Đồng hành cùng khách hàng vượt khó, phục hồi sản xuất
Hải Phòng hỗ trợ đầu tư vào các khu công nghiệp Tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân |
Đảm bảo đủ nguồn lực đáp ứng nhu cầu vốn
Để đảm bảo đủ nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp, Agribank chi nhánh Bắc Nam Định chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác huy động vốn theo hướng tập trung đa dạng hóa các phương thức, kênh huy động vốn; điều hành linh hoạt lãi suất huy động trên cơ sở trần lãi suất theo quy định sát với diễn biến thị trường nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giữ vững khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng mới, khách hàng tiềm năng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng và thực hiện tốt đề án huy động vốn tại chi nhánh theo từng địa phương, từng đối tượng khách hàng để khai thác tối đa nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư, các doanh nghiệp và tổ chức có thu tại địa bàn.
Agribank đồng hành và kịp thời sẻ chia khi khách hàng gặp khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng hiệu quả và từng bước phục hồi |
Đối với công tác tín dụng, chi nhánh thường xuyên rà soát, phân tích, bám sát diễn biến thị trường để giải ngân vốn, đảm bảo việc tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và phù hợp với từng đơn vị. Để đạt mục tiêu trên, chi nhánh áp dụng lãi suất cho vay linh hoạt, cân đối hài hòa lợi ích từ khách hàng và ngân hàng mà vẫn đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường để giữ chân khách hàng tốt, thu hút khách hàng mới, tăng quy mô dư nợ của khách hàng vay vốn.
Trước khó khăn ngày càng gia tăng của khách hàng, Agribank chi nhánh Bắc Nam Định đã triển khai tích cực các chương trình hỗ trợ, ưu đãi về lãi suất như chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 quy mô 100 nghìn tỷ đồng, cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô 30 nghìn tỷ đồng, gói tín dụng ưu đãi ngắn hạn đối với doanh nghiệp lớn quy mô 15 nghìn tỷ đồng… Ngoài ra, chi nhánh còn miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng trả nợ xấu, nợ xử lý rủi ro trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vay vốn vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống.
Song song với chính sách trên, chi nhánh yêu cầu cán bộ tín dụng thường xuyên rà soát, nắm bắt địa bàn, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhu cầu vay vốn, khả năng trả nợ của từng khách hàng, kịp thời xử lý các đề xuất, kiến nghị của khách hàng (nếu có). Qua đó, yêu cầu các đơn vị tổng hợp, báo cáo, giải trình kết quả thực hiện ngay trong tuần và xây dựng kế hoạch giải ngân - thu nợ, biến động khách hàng vay vốn ở tuần tiếp theo.
Bên cạnh đẩy mạnh tiếp cận khách hàng vay vốn thông qua mạng lưới tổ vay vốn, các khách hàng hiện hữu, chi nhánh tăng cường mối quan hệ mật thiết với cơ quan, chính quyền địa phương; mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức kinh tế - xã hội tại địa phương, Ban Quản lý các khu công nghiệp, làng nghề... để tìm kiếm khách hàng mới mở rộng thị phần, thị trường. Chi nhánh còn thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của từng tổ vay vốn; công tác phối hợp giữa Ngân hàng - Tổ vay vốn - Ban Chỉ đạo đầu tư vốn tại từng địa phương để đảm bảo việc đầu tư tín dụng được nhanh chóng, thuận lợi, an toàn, hiệu quả…
Với các giải pháp đồng bộ trên, Agribank chi nhánh Bắc Nam Định giúp khách hàng vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh.
Là khách hàng thân thiết với Agribank, ông Trần Đăng Khôi, chủ trang trại nuôi gà công nghiệp tại thôn Phú Cốc, xã Minh Thuận (Vụ Bản) chia sẻ, gia đình vay vốn chủ yếu về phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi tăng, chi phí phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng tăng, trong khi giá bán sản phẩm ra thị trường lại bấp bênh. Việc Agribank tiếp tục giảm lãi suất đã giúp ông giảm được chi phí tiền lãi vay hàng tháng và có thể tiếp tục vay vốn để phát triển kinh tế.
Để tiếp tục đồng hành cùng với khách hàng sớm vượt qua khó khăn, góp phần tăng trưởng kinh tế, đại diện chi nhánh cho biết, tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt, chủ động, linh hoạt các chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, coi đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Thời gian tới, chi nhánh đẩy mạnh việc rà soát tất cả khách hàng trên địa bàn thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất. Chủ động tiếp cận, nắm bắt nhu cầu cần hỗ trợ của khách hàng, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục hỗ trợ lãi suất theo quy định…
Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
Là ngân hàng tiên phong, có thị phần truyền thống trong lĩnh vực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhưng Agribank chi nhánh tỉnh Ninh Bình vẫn luôn quan tâm, hợp tác, đồng hành với các doanh nghiệp trên địa bàn, triển khai hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.
Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng, xuất nhập khẩu, may mặc, nhiên liệu... Các chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ bị ảnh hưởng đã tác động đến hoạt động kinh doanh của nền kinh tế nói chung cũng như của ngành Ngân hàng nói riêng.
Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, bám sát định hướng, chỉ đạo của NHNN, của cấp ủy đảng, Hội đồng thành viên và Ban điều hành Agribank, Agribank chi nhánh tỉnh Ninh Bình đã tiếp tục điều hành cơ cấu tín dụng gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng quản lý chi nhánh. Thực hiện chính sách tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, ưu tiên đầu tư tăng trưởng tín dụng đối với khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các lĩnh vực thiết yếu, các ngành nghề đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh… Thực hiện các giải pháp cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.
Tính đến ngày 15/9/2023, tổng nguồn vốn là 7.912 tỷ đồng, tăng 518 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay đạt 10.846 tỷ đồng, tăng 96 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, dư nợ đối với khách hàng pháp nhân (117 khách hàng) là 3.844 tỷ đồng, chiếm 35,4% tổng dư nợ, giảm 192 tỷ đồng so với đầu năm.
Để luôn “đồng hành, phát triển” cùng doanh nghiệp, ông Phạm Vương Đức Anh, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Ninh Bình cho biết, trong những năm qua, Agribank chi nhánh tỉnh Ninh Bình đã luôn làm tốt 3 vấn đề cơ bản, đó là đảm bảo nguồn vốn cho vay, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tín dụng.
Cụ thể, nguồn lực vốn vay luôn được ngân hàng đảm bảo, đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, trong bất cứ thời điểm nào; thủ tục cho vay đã được Agribank chi nhánh tỉnh Ninh Bình đơn giản hóa rất nhiều, trên cơ sở đảm bảo các điều kiện cần thiết và đúng quy định của pháp luật.
Hồ sơ, dự án vay vốn của doanh nghiệp được Agribank chi nhánh tỉnh Ninh Bình chỉ đạo cán bộ tín dụng tổ chức thẩm định nhanh và chắc chắn, giải ngân kịp thời cho doanh nghiệp. Nếu chậm trễ, hoặc kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ, dự án vay vốn sẽ khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất. “Với phương châm khách hàng hoạt động thuận lợi, có hiệu quả và ngày càng phát triển sẽ góp phần làm cho hoạt động của ngân hàng ngày càng phát triển. Vì vậy, trong quá trình hoạt động của mình, Agribank chi nhánh tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm, đồng hành và kịp thời sẻ chia khi khách hàng gặp khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng hiệu quả và từng bước phục hồi”, ông Phạm Vương Đức Anh cho biết thêm.
Là khách hàng thường xuyên và lâu năm của chi nhánh, ông Đinh Quốc Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Giấy Tiến Dũng cho biết, Agribank không chỉ là đối tác mà còn là người bạn đồng hành cùng Công ty trong suốt chặng đường khởi nghiệp và phát triển ngày hôm nay.
“Nhờ nguồn vốn vay của Agribank, Công ty chúng tôi nắm bắt được thời cơ, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Agribank sẽ luôn là địa chỉ yêu mến, tin cậy của nhân dân, các doanh nghiệp tin tưởng lựa chọn hợp tác cùng phát triển”, ông Chiến chia sẻ thêm.