địa phương, được biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng sàn giao dịch nông sản chung trong cả nước. Theo nhiều người, để sàn giao dịch hoạt động có hiệu quả và kết nối tốt người mua và người bán, các địa phương cần có chỉ đạo sát sao để cập nhật các thông tin về tình hình sản xuất, các địa chỉ vùng trồng cũng như đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn. Hài hòa lợi ích giữa người sản xuất cũng như doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ. Chính quyền các địa phương cần chủ động vào cuộc với tinh thần “khó đâu gỡ đó”, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp như hiện nay. Bên cạnh đó, các địa phương, ngoài mong muốn tiêu thụ sản phẩm thì cần tạo điều kiện cho nhà sản xuất, nhà bán lẻ lưu thông hàng hóa được thuận tiện, giảm chi phí trung gian. Ngoài ra, các địa phương cũng nên chủ động xây dựng những gian hàng OCOP vùng miền đặc trưng để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm hơn...
Trong khi đó, về phía người dân để việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, cũng cần hướng tới việc liên kết sản xuất, tạo ra vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn, có chứng nhận. Cần thiết tham gia các hợp tác xã, nông hội, tổ hợp tác sản xuất, sơ chế và cung ứng; kết nối thông tin kế hoạch sản xuất và thời điểm xuống giống, chăm sóc để có thể chủ động được sản lượng thu hoạch đều trong năm. Bên cạnh, các cơ sở sản xuất cần lên kế hoạch ký hợp đồng tiêu thụ với hệ thống siêu thị, đơn vị phân phối… để chủ động việc canh tác và không để tình trạng ùn ứ khi thu hoạch, dẫn đến phải giảm giá mới mong bán được như hiện nay.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)