Thông tin báo chí là tư liệu đa chiều
Định vị thương hiệu trong dòng chảy thông tin | |
Báo chí chống tham nhũng, lãng phí: Dấn thân và quả cảm |
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, trong nhiều năm nay kỳ họp Quốc hội lần đầu tiên trong năm thường diễn ra trùng với dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6). Năm nay cũng không ngoại lệ, phiên bế mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV diễn ra đúng ngày kỷ niệm 92 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Tất nhiên các phóng viên nghị trường và đại biểu Quốc hội đã “khởi động” ngày kỷ niệm này từ sớm, với những tâm sự về truyền thống của đội ngũ làm báo; về những khó khăn trong bối cảnh sức ép cạnh tranh thông tin báo chí; hay đánh giá về đóng góp của báo chí đối với xã hội.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội trong “vòng vây” của báo chí tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV |
Cầu nối thông tin quan trọng
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hậu Giang, đội ngũ những người làm báo của chúng ta trong thời gian qua đã có những bước trưởng thành lớn, khẳng định được vai trò, trách nhiệm, tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh… của đất nước. Báo chí cũng đã đi vào phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có cả những mặt trái của xã hội; mạnh dạn đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, phản ánh các vụ việc tiêu cực...
Diễn đàn Quốc hội, hay các hoạt động của cơ quan dân cử thông qua báo chí đã truyền tải được các chủ trương, quyết sách của Quốc hội, ý kiến nhiều chiều từ nghị trường đến cử tri cả nước. Ở chiều ngược lại, báo chí cũng phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, từ đó đại biểu soi xét lại, hoàn thiện, xây dựng chính sách, pháp luật sao cho thuyết phục hơn.
Đặc biệt, tại diễn đàn Quốc hội có những dự án luật, nghị quyết ở nhiều lĩnh vực khác nhau thì báo chí cũng là một kênh thông tin để đại biểu tham khảo, một “tài liệu” quan trọng.
Chẳng hạn những tờ báo như Thời báo Kinh tế Việt Nam, Thời báo Ngân hàng… thường xuyên có nhiều bài viết, phân tích về tình hình kinh tế, tài chính, ngân hàng và qua các bài viết đó đại biểu Quốc hội tiếp cận được nhiều chiều của thông tin, có cái nhìn toàn diện hơn và sâu sắc hơn trong xây dựng chính sách, pháp luật với lĩnh vực kinh tế.
Đánh giá thêm về sự tương hỗ giữa báo chí với Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, hoạt động báo chí là cầu nối quan trọng giữa Quốc hội, các đại biểu Quốc hội với nhân dân, cử tri và với toàn xã hội. Ở đây, theo ông, báo chí không chỉ hoàn thành sứ mệnh “cánh chim báo tin” mà còn như “thần đưa tin”. Vì các thông tin từ nghị trường tới bạn đọc bao giờ cũng cần nhanh nhạy.
Có thể thấy rõ, từng các trang báo “chở” đầy thông tin nhiều chiều từ Quốc hội và đang được người dân theo dõi hàng ngày, hàng giờ, bởi họ rất chờ đợi sự quyết sách trong nghị trường. Nên có thể nói công lao của báo chí là rất lớn với việc thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật, chính sách… Thậm chí, báo chí còn giúp cho các cử tri, nhân dân giám sát được trực tiếp các vấn đề xây dựng và thực thi chính sách…
Phải xem bạn đọc là khách hàng
Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), nhìn đại cục thì báo chí vừa qua thể hiện vai trò phát hiện rất tốt đối với các vấn đề còn hạn chế, tồn tại, sai trái trong xã hội, và đó thực sự là góc độ báo chí cách mạng. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện những biểu hiện “không trong sáng” giữa báo chí với DN và với cá nhân nào đó, dù nó giống như “con sâu làm rầu nồi canh”.
“Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao cho báo chí phát huy được thế mạnh quyền ngôn luận của mình? Theo tôi, các cơ quan quản lý một mặt cần siết lại các biểu hiện vi phạm để ngăn chặn, không cho một vài cá nhân làm ảnh hưởng tới nền báo chí cách mạng; đồng thời mặt khác cũng phải tạo điều kiện tối đa cho báo chí tác nghiệp, để các cơ quan ngôn luận truyền tải kịp thời những thông tin chính xác, minh bạch nhất đến công chúng, tạo sự đồng thuận trong xã hội”, đại biểu Vân nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy bổ sung, đa số báo chí tuân thủ theo pháp luật và tôn chỉ mục đích của báo chí, nhưng vẫn có một số tờ báo để xảy ra sơ suất về nguồn thông tin mà nguyên nhân có lẽ do họ chạy theo câu view, giật gân, sự cạnh tranh thông tin. Vì vậy, tới đây cơ quan quản lý báo chí cần có sự chấn chỉnh hiện tượng này.
Chia sẻ với các cơ quan báo chí trước áp lực không được bao cấp, nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai cho rằng: “Báo chí phải theo xu thế thị trường, đó là một thực tế vì bạn đọc cũng là khách hàng”.
Đồng thời ông cho rằng, quảng cáo cũng là một phương thức tìm kiếm nguồn thu để duy trì tồn tại của rất nhiều cơ quan báo chí. Nhưng từ việc tuyên truyền, nếu chúng ta góp phần cho nền kinh tế phát triển thì chúng ta cũng được hưởng lợi. Và điều đó phụ thuộc vào uy tín của mỗi tờ báo.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ thêm: Nếu nhìn báo chí ở góc độ là một đơn vị kinh tế, một DN thì chúng ta phải thay đổi và nâng cao chất lượng, không có cách nào khác là phải đưa tin nhanh nhất, chính xác và hấp dẫn người đọc một cách lành mạnh.
Vai trò báo chí trong đấu tranh chống tiêu cực cũng nên được tính vào hiệu quả kinh tế đem lại, từ đó báo chí được cung cấp một khoản tài chính nào đó để thực hiện vai trò này. Ví dụ phát hiện ra hành vi tham nhũng, lãng phí và ngăn chặn được, không bị tổn thất về kinh tế, thì báo chí cũng cần được có một khoản tiền thưởng... Nhà sử học Dương Trung Quốc |