Doanh nghiệp "than khó" với hướng dẫn của ngành thuế
Những tuần vừa qua, trên các diễn đàn kế toán của công đồng doanh nghiệp nhiều ý kiến than vãn về Công văn số 2121/TCT-CS của Tổng cục Thuế (về lập hóa đơn thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP).
Cụ thể, các ý kiến của nhiều doanh nghiệp cho rằng Tổng cục Thuế đã hướng dẫn sai so với các quy định của Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Theo đó, tại Khoản 1, Điều 4, của Nghị định này quy định:
“Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này
“Khi xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này”.
Tuy nhiên, Công văn số 2121/TCT-CS của Tổng cục Thuế (ban hành ngày 29/05/2023 lại hướng dẫn: “Trường hợp hàng hóa đã mua trước 01/01/2023 với thuế suất 8%, sau ngày 31/12/2022 người mua trả lại hàng hóa do không đúng quy cách, chất lượng, thì người bán lập hóa đơn hoàn trả hàng hóa để điều chỉnh giảm hoặc thay thế hóa đơn đã lập với thuế suất thuế GTGT 8%, người bán và người mua có thỏa thuận ghi rõ hàng bán trả lại”.
Theo các doanh nghiệp, khi người mua trả lại hàng thì phải xuất hóa đơn trả hàng là đúng với các quy định của pháp luật, nhưng Tổng cục Thuế hướng dẫn như kể trên là không phù hợp vì đẩy trách nhiệm xuất hóa đơn cho bên bán.
Hướng dẫn của Tổng cục Thuế khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang lùng túng trong việc xử lý hóa đơn |
Ông Nguyễn Văn Thức, Giám đốc Công ty TNHH Đại lý thuế BCTC cho rằng hướng dẫn như vậy sẽ khiến cho kế toán nhiều doanh nghiệp hoang mang vì nếu phải thực hiện theo công văn của Tổng cục Thuế thì các siêu thị, các cửa hàng tạp hóa, văn phòng phẩm, vật liệu xây dựng, thế giới di động, taxi, vận chuyển… sẽ phải thực hiện việc xuất hóa đơn khi khách mua trả lại hàng hóa.
Việc này đáng ra là việc làm của các bên mua hàng nhưng bắt các bên bán hàng thực hiện là không đúng. “Tổng cục Thuế hướng dẫn như vậy và vin vào lý do để cho dễ dàng xử lý hóa đơn trong thời điểm có giảm thuế giá trị gia tăng thì càng không thuyết phục vì làm cho bên bán phải làm công việc mà đáng lý ra bên mua khi trả hàng phải làm” – ông Thức nhìn nhận.
Ngoài ra, theo ông Thức, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP đã có hướng dẫn chi tiết về việc xuất hóa đơn, do đó Công văn hướng dẫn của Tổng cục Thuế không thể trái với các quy định đã có trong văn bản cấp Nghị định. Chưa kể rằng, trường hợp mang trả hàng hóa, di chuyển trên đường phải tuân thủ các giấy tờ vận chuyển, nhiều doanh nghiệp sẽ không thể chứng minh được là “hàng hóa đang vận chuyển trả lại cho người bán”, gây ra rất nhiều hệ lụy phiền toái.
Được biết, sau khi Tổng cục Thuế có công văn hướng dẫn kể trên, ngành thuế tại nhiều địa phương cũng đã có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện xuất hóa đơn khi người mua trả lại hàng hóa.
Chẳng hạn, Cục thuế TP.HCM đã ban hành Công văn số 8999/CTTPHCM-TTHT “sao chép” lại những hướng dẫn của Tổng cục Thuế, bất chấp những băn khoăn của cộng đồng doanh nghiệp. Tương tự, tại Bình Phước, ngành Thuế địa phương này cũng đã có văn bản trả lời một số doanh nghiệp liên quan đến việc lập và xuất hóa đơn khi trả lại hàng hóa. Tuy nhiên, các hướng dẫn chưa phù hợp của Tổng cục Thuế vẫn được giữ lại.
Theo tìm hiểu của Thời báo Ngân hàng, hiện có hàng trăm doanh nghiệp tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành trong cả nước bày tỏ ý kiến không đồng ý với các hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại Công văn số 2121/TCT-CS.
Ông Nguyễn Văn Thức cho biết, đại diện cho nhiều khách hàng và thành viên “Diễn đàn cộng đồng kế toán Việt Nam” (nơi tập hợp khoảng gần 600.000 thành viên là nhân viên kế toán, chủ doanh nghiệp) tổ chức này đã có văn bản kiến nghị với Tổng cục Thuế xem xét sửa đổi Công văn số 2121/TCT-CS nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về thuế.