Doanh nghiệp cần chủ động vào cuộc để tận dụng CPTPP
Thương mại bùng nổ sau hai năm
Kể từ năm 2015 đến nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN. Quy mô thương mại song phương càng lớn hơn khi CPTPP đã mang lại tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, kim ngạch thương mại hàng hóa song phương đã tới 37% trong hai năm qua sau khi CPTPP có hiệu lực. Riêng năm 2020, con số này đã đạt mức kỷ lục 8,9 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2019. Trong đó, tổng giá trị của xuất khẩu Việt Nam sang Canada tăng gần 16% trong năm qua, nhờ sự gia tăng đáng kể của một số mặt hàng như điện thoại di động, giày dép, đồ nội thất, may mặc…
Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đích đến lớn thứ hai ở ASEAN đối với các mặt hàng nông sản và hải sản từ Canada. CPTPP thiết lập khả năng tiếp cận miễn thuế cho thương mại hàng hóa, giúp cho nhiều sản phẩm chất lượng cao của Canada có giá phải chăng hơn đối với người tiêu dùng tại Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Nhìn nhận lại những con số và kết quả tích cực này tại hội thảo đánh giá 2 năm thực thi CPTPP ngày 23/3, bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam cho rằng, CPTPP có hiệu lực đã giúp cải thiện khả năng tiếp cận cho các hoạt động thương mại, dịch vụ và đầu tư giữa hai bên. Đồng thời củng cố một bộ quy tắc chung, giảm chi phí đối với thương mại và giúp cho hoạt động đầu tư dễ dự đoán hơn. Những yếu tố như vậy giúp cải thiện lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm tại hai thị trường.
Trong khi đó theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, hai năm đầu tiên thực thi CPTPP trong bối cảnh thế giới đã và đang trải qua nhiều chông gai (căng thẳng thương mại và xu hướng bảo hộ chống tự do hóa; những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19…) nhưng quan hệ thương mại Việt Nam - Canada vẫn tăng trưởng đặc biệt ấn tượng. Chủ tịch VCCI dẫn chứng năm 2019, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Canada đạt tốc độ tăng trưởng trên 23%, gần gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng thương mại song phương trung bình giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP khác. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại song phương có chậm lại dưới ảnh hưởng của dịch Covid nhưng vẫn cao gần gấp đôi so với trung bình tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.`
“Điều đó cho thấy, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Canada là một trong những mẫu hình thành công nhất và hiệu quả nhất trong việc thực hiện hiệp định tự do này. Trong đó, hoạt động thương mại xuất nhập khẩu ghi nhận những dấu ấn đậm nét nhất vai trò của CPTPP với nhiều dạng thức khác nhau”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Tuy nhiên nhìn lại cả quá trình vừa qua, các chuyên gia cho rằng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan CPTPP của xuất khẩu Việt Nam vẫn còn rất thấp. Tỷ lệ này chỉ đạt 1,67% nếu tính chung các thị trường CPTPP và với riêng Canada đạt ở mức cao hơn (8%). TS.Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, thuộc VCCI cho biết, trong một khảo sát đang tiến hành và sẽ công bố vào tháng 4 tới, tỷ lệ doanh nghiệp có các lô hàng giao dịch tận dụng được ưu đãi CPTPP có tăng lên nhưng vẫn ở mức rất khiêm tốn. Canada là một trong những thị trường tận dụng được tốt nhất nhưng tỷ lệ đó cũng chỉ khoảng trên 12%. “Điều đó cho thấy mặc dù đã bước đầu tận dụng được nhưng còn rất nhiều tiềm năng, dư địa cho tương lai”, bà Trang nhận định.
Doanh nghiệp cần tăng cường tìm hiểu về CPTPP
Nhìn về tương lai, làm gì để khai thác tốt hơn CPTPP? Theo bà Trang, một trong những lý do lớn nhất khiến CPTPP chưa được khai thác hiệu quả chính là vì nhiều doanh nghiệp chưa biết về các ưu đãi thuế quan theo hiệp định này. “Con số 45,31% doanh nghiệp chưa tận dụng được CPTPP vì không biết có các ưu đãi thuế quan theo một khảo sát của chúng tôi cho thấy điều này. Đó là điều cực kỳ đáng tiếc”, bà Trang thông tin.
Một số liệu khác cũng đáng lưu ý không kém, theo bà Lisa Mallin, chuyên gia cao cấp về CPTPP của Canada là chỉ có khoảng 7% doanh nghiệp nước này biết rõ về CPTPP (phần các nội dung liên quan đến doanh nghiệp). Con số này ở Việt Nam chỉ khoảng 25%. Những vấn đề như vậy cho thấy các doanh nghiệp cần thông qua các công cụ có sẵn liên quan để tăng mức độ hiểu biết, từ đó tận dụng được các ưu đãi mà CPTPP mang lại.
Chủ tịch VCCI cho rằng, nếu như không có căng thẳng thương mại, không có đại dịch Covid thì chắc chắn CPTPP sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn rất nhiều cho thương mại Việt Nam – Canada. Nhưng thực tế không cho chúng ta bất kỳ cái “nếu” nào như vậy. Quá khứ đã vậy, tương lai cũng như thế. “Cần nhìn nhận đại dịch là một thực tế, khó khăn trong giao thương quốc tế nói chung và giữa hai bờ Thái Bình Dương cũng là một thực tế mà có thể các doanh nghiệp của chúng ta sẽ còn phải sống chung, ít nhất là trong tương lai gần. May mắn là trong tương lai đó, chúng ta có CPTPP và sự tự tin cũng như những kinh nghiệm đầu tiên từ 2 năm vừa qua. Với các doanh nghiệp cả hai bên, việc rút kinh nghiệm từ hai năm thực thi CPTPP đầu tiên, và chuẩn bị hành trang cần thiết cho những năm tiếp theo là rất quan trọng”, TS. Vũ Tiến Lộc nhắn nhủ.
Để tiếp cận thị trường Canada, ông Bùi Tuấn Hoàng, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công thương nhấn mạnh đến 4 yêu cầu quan trọng mà các doanh nghiệp cần lưu ý, gồm: Nghiên cứu kỹ thị trường (chiến lược thị trường, chọn phân khúc hàng hóa khách hàng tiềm năng, đối thủ cạnh tranh, các luật và quy định của các bang..); Xác định mã HS, tính thuế nhập khẩu (để tra cứu về các thông tin liên quan đến nhà nhập khẩu hàng hóa Canada, thuế nhập khẩu được áp dụng…); Chứng từ (cần các yêu cầu gì về giấy phép, chứng từ, biểu mẫu khai báo…); và khâu Vận tải.
Cùng với đó, ông Bùi Tuấn Hoàng cho rằng, việc nhắm mục tiêu đúng thị trường, tìm được các đối tác tốt tại bản địa, tuân thủ nghiêm pháp luật và các quy định của Canada, thực hiện “chuẩn” theo các cam kết, hợp đồng với đối tác cũng là những yếu tố rất quan trọng mà các doanh nghiệp cần lưu ý khi muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.