Dù còn nhiều thách thức, nhưng chuyển đổi số sẽ thành công
Chuyển đổi số tiết kiệm chi phí | |
Chuyển đổi số trong tài chính - ngân hàng: Phải hiệu quả, an toàn, bền vững |
Các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng chia sẻ tại hội thảo |
Trước hết xuất phát từ chính bên trong nội bộ mỗi ngân hàng khi phải trực diện giải quyết các vấn đề như tư duy của “ông chủ” ngân hàng về sự cần thiết của chuyển đổi số. Bên cạnh đó là cân bằng giữa lợi nhuận và chi phí đầu tư; việc đảm bảo sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm số cũng như đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch và thông tin khách hàng…
Bảo mật, an toàn là yếu tố hàng đầu
Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng về giao dịch thuận tiện, nhanh chóng và an toàn mọi lúc, mọi nơi, số hóa đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các ngân hàng. Thế nhưng theo các chuyên gia ngân hàng, tiến trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng cũng đi kèm không ít thách thức như chưa đủ khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi, thích ứng với bối cảnh số hóa; đòi hỏi nguồn lực tài chính, nhân lực có trình độ cao, thách thức về an ninh bảo mật, về kiểm soát rủi ro, khả năng xử lý…Trong đó vấn đề bảo mật thông tin khách hàng cũng như đảm bảo an toàn an ninh mạng được nhiều chuyên gia đánh giá là quan trọng hàng đầu.
Chia sẻ ở Hội thảo “Khởi động thông minh trong hành trình số hoá ngân hàng” do FPT và Công ty tư vấn EY Việt Nam đồng tổ chức tại sự kiện FPT Techday 2019 mới đây, ông Robert Trọng Trân - Trưởng Dịch vụ tư vấn An ninh mạng EY Việt Nam khẳng định, khi càng bước sâu vào thời đại số, sẽ càng có nhiều điểm yếu trong hệ thống thông tin mà các DN có thể đối mặt với nguy cơ bị tấn công. “Không có bất cứ một công ty nào có thể khẳng định an toàn 100% về thông tin. Vì vậy, chúng ta buộc phải chấp nhận rủi ro khi sống trong thời đại số”, chuyên gia này nói.
Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng, chuyển đổi số là một nhu cầu tất yếu và các ngân hàng không nên xem rủi ro mất an toàn là yếu tố cản chân họ bước vào môi trường số. Điều quan trọng nhất để quản lý an toàn là các nhà băng phải có một chiến lược bảo vệ rõ ràng. “Ngân hàng bắt buộc phải đặt an toàn số vào hoạt động của mình để cho dù tấn công có xảy ra, nhưng luôn sẵn sàng đối phó và có thể hoạt động bình thường trở lại trong thời gian sớm nhất”.
Theo ông Phạm Tùng Dương - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng FPT, các cuộc tấn công hiện nay không chỉ là các cuộc tấn công đơn lẻ mà là tấn công tập trung. “Mục tiêu chúng tôi đặt ra là phải làm thế nào để có thể phát hiện được các mối đe dọa nhanh như khi chúng ta search Google, cùng với đó là phân tích và xử lý các mối đe dọa một cách nhanh nhất”, chuyên gia này nói.
Chuyển đổi số sẽ thành công
Trong khi đó theo ông Dương Dũng Triều - Chủ tịch HĐTV FPT IS, dù có nhiều chuyển động tích cực song chuyển đổi số của các Ngân hàng Việt vẫn khá chậm. Tại nhiều nhà băng, quy trình cấp tín dụng phải trải qua hàng chục bước. “Khi đặt câu hỏi “liệu ngân hàng có thể cấp tín dụng cho cá nhân trong vòng 1 ngày làm việc?” với lãnh đạo một loạt ngân hàng trong nước, câu trả lời nhận được là: không”, Chủ tịch FPT IS cho biết.
Theo phân tích của ông Triều, việc triển khai ngân hàng số chậm phát triển do gặp một số khó khăn chính: Rào cản pháp lý (dù NHNN và Chính phủ rất ủng hộ, song việc kiểm soát rủi ro vẫn đang là vấn đề gây quan ngại lớn); Tư duy và nhận thức của lãnh đạo các ngân hàng về vấn đề đầu tư cho ngân hàng số vẫn chưa thông suốt, nhất là khi phải “cân” giữa lợi nhuận mang lại và chi phí đầu tư bỏ ra; Hệ thống công nghệ của các ngân hàng vẫn chưa hoàn thiện, mang tính chắp vá… Đây cũng là những khó khăn, thách thức được nhiều đại diện lãnh đạo các ngân hàng tham gia hội thảo này chia sẻ.
Tuy nhiên, khi có những sự thay đổi tư duy, đặc biệt từ chính các ông chủ của ngân hàng, thì việc những bước khởi đầu cho chuyển đổi số cũng không phải là khó. Sự chuyển đổi và vươn lên nhanh chóng của TPBank trong những năm vừa qua là một ví dụ.
Theo Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, nhờ “thấm đẫm” tư duy sáng tạo đổi mới nên chỉ trong vài năm trở lại đây, ngân hàng này đã gặt hái được khá nhiều thành công trong chuyển đổi số, đưa vào ứng dụng nhiều công nghệ mới từ Big Data, Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), Sinh trắc học…
Cũng theo Tổng giám đốc TPBank, dù thách thức trong chuyển đổi số có nhiều song về chủ quan, ngân hàng luôn phải biết “mình muốn gì (thể hiện ở tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch và mục tiêu) và có bao nhiêu tiền để thực hiện chuyển đổi số”. Bên cạnh đó, cần làm sao đảm bảo hài hòa giữa bài toán lợi nhuận trong ngắn hạn và đầu tư cho chuyển đổi số. “Chuyển đổi số cũng chính là lợi nhuận được tích lũy cho 3-5 năm sau nên cần phải đầu tư. Lợi nhuận đến từ tăng doanh thu và giảm chi phí. Và chuyển đổi số chính là để giúp giảm chi phí và tạo cơ hội tăng doanh thu trong tương lai”, ông Nguyễn Hưng cho biết.
Từ góc nhìn của mình, bà Nguyễn Tú Anh - Chủ tịch NAPAS cho rằng, tư duy của lãnh đạo các ngân hàng hiện nay đã thay đổi rất nhiều nên hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng câu chuyện chuyển đổi số tại Việt Nam sẽ không phải là vấn đề gì xa vời.
“Về phía mình, NAPAS cũng đã chuẩn bị hạ tầng và phục vụ tốt cho thanh toán không dùng tiền mặt trong nhiều năm qua. Nhưng bản thân NAPAS cũng cần tiếp tục thay đổi để đáp ứng cho quá trình chuyển đổi số này, tạo ra một xa lộ để trên đó các giao dịch thanh toán số ngày càng tăng của các ngân hàng được an toàn, thông suốt”, bà Tú Anh nói.