Chuyển đổi số tiết kiệm chi phí
Chuyển đổi số trong tài chính - ngân hàng: Phải hiệu quả, an toàn, bền vững | |
Chuyển đổi số để thực hiện chiến lược tài chính toàn diện |
Lĩnh vực tài chính - ngân hàng đứng đầu về thiết bị thông minh cho người dùng |
Đang có rất nhiều lời kêu gọi toàn xã hội số hoá hoạt động sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ để tiếp cận khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tại Hội thảo và triển lãm quốc tế Internet vạn vật (Internet of Things – IoT) và bảo mật thông tin 2019 do Bộ Thông tin Truyền thông, IEC và Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức tại TP.HCM trong tuần qua, ông Phạm Hồng Hải - Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông nói với các doanh nghiệp về lợi ích của việc chuyển đổi số là “cấp số nhân chứ không dừng lại ở cấp số cộng”.
Thực tiễn cũng đã chứng minh chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho từng thực thể trên thị trường cả định tính và định lượng. Ông Trần Văn Đức - Trưởng phòng Công nghệ Thông tin - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “5 năm áp dụng công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện này. Đến nay tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống công nghệ của bệnh viện mới đạt 35% tổng số thanh toán nhưng bệnh viện tiết kiệm mỗi năm được trên 320 triệu đồng tiền in hóa đơn. Chưa kể các lợi ích khác khi thanh toán điện tử giúp bệnh viện tiết giảm chi phí trả lương cho nhân công, tiết kiệm thời gian của thân nhân và người bệnh không thể tính hết bằng tiền”.
Theo quy định Thông tư 54 của Bộ Y tế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM hiện đã đạt 6/7 tiêu chí một bệnh viện thông minh trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt.
Cho đến nay các nền tảng công nghệ của ngân hàng, công ty công nghệ tài chính đã sẵn sàng cung cấp các tiện ích thanh toán cho nhà bán hàng hàng hóa dịch vụ đáp ứng nhiều tiện ích cho người dùng. Đặc biệt mới đây, Công ty Cung cấp dịch vụ và công nghệ thanh toán toàn cầu Mastercard phối hợp với Phó giáo sư Nhân chủng học Indira Arumugam, khoa Xã hội học - Đại học Quốc gia Singapore nghiên cứu hành vi tâm lý tiêu dùng của người Việt khi sử dụng các công cụ thanh toán để khảo sát xem người tiêu dùng thường có lo ngại gì về tính bảo mật và các thói quen người dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa.
Nghiên cứu Mastercard đặt vấn đề tâm lý lo sợ của người tiêu dùng khi thanh toán trực tuyến thông qua phương pháp lấy những phong tục truyền thống ngày tết của người Việt Nam như: tục lì xì, lấy cây phát lộc mang về nhà… để định vị những bận tâm của người tiêu dùng trực tuyến và nhóm khách hàng, từ đó cho ra những sản phẩm dịch vụ thanh toán trực tuyến phù hợp và đặc biệt cung cấp dịch vụ thanh toán đến từng nhu cầu cá nhân trên các trang thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam.
“Tất cả các biện pháp bảo vệ (thanh toán trực tuyến) đều nhằm mục đích trấn an và thúc đẩy con người thực hiện những công việc mình đặt ra và phần lớn để bảo đảm cho cuộc sống hoặc các khoản đầu tư tài chính như: chăn nuôi, kinh doanh, tiết kiệm và bất động sản là những thứ đem lại cảm giác yên tâm cho con người” - Phó giáo sư Indira Arumugam nhìn nhận.
Khi đã nắm được tâm lý người tiêu dùng cần an tâm thanh toán trực tuyến, Mastercard củng cố niềm tin của người dùng thẻ thanh toán khi mua sắm trực tuyến và đảm bảo rằng chủ thẻ chỉ phải trả tiền cho các giao dịch mua mà họ đã thực hiện. Ví như chủ thẻ xác thực mã OTP qua tin nhắn trên điện thoại để đảm bảo bất cứ khi thanh toán trực tuyến với người bán hàng hóa có cung cấp dịch vụ để đảm bảo giao dịch an toàn thông tin tài chính.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết: “Các ứng dụng kết nối Internet giữa nhà cung cấp dịch vụ với người dân hiện nay lĩnh vực tài chính - ngân hàng đứng đầu (21,1%) trong hệ sinh thái bán lẻ, chính phủ số, y tế thông minh, giao thông thông minh, sản xuất thông minh, nông nghiệp thông minh… Đối tượng người dùng các sản phẩm kết nối Internet trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng hiện cũng cao nhất trong xã hội”.
Các chuyên gia kinh tế cũng thừa nhận, các sản phẩm công nghệ hiện nay rất nhiều và chỉ còn là quyết định của từng cá nhân, tổ chức có quyết định đưa công nghệ vào hoạt động của mình để tăng năng suất, tạo tiện ích cho người dùng và tăng tính minh bạch các quan hệ xã hội hay không?