“Nói hay” để chuyển tải sự thật
Thông tin báo chí là tư liệu đa chiều | |
Định vị thương hiệu trong dòng chảy thông tin |
Từ trước đến nay nhắc tới nghề văn, nghề báo nhiều người vẫn nghĩ đến câu cửa miệng: “Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”. Một số người có ác cảm với nghề báo còn dùng những câu khó nghe, như: “Nhà báo nói láo ăn tiền” hoặc chế ra những câu tương tự kiểu như: “Nhà văn nói láo, nhà báo nói phét”, “Nhà văn nói láo, nhà báo nói điêu”…
Nhà báo không được hư cấu
Lần tìm các từ điển từ ngữ tiếng Việt nói chung và từ điển tục ngữ - thành ngữ tiếng Việt nói riêng mới thấy, đến thời điểm hiện nay, những câu như: “Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”, “Nhà báo nói láo ăn tiền”… chưa được ghi nhận và giải nghĩa.
Tuy nhiên, căn cứ vào cấu trúc đối xứng của câu: “Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm” có thể hiểu rằng chữ “thêm” trong câu này là chữ đã được thay đổi so với câu gốc. Bởi tất cả các dị bản của câu nói trên, chữ “thêm” luôn dễ bị đổi thành các chữ như: “phét”, “điêu”, “mò”, “xạo”… là những chữ mang các nét nghĩa tiêu cực, chế giễu. Trong khi các chữ khác trong câu hầu như không có sự thay đổi.
Quan sát kỹ hơn, sở dĩ chữ “thêm” dễ bị thay đổi trong câu nói kể trên nguyên nhân là vì sự hiểu sai nghĩa của chữ “láo”. Trong vế đầu của câu nói, chữ “láo” thường bị hiểu là “không đúng sự thật”. Chính vì vậy, người ta dễ dàng thay chữ “thêm” bằng các chữ có nét nghĩa tiêu cực. Và câu nói được hiểu với ý nghĩa rằng cả nhà văn và nhà báo đều là những người nói sai sự thật, nói láo, nói phét.
Thực ra, hiểu chữ “láo” với ý nghĩa là “không đúng sự thật” cũng không sai nhưng trong trường hợp này là không đủ. Nghề viết văn là nghề sáng tạo. Nhà văn dùng chất liệu từ cuộc sống để sáng tạo ra nhân vật và tác phẩm. Chính vì vậy, những câu chuyện, những nhân vật trong tác phẩm văn học được điển hình hóa và không hoàn toàn có nguyên mẫu ở ngoài đời.
Vì vậy trong lý luận văn học người ta cho rằng hư cấu chính là thiên chức của nhà văn. Một nhà văn càng giỏi thì “trình độ” hư cấu cũng càng cao. Theo đó, họ sáng tạo ra nhiều nhân vật điển hình, dù không có thật nhưng lại bước ra từ trang sách một cách rất thật.
Những “chị Dậu”, “chí Phèo” của Nam Cao, Ngô Tất Tố; những “Xuân tóc đỏ”, “mụ Phó Đoan” của Vũ Trọng Phụng; những “Pavel Korchagin”, “A.Q” của Ostrovsky và Lỗ Tấn… là những nhân vật như thế. Tất cả đều do nhà văn “bịa” ra nhưng lại tồn tại trong lòng độc giả rất lâu bền, sâu đậm vì chúng đại diện cho những tính cách, số phận có thật, phổ biến trong xã hội.
Với lý luận như trên, câu khẩu ngữ “nhà văn nói láo” thực tế phải được hiểu là một mệnh đề mang tính xác định giữa chủ thể và thuộc tính: đã là nhà văn thì phải “nói láo”, phải hư cấu, sáng tạo ra nhân vật và tác phẩm, chứ không thể hiểu “nhà văn nói láo” theo hướng tiêu cực, dè bỉu đối với nghề viết văn.
Báo chí tồn tại và cạnh tranh
Khi xác định được ý nghĩa của vế đầu như vậy, theo nguyên tắc đối xứng của ngôn ngữ, có thể kéo theo vế thứ hai là vế nói về thiên chức của nhà báo. Thiên chức của nhà báo không thể nào là “nói thêm” hay “nói xạo”, “nói phét” mà phải là “nói hay” như một trong số dị bản của câu khẩu ngữ này ghi nhận, nhưng hiện nay ít người hiểu và sử dụng.
Chữ hay trong câu khẩu ngữ kể trên không phải được dùng với ý nghĩa trái ngược với chữ “dở” mà được dùng với ý nghĩa: “biết là có điều nào đó đã xảy ra”. Ví dụ mọi người vẫn hay dùng các từ, ngữ như: “hay tin”, “làm đến đâu hay đến đó”, “nói cho mà hay”…
Cũng giống như “nhà văn nói láo”, “nhà báo nói hay” ở đây chính là một mệnh đề mang tính xác định giữa chủ thể và thuộc tính. Đã là nhà báo thì phải “nói hay”, nói đúng sự thật về những việc đã và đang diễn ra để người đọc cùng biết bản chất, ngóc ngách và các góc độ của vấn đề.
Nhà văn thì có thể hư cấu, sáng tạo để tạo nên nhân vật và tác phẩm văn chương, nhưng nhà báo thì ngược lại, không thể bịa thông tin, không thể thêm thắt, cắt xén hoặc che giấu bằng những ý đồ cá nhân. Một nhà báo giỏi phải là một nhà báo biết “nói hay”- tức là biết cách kể và thông tin về sự thật cho người khác, đồng thời luôn coi “nói hay” là thiên chức của mình.
Phân tích dông dài về chữ “láo”, chữ “hay” trong nghề văn và nghề báo như ở trên để thấy rằng, từ xưa đến nay mỗi nghề nghiệp đều có những thiên chức nhất định. Đi chệch với thiên chức của mình, người làm nghề sẽ tự đào thải mình khỏi môi trường nghề nghiệp và không còn nhiều giá trị trong sự phân công xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh sự phát triển nhanh, mạnh của các tờ báo chính thống (cả báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử) thì nhờ vào sự phát triển của mạng internet và công nghệ số, mạng xã hội cũng đang ở thời điểm cực thịnh. Ngay trong lúc này, cuộc chiến thông tin diễn ra mãnh liệt. Những thống kê cho thấy rằng, hơn 1/3 dân số Việt Nam hiện nay tức khoảng hơn 33 triệu người dùng internet và trong số đó khá đông tham gia mạng xã hội.
Nếu coi mỗi trang facebook, blog cá nhân là một tòa soạn báo độc lập, có sự kết nối, tương tác với hàng triệu triệu độc giả thì sức lan tỏa của những thông tin phát ra từ các “tòa soạn nhỏ” này đang ở mức cực lớn. Trong bối cảnh đó, để tồn tại và cạnh tranh được về vị trí xã hội, nhà báo, người viết báo không còn cách nào khác là phải tập trung vào chất lượng thông tin.
Ngay lúc này yêu cầu “nói hay” trở thành một yêu cầu bức thiết mang tính sống còn với nghề báo. Nếu nhà báo vì bất cứ động cơ gì mà không viết đúng sự thật thì cộng đồng mạng xã hội sẽ nhanh chóng phản biện, nhanh chóng “bóc mẽ” sự thật. Người viết báo lúc đó không còn giữ được thiên chức: “nói cho thiên hạ biết” của mình và bị xem thường, bị đào thải, bị coi khinh là “nói thêm, nói xạo”, không còn được người đọc, người nghe tin tưởng.
Nhà báo lúc đó sẽ như những người làm nghề xe ôm, taxi truyền thống sẽ bị đội ngũ ngàn ngàn, triệu triệu những tài xế xe ôm, tài xế taxi mới của Grab và Uber chiếm mất khách hàng mà không có cách nào níu giữ. Và như thế, việc bị đào thải khỏi nghề báo sẽ không còn xa với những người viết báo theo kiểu nói thêm, nói chệch.
Hơn lúc nào hết, nếu lúc này câu khẩu ngữ: “nhà báo nói hay” còn tiếp tục bị người đời chế thành “nhà báo nói thêm” thì sẽ là một điều tệ hại mà bất cứ người cầm bút nào cũng phải lưu tâm khi đặt bút viết bất cứ điều gì. Bởi nếu chểnh mảng với ngòi bút của mình, nghề báo và nhà báo sẽ tự đánh mất sự tôn nghiêm và uy tín xã hội dành cho mình, đánh mất thiên chức cao cả của một ngành nghề có bề dày lịch sử và được tôn xưng là quyền lực.