Động lực và giải pháp để nền kinh tế về đích
Kinh tế về đích ấn tượng |
Quý IV GDP có thể tăng trưởng quanh 7%
Trong báo cáo cập nhật kinh tế công bố gần đây, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý IV của Việt Nam có thể đạt khoảng 7% và cả năm 2023 là 5%, điều chỉnh giảm từ mức 5,4% trong dự báo trước đó, phản ánh dữ liệu kinh tế từ đầu năm cho đến nay thấp hơn mức kỳ vọng và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, bất định hơn có thể tiếp tục tác động không thuận đến ngoại thương.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng |
Một dự báo khác khá tương đồng đến từ báo cáo mới đây của TS. Cấn Văn Lực (Kinh tế trưởng BIDV) và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV. Theo đó ở kịch bản cơ sở, dự báo GDP quý IV/2023 sẽ tăng trưởng khoảng trên 7%, giúp cả năm 2023 có thể đạt mức 5-5,2%. “Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh quốc tế kém thuận lợi và nội tại còn nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP cả năm 2023 có thể đạt 5-5,2% (kịch bản cơ sở) hoặc 5,3-5,5% (kịch bản tích cực) nhờ tiêu dùng tăng trưởng vững chắc, đầu tư công tiếp tục được mở rộng, đầu tư tư nhân, các lĩnh vực gặp khó khăn như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, thị trường BĐS... tiếp tục cải thiện”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý rằng, để đạt được mức tăng trưởng theo kịch bản cơ sở hoặc cao hơn, GDP quý IV/2023 cần tăng trưởng 6,9-7,7%. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực hơn nữa của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cùng sự đồng lòng của doanh nghiệp và người dân. Còn ở kịch bản tiêu cực, nếu tăng trưởng GDP quý IV chỉ đạt 5,2-6,3% thì GDP cả năm chỉ tăng 4,5-4,8%.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV trong một báo cáo khác về tác động của xung đột Israel-Hamas hiện nay đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhìn chung tác động sẽ không lớn. Cụ thể, có 3 kịch bản tác động có thể xảy ra: (i) Trường hợp xung đột không lan rộng thì tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 vẫn như dự báo hiện nay, khoảng 5% theo kịch bản cơ sở; (ii) Trường hợp xung đột lan rộng, đủ làm giá xăng dầu tăng mạnh dẫn đến sức mua và tiêu dùng thực giảm, tăng trưởng GDP dự báo giảm 0,06 điểm %; (iii) Trường hợp xung đột lan rất rộng, tác động gián tiếp làm tăng trưởng GDP giảm 0,13-0,15 điểm % trong cả năm 2023 và 2024 (năm 2024 dự báo tăng trưởng GDP 6-6,5%).
Trong khi đó, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết, ông vẫn đang hy vọng sẽ có một sự bứt phá mạnh mẽ trong hai tháng còn lại của quý IV này và GDP vẫn có thể chạm mức 6% trong năm nay. Bởi bên cạnh kỳ vọng từ đầu tư công và tiêu dùng, chuyên gia này cho rằng các doanh nghiệp sẽ rất nỗ lực vận động, mở rộng đầu tư kinh doanh để tồn tại và phát triển trong hai tháng cuối năm. “Xét trong năm, đây là dịp cuối cùng để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đưa hàng hóa ra phục vụ xuất khẩu, phục vụ thị trường trong nước trong dịp lễ, tết… Vì thế, tôi cho rằng diễn biến hai tháng cuối năm này rất quan trọng và vẫn kỳ vọng tăng trưởng có khả năng đạt sát mức 6%”.
Nỗ lực hành động
Thực tế tăng trưởng xuất nhập khẩu đã có những cải thiện khá tích cực trong các tháng 9 và 10 vừa qua, trong đó các ngành gặp khó khăn nhất trong thời gian qua như da giày, dệt may, điện thoại, điện tử… cũng đã phần nào phục hồi tích cực. Dù giai đoạn cuối năm này khó có thể có được sự đột phá quá lớn nhưng theo các chuyên gia, đây là những tín hiệu tốt cho năm sau. “Triển vọng kinh tế trung hạn vẫn đầy hứa hẹn nhờ độ mở và ổn định kinh tế của Việt Nam. Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP sẽ ở mức 6,7% cho cả năm 2024 và 2025”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết và lưu ý để cải thiện mạnh hơn nữa, Việt Nam cần khôi phục lại mức tăng trưởng GDP nhanh chóng và đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Các chuyên gia cho rằng theo tính chu kỳ, nền kinh tế trong hai tháng còn lại chắc chắn sẽ sôi động. Sự sôi động ấy chắc chắn sẽ thể hiện ra ở những chỉ số kinh tế tích cực hơn trong quý IV, trong đó có tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia kỳ vọng hơn không chỉ là sự sôi động mang tính mùa vụ và chu kỳ như vậy mà làm sao để các động lực tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư tiếp tục được duy trì trong những giai đoạn tiếp theo.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong ngắn hạn, với các động lực tăng trưởng truyền thống, cần tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để nỗ lực giải ngân được 95% tổng vốn đầu tư công theo kế hoạch. Bởi tính toán cho thấy, nếu đầu tư Nhà nước tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% sẽ đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023. Cùng với đó, việc kích cầu tiêu dùng nội địa (loại trừ yếu tố giá) nếu tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm %. Đồng thời, cần quan tâm thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, qua đó thúc đẩy liên kết vùng…
Cùng với chú trọng các động lực tăng trưởng truyền thống, việc khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới cũng hết sức quan trọng, đặc biệt là các động lực như: kinh tế số, năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP); phát triển mạnh hơn khu vực kinh tế tư nhân; tăng trưởng xanh gắn với chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế (nhất là các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh, Bất động sản, Đấu thầu…), bao gồm cả tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi và phối hợp chính sách.
Việc nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, cũng được các chuyên gia nhấn mạnh nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng bền vững. Trong đó, rất nhiều ý kiến cho rằng các chính sách liên quan đến thuế, phí có thể mang lại tác động nhanh nhất đến thị trường, hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Do đó, việc dùng các công cụ tài khóa như tiếp tục cắt giảm, giãn, hoãn các khoản thuế, phí… vào thời điểm hiện nay có thể mang lại tác động ngay trong những tháng cuối năm này, góp phần tạo đà phục hồi và tăng trưởng tích cực hơn cho nền kinh tế trong năm sau.