Đổi mới sáng tạo: Lấy công nghệ và chất lượng quản lý làm then chốt
Đổi mới sáng tạo: Lấy công nghệ và chất lượng quản lý làm then chốt |
Bắt kịp xu hướng đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đổi mới sáng tạo là tư duy mới trong chiến lược phát triển của hầu hết các quốc gia và trở thành ngôn ngữ chung, có ý nghĩa toàn cầu. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, các cơ chế chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp kết nối và vươn lên luôn được quan tâm. Trong đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ trương và chiến lược thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được thể hiện trong nhiều Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Nhờ đó, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể khi tăng 10 bậc kể từ năm 2015. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 sau khi Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020).
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Để hỗ trợ cho quá trình đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, các cơ quan, tổ chức đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Đơn cử, tại NIC, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đổi mới sáng tạo sẽ được hỗ trợ về các thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh, giấy phép lao động, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ văn phòng làm việc và sử dụng phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định và các phương tiện, tiện ích khác của Trung tâm; được hưởng ưu đãi trong thủ tục đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu; được huy động và nhận tài trợ từ các chương trình tài trợ nghiên cứu của Chính phủ và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật để triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo; được hưởng các ưu đãi tối đa về thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Trong quá trình đổi mới sáng tạo, để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, các quỹ hỗ trợ cũng có nhiều giải pháp tích cực. Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Quỹ được thành lập và đi vào hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, tài trợ cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.
Quỹ tập trung ưu tiên tài trợ để thực hiện các nhiệm vụ khoa học – công nghệ theo đặt hàng của Nhà nước; nhiệm vụ khoa học – công nghệ có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, chuyển giao các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến do tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đề xuất.
Không chỉ vậy, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hướng tới đổi mới sáng tạo cũng được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn. Bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch HĐTV Quỹ Phát triển DNNVV cho biết, đối tượng được hỗ trợ của Quỹ là DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, DNNVV tham gia chuỗi giá trị với mức vay tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và được hưởng lãi suất ưu đãi từ 2,16- 4,0%/năm tùy kỳ hạn.
Các diễn giả phát biểu tại Hội thảo |
Bên cạnh đó, quá trình đổi mới sáng tạo luôn song sành cùng hoạt động chuyển đổi số. Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đơn vị đã xây dựng công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng public trên Cổng thông tin; dựng video hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp và phổ biến rộng rãi với cộng đồng doanh nghiệp; công bố tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số để cung cấp kiến thức, doanh nghiệp tham khảo lộ trình, các chỉ dẫn giải pháp công nghệ để tự triển khai chuyển đổi số; Tổ chức khóa đào tạo nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về chuyển đổi số.
Tiếp tục tạo hứng khởi để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện. TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nâng cao năng lực, tổ chức hoạt động nghiên cứu và phát triển, trích lập quỹ phát triển, tiếp cận với các nguồn hỗ trợ tài chính và duy trì hệ sinh thái nhà trường – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp bền vững.
Ngoài ra, bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho rằng, việc doanh nghiệp thiếu thông tin về các chính sách, các hình thức hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới sáng tạo là một rào cản khiến doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội, hay chưa phát huy tốt những điều kiện thuận lợi trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, bà Nguyễn Thy Nga, Tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư và quản lý V-startup đề xuất, Việt Nam cần tiếp tục tập trung đổi mới cơ chế, chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính và các hành vi ứng xử với doanh nghiệp, góp phần tạo động lực, đam mê, hứng khởi để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần lấy đổi mới công nghệ và chất lượng quản lý làm phương pháp then chốt để khắc phục khó khăn và phát triển; phấn đấu làm cho doanh nghiệp thực sự trở thành chủ thể chính của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Để tồn tại và lớn mạnh, các doanh nghiệp cần phải hướng vào thị trường, tích cực chuyển hóa và ứng dụng các thành tựu khoa học, tăng lợi ích kinh tế bằng cách dựa vào tiến bộ công nghệ và nâng cấp công nghệ, bà Nguyễn Thy Nga đề xuất.