Ericsson: Thuê bao 5G trên toàn cầu đạt 190 triệu vào cuối năm 2020
Dữ liệu băng thông rộng tăng vọt trong đại dịch Covid-19 | |
Ericsson ra mắt các dịch vụ mạng mới dựa trên AI |
Báo cáo cũng đưa ra nhận định chuyên sâu về vai trò của các hệ thống mạng cùng hạ tầng kỹ thuật số trong việc duy trì xã hội vận hành ổn định và các gia đình được kết nối trong đại dịch COVID-19.
Fredrik Jejdling, Phó chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc bộ phận các Hệ thống mạng, Ericsson, cho biết: “Sự lây lan của COVID-19 đã làm đảo lộn cuộc sống hàng ngày của người dân trên toàn thế gới, và nhiều người trong số họ đã chuyển sang làm việc hay học tập từ nhà. Điều này đã dẫn tới sự dịch chuyển nhanh chóng của lưu lượng mạng từ khu vực doanh nghiệp sang khu vực dân cư. Bản Báo cáo Di động Ericsson mới nhất này chỉ ra rằng các hệ thống mạng di động và cố định đang ngày càng có vai trò lớn hơn trong cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng”.
Trong khi tăng trưởng thuê bao 5G tại một vài thị trường đang giảm sút do ảnh hưởng của đại dịch, thì một số thị trường khác lại trở thành hiện tượng với tốc độ tăng vọt, khiến Ericsson nâng dự báo cuối năm 2020 của hãng về số thuê bao 5G trên toàn cầu.
“Không chỉ đo lường sự thành công của 5G trong số lượng thuê bao, tác động của nó cuối cùng sẽ được đánh giá dựa trên những lợi ích mà nó mang tới cho người dân và doanh nghiệp. 5G luôn hướng tới sự sáng tạo, đổi mới và cuộc khủng hoảng đại dịch này đã làm nổi bật giá trị đích thực của kết nối cùng vai trò của nó trong quá trình tái khởi động các nền kinh tế,” ông Jejdling bổ sung.
Ông Denis Brunetti, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, chia sẻ: “Trong giai đoạn đầu giới thiệu 5G tại Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng 5G được sử dụng để quản lý dung lượng, tốc độ và chất lượng mạng tại các khu vực đô thị với băng thông di động tăng cường để đáp ứng nhu cầu lưu lượng tăng trưởng mạnh. Theo thời gian, những sáng tạo ấn tượng mới của 5G cho doanh nghiệp sẽ đi kèm với những ứng dụng IoT bởi 5G mở ra các cơ hội cho các nhà mạng để số hóa các ngành công nghệp, bao gồm y tế, sản xuất, ô tô và năng lượng, dịch vụ công”.
Giá trị của hạ tầng số hóa
Những thay đổi hành vi do thực hiện những hạn chế/giãn cách xã hội đã gây ra những thay đổi có thể đo lường được trong việc sử dụng cả mạng cố định và di động. Phần gia tăng lưu lượng lớn nhất đến từ các mạng dân cư cố định với mức tăng từ 20 đến 100 phần trăm. Nhưng nhiều nhà mạng cũng chứng kiến nhu cầu tăng đột biến trên mạng di động của họ.
Trong một nghiên cứu gần đây được tiến hành bởi Ericsson Consumer Lab, 83% số người được hỏi đến từ 11 quốc gia cho rằng ICT (công nghệ thông tin – truyền thông) đã giúp họ rất nhiều để ứng phó với tình trạng cách ly/giãn cách xã hội. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc ứng dụng và sử dụng các dịch vụ ICT ngày càng tăng, ví dụ như những ứng dụng học tập và chăm sóc sức khỏe trực tuyến, đã giúp người tiêu dùng thích nghi với những thực tế mới nhờ có kết nối thông suốt.
Về dự định tương lai, trong khi 57% cho rằng họ sẽ tiết kiệm tiền để đảm bảo tài chính, thì một phần ba người được hỏi lên kế hoạch đầu tư vào kết nối 5G và băng rộng tăng cường tại nhà để chuẩn bị tốt hơn cho khả năng đợt COVID-19 thứ hai.
Những nhận định chuyên sâu của Báo cáo EMR khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương: Vào năm 2025, 5G được dự báo là công nghệ di động phổ biến thứ 2 trong khu vực, chỉ sau công nghệ LTE, với hơn 270 triệu thuê bao và chiếm khoảng 20% trong tổng số thuê bao di động.
Lưu lượng dữ liệu trên mỗi smartphone trong khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương được kỳ vọng đạt tới 25GB vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 33%. Tổng lưu lượng di động của khu vực Đông Nam Á dự kiến tăng từ 3.2EB/tháng lên tới 25 EB/tháng, tốc độ tăng trưởng CAGR đạt 40%.