Doanh nghiệp đi tìm “vốn xanh”
Tăng cơ hội cho doanh nghiệp năng lượng xanh tiếp cận nguồn vốn xanh | |
Khơi thông dòng vốn xanh từ các ngân hàng |
Tập đoàn Vingroup vừa huy động thành công khoản trái phiếu quốc tế giá trị 400 triệu USD theo hình thức hợp vốn do các ngân hàng bảo lãnh như: BNP Paribas, Cathay United Bank, Credit Suisse, HSBC, Maybank và Taipei Fubon. Dự án này được ghi nhận là hoạt động huy động trái phiếu xanh đầu tiên của doanh nghiệp này nhằm thực hiện đầu tư vào sản xuất xe điện thông minh VinFast thân thiện với môi trường. Cùng với tham vọng trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu, trong buổi ra mắt lô xe ô tô điện VF e34 đầu tiên, VinFast cho biết dự án sẽ đóng góp 1 triệu cây rừng cho những dự án phủ xanh và phục hồi rừng đầu nguồn.
Ảnh minh họa |
Trước đó, Công ty cổ phần bất động sản Bim Land cũng thuê các định chế tài chính nước ngoài thu xếp để huy động được 200 triệu USD trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán Singapore, với lãi suất 7,375%/năm cho kỳ hạn 5 năm theo hình thức dựng sổ. Theo bà Bùi Thu Hà, Giám đốc Tài chính BIM Group, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn lạ lẫm với các doanh nghiệp Việt trong kênh huy động vốn xanh, nên doanh nghiệp nội phải chứng minh được cho giới đầu tư quốc tế thấy được tín nhiệm tín dụng trong quá trình đi tìm vốn xanh. Khi phát hành trái phiếu xanh doanh nghiệp sẽ có cơ hội để tạo ra khung quản lý tài chính xanh, điều này thể hiện rõ trong các lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm và năng lượng sạch.
Thời gian qua cũng đã có nhiều NHTM huy động vốn trên thị trường tài chính xanh quốc tế để đầu tư cho những doanh nghiệp trong nước sản xuất kinh doanh theo mục tiêu phát triển bền vững. Chẳng hạn, HDBank đã được Tổ chức Tài chính phát triển của Pháp Proparco tài trợ tín dụng dài hạn trị giá 100 triệu USD trong năm nay với thời hạn 5 năm. Đồng thời, Proparco còn hỗ trợ HDBank phát hành trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế để ngân hàng huy động vốn cho vay phát triển các dự án giảm tác động biến đổi khí hậu...
Quan sát trên thị trường hiện nay, các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp làm dự án công nghệ mới hạn chế ô nhiễm môi trường cũng đang tìm vốn đầu tư, nhưng do năng lực công bố thông tin còn hạn chế nên vẫn rất lúng túng trong huy động nguồn lực tài chính xanh. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trái phiếu xanh là một công cụ huy động vốn quan trọng, mang lại lợi ích về môi trường nên chính sách cần thể hiện sự ưu đãi trong việc phát hành trái phiếu xanh, như Điều 150 Luật Bảo vệ Môi trường đã quy định. Bên cạnh đó, theo dự thảo quy định giá dịch vụ trong hoạt động chứng khoán được xây dựng mới đây đã bổ sung quy định ưu đãi giá dịch vụ trái phiếu xanh, với mức giá giảm 50% so với dịch vụ đăng ký niêm yết, giao dịch, lưu ký... Tuy nhiên, các nhà tạo lập thị trường và doanh nghiệp tham gia thị trường cho rằng giai đoạn đầu phát triển thị trường cho trái phiếu xanh cần bám sát thị trường hơn để khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh đi vào thực tiễn cuộc sống.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, cần phải có một khung pháp lý rõ ràng cho các công cụ thị trường vốn. Sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không phải là quy định chính thức. Về phía ngành Ngân hàng, NHNN Việt Nam thời gian qua đã chủ động phát triển nhiều sáng kiến hỗ trợ phát triển tài chính xanh. NHNN đã triển khai lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, các ngân hàng phải ban hành quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng và gửi về NHNN, chính thức tạo ra khuôn khổ pháp lý chung cho tài chính xanh ở Việt Nam. Đến năm 2025, NHNN đặt mục tiêu phấn đấu ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị, bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; và 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh. NHNN khuyến khích TCTD xây dựng chiến lược tài chính xanh độc lập hoặc lồng ghép vào kế hoạch phát triển hàng năm…
Theo các chuyên gia tài chính quốc tế, xu hướng các doanh nghiệp toàn cầu ngày càng chú trọng đến quản trị - môi trường - xã hội (ESG) nên nơi họ đến đầu tư phải có nguồn lực hoạt động bền vững cả về chất lượng và số lượng. Thị trường tài chính xanh Việt Nam mới đang ở giai đoạn non trẻ và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, thị trường này hiện còn thiếu nhân sự có chuyên môn và kỹ năng, chưa có tiêu chuẩn thống nhất về tài chính “xanh” và phân loại đúng nghĩa. Các thực thể tham gia thị trường không có cam kết rõ ràng và mạnh mẽ về thực thi chính sách xanh hoá và dữ liệu ESG chưa minh bạch. Theo ông Tim Evans cần phải thiết lập diễn đàn chia sẻ để kết nối hai khối công và tư cùng hợp tác xây dựng một hành lang pháp lý hiệu quả cho tài chính xanh và các vấn đề về biến đổi khí hậu ở Việt Nam.