Định hướng phát triển các khu công nghiệp
Tính đến nay, cả nước có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại Việt Nam, các khu công nghiệp chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất. Cùng với sự hình thành ngày càng nhiều các khu công nghiệp, làm gia tăng dân số cơ học rất nhanh trong khi công tác quy hoạch và chuẩn bị hạ tầng xã hội thường không theo kịp phát triển đầu tư các nhà máy. Thực trạng này cho thấy, hầu hết các khu công nghiệp đều chủ yếu tập trung xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chú trọng lợi ích kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển hạ tầng xã hội cho người lao động.
Đặc biệt, qua đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, tại một số tỉnh phía Nam đã xuất hiện làn sóng người lao động về quê. Điều này càng cho thấy rõ, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động là một trong những nhân tố quyết định đến nguồn lao động, tác động đến hiệu quả kinh tế nói chung, hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh nói riêng.
Xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp là vấn để rất cấp bách |
Nếu có sự quan tâm, bồi dưỡng nhân lực và đời sống tinh thần, phúc lợi, đảm bảo an toàn việc làm bền vững cho người lao động, thì người lao động mới cống hiến bền vững cho doanh nghiệp. Ngược lại, người lao động phải làm việc với năng suất lao động hiệu quả, thực hiện tốt kỷ luật, nội quy lao động, nghĩa vụ lao động, làm việc với thái độ tích cực thì doanh nghiệp mới sản xuất kinh doanh có lãi. Đây là mối quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết giữa người lao động và người sử dụng lao động, ông Phòng cho biết thêm.
Thực tế hiện nay là các khu công nghiệp truyền thống sau quá trình phát triển “nóng” đã bộc lộ những bất cập như vấn đề nhà ở cho người lao động, thiếu hạ tầng xã hội và các công trình tiện ích phục vụ, ô nhiễm môi trường… tiềm ẩn những bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, đòi hỏi cần thiết phải nghiên cứu các giải pháp thích ứng phù hợp.
TS. Hán Minh Cường, Công ty CP tập đoàn Sgroup cho biết, nhiều khu công nghiệp khi quy hoạch căn cứ trên những dự báo không sát với thực tế phát triển, trải qua nhiều năm nhưng tỷ lệ lấp đầy rất thấp, không chỉ giảm hiệu quả sử dụng đất, mà còn ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những yêu cầu về phát triển bền vững cùng những đòi hòi về khả năng thích ứng với các biến động như vấn đề đại dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống thành khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp sinh thái… tại Việt Nam.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về Quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm nghị định được ban hành, chưa có bất cứ một khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ nào được thành lập mới hoặc chuyển đổi từ khu công nghiệp hiện có. Các đề xuất chuyển đổi hiện mới đang nằm trên giấy, chưa được chấp thuận mà nguyên nhân chính là thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể làm cơ sở, TS. Hán Minh Cường thông tin thêm.
Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 82. Theo đó, dự thảo nghị định đã bổ sung một số nội dung nhằm phù hợp với các luật mới được ban hành và điều kiện thực tế. Điểm nhấn của dự thảo đã đề xuất điều kiện để chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị, thương mại, dịch vụ.
Việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế, song các cơ chế, chính sách để thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong đó, thủ tục đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn phức tạp, nhiều điều kiện ràng buộc. Nguồn vốn ngân sách cho vay còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của các đối tượng chính sách, đặc biệt là triển khai cho vay theo Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho rằng, điển hình như về cơ chế chính sách ưu đãi chưa thực chất, chưa thiết thực để chủ đầu tư tham gia. Các cơ chế chính sách này thực chất không phải dành cho chủ đầu tư, bởi trong Luật Nhà ở và các quy định liên quan, các chính sách ưu đãi về đất đai không được tính vào giá thành đầu tư, chính sách chỉ dành cho người dân, chưa thực chất đối với chủ đầu tư, chưa thúc đẩy các chủ đầu tư tham gia thực hiện các công trình này.
Để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đề xuất 2 gói tín dụng trị giá 65 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để “mở đường” như về quy hoạch, quỹ đất, đề xuất UBND cấp tỉnh phải bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê (đảm bảo đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, tuy nhiên phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng…