Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội: Thủ tục giải ngân gói 120 nghìn tỷ đồng rất nhanh
Ngày 6/12, UBND TP. Hồ Chí Minh và Sở Xây dựng thành phố tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư xây nhà ở xã hội trên địa bàn đến năm 2030, thu hút hàng trăm doanh nghiệp bất động sản trên cả nước về tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, ông Bùi Xuân Cường đánh giá cao trách nhiệm xã hội của các nhà đầu tư trên cả nước đã tham gia với thành phố phát triển nhà ở. Mặc dù thời gian qua xây dựng nhà ở xã hội thiếu cơ chế pháp lý, lợi nhuận không quá cao nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn kiên trì theo đuổi, có những doanh nghiệp đã tạo hệ sinh thái hàng hóa, dịch vụ bên trong các dự án nhà ở để khai thác hiệu quả kinh doanh chia sẻ với chi phí đầu tư với nhà ở xã hội.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ngành, quận huyện phấn đấu một dự án nhà ở xã hội khâu chuẩn bị dự án mất khoản 6 tháng, khởi công đến hoàn thành 1 năm - Ảnh: L.T |
Tại hội nghị, Sở Xây dựng trình UBND thành phố bộ thủ tục hành chính mới rút ngắn thời gian cấp phép cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội bằng hình thức tự tạo quỹ đất khoảng khoảng hơn 200 ngày, trong quá khứ có những dự án phải mất từ 5-7 năm mới hoàn thiện một bộ giấy phép.
TP. Hồ Chí Minh cũng dùng cơ chế tài chính ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) triển khai cơ chế cho vay tối đa 200 tỷ đồng, hỗ trợ 100% lãi suất đối với một dự án/một giấy phép.
TP. Hồ Chí Minh đưa ra 7 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật kết nối, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia, và tại hội nghị có 12 nhà đầu tư đăng ký xây dựng nhà ở xã hội, với tổng số hơn 40.000 căn hộ.
Hiện nay có hai cơ chế nhà nước dành quỹ đất và doanh nghiệp tự tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Mặc dù hai cơ chế định hình quỹ đất phát triển nhà ở xã hội nhưng vẫn xảy ra hai giá khác nhau do các thủ tục pháp lý còn nhiều khoảng trống.
Trả lời phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Lê Thành (một nhà phát triển nhà ở xã hội) nói, cơ chế mới về thủ tục cấp giấy phép cho một dự án nhà ở xã hội, thành phố đã rút ngắn xuống còn trên 200 ngày là một tiến triển tích cực.
Tuy nhiên, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội mong muốn là chính quyền thành phố có cơ chế giám sát hữu hiệu những cơ quan quan nào được giao nhiệm vụ trong quy trình cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể nhận được hồ sơ giấy phép phát triển nhà ở xã hội đúng hẹn.
Ông Nghĩa ví dụ: Thủ tục giao dịch vốn trong ngân hàng thương mại hiện nay với doanh nghiệp rất nhanh. Các ngân hàng tham gia gói 120 nghìn tỷ đồng, thời gian thẩm định phê duyệt một hồ sở dự án mất từ 2-3 tháng là giải ngân, nếu dự án đầy đủ pháp lý.
“Vấn đề hiện nay ngân hàng giải ngân chậm gói 120 nghìn tỷ đồng không phải ngân hàng không muốn, nguyên do thiếu pháp lý không thể phê duyệt được dự án” – ông Nghĩa nói thêm.
Các doanh nghiệp kêu thủ tục hành chính rờm rà, thời gian kéo dài nên ăn cả vào lợi nhuận của nhà đầu tư. Chẳng hạn định mức lợi nhuận cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội hiện nay là 10% trên tổng chi phí đầu tư.
Nếu thủ tục pháp lý doanh nghiệp phải làm tối đa 2 năm, cộng với thời gian thi cộng xây dựng những loại nhà 8-9 tầng mất khoảng 1 năm; lợi nhuận định mức 10% chia trung bình 3 năm hoàn thiện mỗi dự án mỗi năm doanh nghiệp có lợi nhuận 3,3% vẫn có thể chấp nhận được.
Ông Nghĩa cho rằng, đối với dự án cao từ 15 tầng trở lên thì thời gian thi công xây dựng mất khoảng 3 năm, thủ tục trong quá khứ cũng kéo dài, có thể 5-7 năm, lợi nhuận 10% chia bình quân mỗi năm chỉ còn 1,5% mất hết hiệu quả kinh doanh của nhà đầu tư.
Về cơ chế ưu đãi chung, các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội mong muốn Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu ưu đãi thuế, phí… để thu hút nhà đầu tư tham gia nhà ở xã hội vừa đảm bảo an sinh xã hội và nhà nước đạt hiệu quả cao trong vận hành quản lý nhà nước ở những đô thị lớn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh kiến nghị chính quyền nhà nước áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào vận hành thủ tục hành chính để nhiều quy trình thực hiện trong cùng lúc để không phải “nối đuôi” đợi chờ nhau.
Ngân hàng cho vay 3 trong 6 dự án nhà ở xã hội và công nhân
Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng lập một gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Thực tế, gói tín dụng này đến nay đã có thêm các ngân hàng thương mại đăng ký tham gia lên đến 145 nghìn tỷ đồng.
Lãi suất cho vay gói tín dụng này thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay trung dài hạn bằng VND bình quân của các ngân hàng tham gia gói tín dụng. Theo đó, hiện nay lãi suất cho vay đang áp dụng đối với người mua nhà là 6,5%/năm (thời gian ưu đãi là 5 năm) và 7%/năm đối với chủ đầu tư (thời gian ưu đãi là 3 năm).
Thời gian qua, NHNN chi nhánh thành phố đã phối hợp với các sở, ban, ngành thông tin về gói tín dụng ưu đãi lãi suất vay và kịp thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại tham gia hướng dẫn đến các chủ đầu tư, doanh nghiệp và người mua nhà nắm bắt thủ tục vay vốn; hồ sơ vay và điều kiện vay… để tiếp cận vốn thuận lợi.
Thống kê của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính cuối tháng 11/2024, có 6 dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân thành phố công bố, các ngân hàng thương mại trên địa bàn cho vay 3 dự án, với tổng dư nợ 729 tỷ đồng. Riêng gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng TPBank cho vay 170,1 tỷ đồng đối với dự án xây nhà ở cho công nhân thuê tại cụm công nghiệp thuộc thành phố Thủ Đức; hai dự án còn lại doanh nghiệp vay vốn thông thường tại các ngân hàng thương mại khác, với lãi suất thấp, vì vậy không chuyển sang vay gói 120 nghìn tỷ đồng.
Xem xét lấy kết quả thẩm định của ngân hàng làm căn cứ hỗ trợ lãi suất Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ tập trung giải quyết những thủ tục trong thẩm quyền nhanh nhất để phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, công tác quy hoạch, chuẩn bị đất đai, kết nối hạ tầng… các sở, ngành, quận huyện phải phối hợp giải quyết các thủ tục hoàn thiện một dự án. HFIC phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu lại cơ chế hỗ trợ lãi suất 100% cho dự án nhà ở xã hội trình kỳ họp sớm nhất năm 2025 của Hội đồng Nhân dân thành phố. Theo hướng nếu doanh nghiệp đã được ngân hàng thương mại thẩm định cho vay dự án 1.000 tỷ đồng, HFIC dựa trên căn cứ thẩm định ngân hàng chuyển khoản cho doanh nghiệp 200 tỷ đồng/dự án nhà ở xã hội, không cần phải quản lý quá chi tiết… Hiện nay chúng ta đang sắp xếp tinh gọn lại bộ máy, chúng ta cần xác định ngay nhà nước quản lý đến đâu, còn lại nền kinh tế và xã hội làm. Qua đó, trao trách nhiệm cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm và nhà nước thực hiện hậu kiểm. Ví dụ, cấp giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp, nếu không thực hiện đúng quy định xử phạt thật nặng theo pháp luật. |