Duyên nghề báo của lão tướng ngân hàng
“Nói hay” để chuyển tải sự thật | |
Thông tin báo chí là tư liệu đa chiều | |
Sức chiến đấu của ngòi bút trên đường hội nhập |
Bước sang tuổi 87, ông Nguyễn Thanh Châu, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN giai đoạn 1981-1985, vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Mới đây, ông khoe với chúng tôi rằng bản thảo tập sách “Ngân hàng – Báo và Tôi” của ông đã được hoàn thành và có thể sẽ được xuất bản vào đúng dịp ông tròn 90 tuổi.
Ông Nguyễn Thanh Châu |
Nhắc lại những kỷ niệm tham gia làm báo của đời mình, ông Châu giọng tràn đầy cảm xúc, bởi với ông dường như ngân hàng và báo chí là hai cái duyên sóng đôi trong suốt gần bảy chục năm công tác ở ngành tài chính – tiền tệ.
Vốn không được đào tạo chuyên môn về báo chí nhưng có sẵn niềm đam mê viết lách từ nhỏ, ông Nguyễn Thanh Châu sớm bộc lộ khả năng làm báo. Và cơ duyên đến với nghiệp báo chí và nghiệp ngân hàng của ông đã cùng lúc xuất hiện khi năm 1956, ông được phân về Ngân hàng Trung ương phụ trách công tác tuyên truyền. Cùng một lúc ông viết cho cả hai tờ báo Tập san Ngân hàng và Tiền Việt Nam là tiền thân của Tạp chí Ngân hàng và Thời báo Ngân hàng ngày nay.
Kể với chúng tôi những kỷ niệm sâu sắc trong nghề viết báo, ông Châu bắt đầu từ bài báo “Vấn đề vật giá và tiền tệ”. Thời điểm đó, ông mới 26 tuổi vừa chuyển về công tác ở Ngân hàng Trung ương được một năm. Thấy chàng thanh niên trẻ có khả năng viết lách, cố Tổng Giám đốc NHNN Lê Viết Lượng gọi vào phòng làm việc, giao cho viết một bài về vật giá và tiền tệ để giải thích cho người dân và trấn an dư luận. Bởi thời điểm đó giá cả hàng hóa tăng cao, người dân nghi ngờ đồng tiền đang mất giá. Viết xong, ông đánh liều gửi thẳng bản thảo lên Tổng Giám đốc. Ai ngờ cụ Lượng chỉ sửa một dòng rồi cho duyệt, và sau đó bài báo được đăng trang trọng trên tờ Độc lập.
Làm báo ở Ngân hàng Trung ương được hai năm, Nguyễn Thanh Châu xin chuyển sang bộ phận tín dụng nông nghiệp để bổ túc thêm các kiến thức chuyên ngành về tài chính – tiền tệ.
Và bắt đầu từ đó, song song với quá trình công tác ở Vụ tín dụng – NHNN Việt Nam (giai đoạn 1980-1988), Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (giai đoạn 1988-1992), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (giai đoạn 1993-1995), Ngân hàng MHB (giai đoạn 2002-2010), ông Châu đều đặn tham gia cộng tác viết báo cho hàng chục tờ báo và tạp chí trong nước như một chuyên gia ngành tài chính, vừa rành rẽ nghiệp vụ ngân hàng vừa thông thạo kỹ năng báo chí.
Tập sách “Ngân hàng – báo và tôi” mà ông vừa hoàn thiện bản thảo cho thấy trong suốt gần 60 năm công tác ở lĩnh vực tài chính – ngân hàng, ông đã viết khoảng hơn 200 bài báo. Nhiều trong số các bài báo ông viết có mức tính chuyên ngành đậm đặc, nhưng được truyền tải bằng ngôn ngữ bình dân, dễ đọc và dễ tiếp cận đối với độc giả phổ thông. Có thể kể đến một số bài tiêu biểu như: Tín dụng ngân hàng không phải là con dế mèn (Báo Người Lao động, 29/11/2006); Hạ lãi suất ngân hàng: Người mừng người lo (Báo Tài chánh và Thị trường, 10/1/1996); Đồng tiền vô tội (Thời báo Ngân hàng, 14/9/1994); Thượng đế và lợi nhuận (Tạp chí Tài chính và Thị trường, 10/1995)…
Như vậy, có thể nói với tư cách là một cán bộ kỳ cựu của ngành Ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Châu là một trong số ít những người có thời gian gắn bó với nghề báo dày dặn và liên tục. Trong suốt gần sáu chục năm làm tín dụng thì cũng là gần sáu chục năm ông chuyên tâm viết báo về lĩnh vực tài chính – tiền tệ. Và nếu cần bình chọn cho những nhà báo có thâm niên làm báo lĩnh vực ngân hàng lâu năm nhất có lẽ khó có thể bỏ sót nhà báo Nguyễn Thanh Châu.