Fed cho rằng nên tiếp tục giữ nguyên lãi suất
Fed lạc quan về kinh tế Mỹ, song cảnh báo nhiều rủi ro | |
Chủ tịch Fed San Francisco cho rằng lãi suất hiện tại đặt nền kinh tế Mỹ vào điều kiện tốt để vượt bão |
Quan điểm trên được đưa ra là trái ngược với các chuyên gia tài chính trên thị trường, những người gần như chắc chắn rằng sẽ có ít nhất một lần hay thậm chí là hai lần cắt giảm lãi suất chính sách trong năm nay.
Nhóm hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương đã bỏ phiếu tại cuộc họp ngày 28-29/1 cho phép lãi suất qua đêm chuẩn giữ nguyên trong phạm vi từ 1,5% đến 1,75%. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh các thành viên FOMC lưu ý rằng triển vọng của nền kinh tế mạnh mẽ hơn dự báo trước đó, từng được đưa ra vào tháng 12.
Tại cuộc họp hôm thư Tư, các quan chức FOMC đã đưa ra một số đề cập về những rủi ro có thể có từ dịch virus corona (Covid-19), sự lây lan của dịch bệnh này đã trở thành một vấn đề đang được quan tâm tại thời điểm diễn ra cuộc họp.
Họ dự kiến tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục với tốc độ vừa phải, và được hỗ trợ bởi các điều kiện tài chính và tiền tệ hiện nay, theo biên bản.
Ngoài ra, bất ổn thương mại đã giảm dần trong thời gian gần đây và tăng trưởng toàn cầu có dấu hiệu ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn về triển vọng, trong đó có rủi ro chịu tác động từ sự bùng phát của dịch Covid-19.
Báo cáo cũng cho biết: "Giữ nguyên lãi suất sẽ giúp Ủy ban có thời gian đánh giá đầy đủ hơn về các hiệu ứng tiếp theo đối với hoạt động kinh tế do những quyết định chính sách linh hoạt đã đưa ra vào năm ngoái. Đồng thời cũng cho phép các nhà hoạch định chính sách có nhiều thêm thông tin để đánh giá về triển vọng kinh tế".
FOMC đã cắt giảm lãi suất ba lần vào năm 2019 và giữ nguyên trong hai cuộc họp chính sách trước lần họp gần đây nhất. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư gần đây vẫn nhận định có nhiều khả năng lãi suất sẽ được cắt giảm một lần vào tháng 9 và tỷ lệ 50-50 nhận định sẽ có thêm lần cắt giảm lãi suất nữa vào cuối năm nay, nhưng biên bản cuộc họp mới đây lưu ý rằng "lập trường chính sách tiền tệ hiện tại là phù hợp với thực tế".
Những rủi ro: Thương mại, lạm phát
Tại cuộc họp, các quan chức FOMC cũng lưu ý đến các rủi ro. Mặc dù tuyên bố rằng việc giảm bớt căng thẳng thương mại sẽ giúp ích cho nền kinh tế, nhưng một số thành viên cho biết họ nghĩ rằng thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động tương đối hạn chế, vì nhiều mức thuế vẫn còn và căng thẳng có thể bùng phát lại bất cứ lúc nào.
Biên bản cuộc họp cũng cho biết, chính sách sẽ vẫn được điều hành linh hoạt nếu điều kiện thay đổi.
Ngoài các cuộc thảo luận về các vấn đề ngắn hạn, cuộc họp còn có một đánh giá liên tục về định hướng chính sách dài hạn. Các thị trường đã theo dõi thông tin liên quan của Fed về dấu hiệu lạm phát - cụ thể là cách ngân hàng trung ương sẽ làm để đạt mục tiêu lạm phát tăng 2%.
Các thành viên đã thảo luận về ba kịch bản liên quan đến lạm phát, cho thấy Fed sẽ sẵn sàng "chịu đựng" mức tăng hoặc giảm dưới mục tiêu trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, tuyên bố sau cuộc họp đã điều chỉnh ngôn ngữ để chỉ ra rằng Fed muốn lạm phát quay trở lại mức 2% chứ không phải là gần với mục tiêu đó như các tuyên bố trước đây.
Biên bản cuộc họp tuyên bố rằng Fed có thể sẽ hoàn thiện chiến lược của mình vào giữa năm.
Trong đó, một phần tập trung vào việc xem xét các can thiệp chính sách của ngân hàng trung ương trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính có tạo ra sự bất ổn hay không. Các nhà kinh tế của Fed cho biết việc giảm lãi suất xuống gần bằng 0 đã có tác động khiêm tốn đối với giá tài sản như cổ phiếu, mặc dù thị trường đã có đợt tăng giá dài nhất trong lịch sử trùng với việc cắt giảm lãi suất và hoạt động mua trái phiếu làm bảng cân đối của ngân hàng trung ương mất cân bằng, có lúc đã vượt quá 4,5 nghìn tỷ đô la.