“Đứt gẫy” chuỗi cung ứng, doanh nghiệp khó tham gia hội nhập
Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp đầu chuỗi | |
Diện tích kho vận tăng trưởng mạnh nhờ sự đa dạng chuỗi cung ứng | |
Hợp tác đầu tư nước ngoài hướng tới kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu |
Thực tế, trong nền kinh tế hội nhập quốc tế, DN Việt không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh với các DN nước ngoài. Hiện, Việt Nam đang là địa điểm sản xuất một số mặt hàng công nghiệp có giá trị cao như may mặc, giày da, điện thoại di động, thép công nghiệp và một số sản phẩm nông thủy sản chè, cà phê, tôm, cá.... Tuy nhiên, DN Việt vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia, phát triển cũng như quản trị chuỗi cung ứng. Có thể nói, quản lý chuỗi cung ứng đã trở thành một trong những phương tiện chính để các DN kiểm soát chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế khi đối mặt với thị trường ngày càng cạnh tranh.
Đại đa số DN trong nước vẫn chưa thể tham gia sâu hơn, nhanh hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu vì vướng nhiều rào cản |
Theo TS. Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển DN công nghiệp hỗ trợ thuộc Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), phát triển chuỗi cung ứng được đánh giá có thể mang lại nhiều lợi ích cho ngành công nghiệp Việt Nam, nhưng đến nay, số lượng DN nội địa trong ngành hỗ trợ có đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng còn quá ít. Số liệu khảo sát cho thấy, hiện nay chỉ có khoảng 300 DN đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng cho công nghiệp chế tạo ở Việt Nam. Trong số đó, không ít DN khó tiếp cận các chuỗi cung ứng hiện hữu của các công ty lớn chuyên về lắp ráp, chế tạo (lĩnh vực này chủ yếu do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và liên doanh đảm nhận).
Một nghiên cứu của JETRO cho thấy, các công ty Nhật Bản tại Việt Nam mua khoảng 32,4% hàng hóa, dịch vụ đầu vào từ các nhà cung cấp Việt Nam. Tỷ lệ này thấp hơn con số tương ứng tại Trung Quốc (67,8%), Thái Lan (57,1%), và Indonesia (40,5%). Riêng, Việt Nam có khoảng 20 công ty lắp ráp ô tô, nhưng chỉ có khoảng 81 nhà cung cấp cấp 1, khoảng 145 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3. Trong khi đó, Thái Lan có 16 công ty lắp ráp ô tô song có tới hơn 690.000 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2, 3.
Không riêng đối với ngành công nghiệp sản xuất ô tô các DN trong nước vẫn còn “khoảng trống” rất lớn chưa thể bù đắp nổi mà với lĩnh vực mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn như may mặc, thì chuỗi cung ứng dệt may cũng đang trong tình trạng bị “đứt gãy”. Theo số liệu từ Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III (Mutrap III), trong số 3.700 DN của ngành này, có 70% là DN may, trong khi DN dệt, sợi, nhuộm chỉ chiếm lần lượt 17%, 6% và 4%. Cụ thể, Việt Nam phải nhập khẩu bông để đáp ứng 99% nhu cầu bông trong nước và nhập 70% xơ nhân tạo và 5,2 tỉ mét vải...
Bàn về vấn đề này, chuyên gia Đinh Thế Phong, Bộ Khoa học – Công nghệ nhận định, trước đây các ngành sản xuất, chế tạo chế biến của Việt Nam thường “bí” ở đầu ra do không bán, xuất khẩu được sản phẩm, yếu trong khâu tìm kiếm thị trường, một phần giá thành quá cao, chất lượng, mẫu mã còn hạn chế. Nhưng gần đây, các DN Việt Nam còn thêm khó khăn ở ngay cả khâu đầu vào vì mua không được nguyên vật liệu do nguồn cung bị gián đoạn bởi tình hình dịch bệnh, trong khi nguồn cung trong nước thì thiếu và yếu. Việc các DN trong nước không tự chủ được nguyên vật liệu có nghĩa khâu sản xuất và giá thành chịu sự phụ thuộc, không có sự tự chủ, dẫn đến bị “cắt đứt” khỏi chuỗi cung ứng. Điều đó thể hiện mối liên kết lỏng lẻo giữa các bên tham gia. Sự liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng của sản phẩm đưa ra thị trường bị chồng chéo nên chi phí bị đẩy lên khá nhiều trong khâu phân phối, dẫn tới giá bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng cao bất hợp lý.
Vì vậy, để thúc đẩy DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, bên cạnh sự nỗ lực của DN, cần sớm có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Chính phủ như giảm chi phí giúp tiếp cận tín dụng, ổn định chi phí và nguồn nhân công, giảm thủ tục hành chính và những chi phí không chính thức khác, giúp DN có thêm nguồn lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.