Doanh thu từ kinh doanh trực tuyến tăng mạnh
Hầu hết các siêu thị đẩy mạnh hình thức bán hàng online, qua điện thoại, app… Các hình thức này được khách hàng lựa chọn nhiều. Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), các DN bán lẻ đã nhanh chóng thúc đẩy các hoạt động kinh doanh trực tuyến thông qua sàn TMĐT, trong đó đã có 41% DN Việt Nam tham gia vào sàn TMĐT nhằm đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
Hapro tăng cường nhân viên bán hàng trực tuyến |
Có thể thấy, đại dịch Covid-19 cùng những yêu cầu về giãn cách, phong tỏa, hạn chế tiếp xúc đã làm DN và người tiêu dùng quan tâm hơn đến mua sắm trực tuyến. Người dân đã thay đổi thói quen mua sắm là chuyển từ mua hàng truyền thống sang mua sắm trực tuyến. Theo Sách trắng TMĐT năm 2021, tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020. Đặc biệt các kênh mua sắm trực tuyến lớn của Việt Nam như Lazada, Shopee, Sendo.vn, winmart.vn, Tiki, FPT Shop, Nguyenkim.com, Chotot.com, Rongbay.com, Vatgia.com, Thegioididong.com… liên tục có sự tăng trưởng mạnh từ đầu năm đến nay. Theo các chuyên gia, để duy trì và bứt phá doanh thu trong bối cảnh hiện nay, phần lớn các DN đều chủ động xây dựng và đẩy mạnh các kênh trực tuyến để tồn tại và phát triển.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19, khó khăn đặt ra đối với các hoạt động mua bán truyền thống thì vai trò của TMĐT càng được phát huy. TMĐT có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành phương thức giao dịch được sử dụng phổ biến. Hiện tốc độ tăng trưởng của TMĐT bán lẻ ổn định ở mức 18%, với doanh thu bán lẻ đạt 11,8 tỷ USD. Đồng thời, có tới 53% dân số Việt Nam đã tham gia vào mua bán lẻ bằng hình thức TMĐT. Đặc biệt nhiều sàn TMĐT như Sendo, Shopee, Lazada, Tiki… đã đi đầu tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, với sức mua nhóm sản phẩm thực phẩm tươi sống trên các sàn tăng từ 150% đến 300% so với thời gian trước đó. Ngoài ra, các sàn TMĐT cũng vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ nông sản đang vào vụ thu hoạch của bà con nông dân tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo đại diện Sở Công thương TP. Hà Nội, hoạt động thương mại, dịch vụ 9 tháng năm nay chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, nhất là trong quý III khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Điều này khiến cho doanh thu của các DN cũng bị ảnh hưởng. Thành phố đã phải dừng tất cả các hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội. Nhiều chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải tạm thời đóng cửa, tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác phòng chống dịch, việc mở cửa trở lại chậm cũng ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng hàng hóa trên địa bàn. Để không bị gián đoạn việc cung ứng hàng hóa, thành phố yêu cầu đẩy mạnh bán hàng online, qua sàn TMĐT.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu Sở chỉ đạo các DN phân phối, siêu thị, đơn vị kinh doanh tăng cường khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; đẩy mạnh bán hàng qua các ứng dụng TMĐT, bán hàng online, điện thoại, kể cả bán hàng 24/7 nếu thấy cần thiết. Thành phố cũng công khai rộng rãi danh sách 565 điểm bán hàng có hình thức bán hàng trực truyến qua điện thoại (hotline), website, ứng dụng TMĐT và danh sách của 35 DN, gồm các sàn TMĐT, siêu thị, hệ thống phân phối, cửa hàng lớn trên địa bàn thành phố có hình thức đặt hàng trực tuyến.
Trên thực tế, nhiều DN, cơ sở sản xuất nhanh chóng khai thác và ứng dụng hiệu quả TMĐT vào các hoạt động tư vấn, bán và chăm sóc, hỗ trợ khách hàng... Việc đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến đã đem lại hiệu quả và doanh thu chính cho DN. Đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, trong quý III/2021, lượng khách hàng mua sắm trực tuyến ngày càng tăng, các đơn hàng trực tuyến thậm chí tăng cao hơn 3-5 lần so với trước đây. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Hapro và BRG Retail đã chủ động tăng khoảng 300% lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu giúp đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định cho người dân. Đồng thời hệ thống BRGMart và Haprofood/BRGMart cũng nhanh chóng triển khai phương thức bán hàng đa kênh như nhận đặt hàng qua app mua sắm trực tuyến BRG shopping, hotline, fanpage, dịch vụ giao hàng tại nhà… Thông qua đó doanh thu bán hàng trực tuyến cũng tăng theo.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch. Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ các tháng trong quý III giảm mạnh so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III ước đạt 92,2 nghìn tỷ đồng, giảm 34% so với quý trước và giảm 40,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 380 nghìn tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh thành phố thực hiện giãn cách, các sàn TMĐT đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong lưu thông, cung ứng hàng hóa phục vụ người dân. Các giao dịch trực tuyến trở thành cầu nối để người dân tiếp cận được các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Do vậy, các DN cần tăng cường ứng dụng kênh bán hàng trực tuyến, tổ chức dịch vụ giao hàng nhanh nhằm đáp ứng xu hướng mua sắm mới của người tiêu dùng. Đây là kênh bán hàng hiện đại, nhiều tiện ích, cần phát triển mạnh trong thời gian tới.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)