Fed lạc quan về kinh tế Mỹ, song cảnh báo nhiều rủi ro
Chủ tịch Fed San Francisco cho rằng lãi suất hiện tại đặt nền kinh tế Mỹ vào điều kiện tốt để vượt bão | |
Nỗi lo suy thoái lại trỗi dậy | |
10 sự kiện kinh tế nổi bật 2019 |
Kinh tế vững chắc
Sự mở rộng của kinh tế Mỹ hiện đã bước sang năm thứ 11, chuỗi thời gian tăng trưởng dài nhất của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong nửa cuối năm 2019, “kinh tế Mỹ vẫn vững vàng trước những cơn gió ngược trên toàn cầu đã mạnh lên vào mùa hè năm ngoái” khi mà các hoạt động kinh tế vẫn mạnh và thị trường lao động tiếp tục được cải thiện, Jerome Powell nói trong bài phát biểu trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ.
Đặc biệt, tốc độ tăng việc làm đã “vượt lên mức cần thiết để cung cấp việc làm cho những người lao động mới gia nhập lực lượng lao động”, qua đó làm giảm tỷ lệ thất nghiệp. “Người sử dụng lao động ngày càng sẵn sàng thuê những người lao động có ít kỹ năng hơn và đào tạo họ”, ông nói và cho biết, điều đó có nghĩa là lợi ích của một thị trường lao động mạnh hơn đã được chia sẻ rộng rãi hơn.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng chính sách tiền tệ hiện nay vẫn phù hợp |
Những nhận xét của ông nhắc lại bản báo cáo chính thức mà Fed đã đệ trình lên Quốc hội vào thứ Sáu tuần trước, trong đó lặp lại quan điểm của Ngân hàng Trung ương Mỹ rằng, phạm vi mục tiêu hiện tại của Fed về chi phí vay ngắn hạn từ 1,50% đến 1,75% là phù hợp để duy trì đà tăng trưởng tiếp tục. Bản báo cáo này cũng lặp lại phần lớn tuyên bố chính sách từ cuộc họp chính sách tháng Giêng của Fed.
Trong bối cảnh những rủi ro hiện tại, như sự không chắc chắn của chính sách thương mại, đang giảm dần và tăng trưởng toàn cầu ổn định, Chủ tịch Fed cho rằng ông không thấy có lý do gì để điều chỉnh lãi suất của Mỹ trừ khi có những biến động bất thường làm thay đổi triển vọng hiện tại. “FOMC tin rằng lập trường hiện tại của chính sách tiền tệ sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế tiếp tục, thị trường lao động mạnh mẽ và lạm phát trở lại với mục tiêu 2% đối xứng của Ủy ban”, Powell nói.
Ông cũng bảo vệ kế hoạch của Fed, được công bố vào tháng 10 năm ngoái, nhằm giảm bớt sự căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng và kiểm soát lãi suất quỹ liên bang bằng cách mua tín phiếu Kho bạc và bơm thanh khoản thông qua hoạt động repo. “Các biện pháp kỹ thuật này hỗ trợ cho việc thực thi chính sách tiền tệ hiệu lực và hiệu quả”, ông nói, “và nó không có ý định đại diện cho một sự thay đổi trong quan điểm của chính sách tiền tệ”.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Mặc dù thị trường lao động Mỹ tiếp tục được cải thiện song Chủ tịch Fed cũng cảnh báo có một số dấu hiệu đáng lo ngại, bao gồm sự chênh lệch giữa các nhóm chủng tộc và dân tộc; hay tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của các cá nhân trong những năm làm việc chính của họ thấp hơn so với hầu hết các nền kinh tế tiên tiến khác.
Bên cạnh đó, tăng năng suất “vẫn dưới mức trung bình trong suốt quá trình mở rộng kinh tế này”. Trong khi các nhà kinh tế cảnh báo, năng suất yếu đang làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp của Mỹ và có thể khiến các doanh nghiệp vốn đã cắt giảm chi tiêu vốn nay sẽ phải thận trọng về việc tuyển dụng. Vì vậy theo Powell, việc tìm cách để thúc đẩy sự tham gia của lực lượng lao động và tăng năng suất “vẫn nên là ưu tiên hàng đầu của quốc gia”.
Một mối lo nữa là đầu tư kinh doanh và xuất khẩu đã yếu trong nửa cuối năm 2019, sau những tranh chấp với các đối tác thương mại lớn. Sản lượng nhà máy cũng giảm vì lý do tương tự. Trong khi lạm phát tổng thể dựa trên chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) chỉ ở mức 1,6% trong năm 2019, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Tuy nhiên Powell vẫn hy vọng lạm phát nó sẽ tiến gần hơn tới mục tiêu của Fed trong những tháng tới.
Powell cũng cảnh báo về sự gia tăng của thâm hụt ngân sách liên bang, dự đoán sẽ đạt hơn 1 nghìn tỷ USD vào năm 2020 mặc dù nền kinh tế tương đối mạnh, mà nguyên nhân chính là do chính sách cải cách thuế của Chính quyền Trump đã làm giảm thu. “Đưa ngân sách liên bang vào con đường bền vững khi nền kinh tế mạnh sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách có dư địa sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ ổn định nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái”, ông nói.
Ngoài ra sự bùng phát của virus corona tại Trung Quốc đang tác động tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc và gây gián đoạn trong hoạt động du lịch và thương mại toàn cầu cũng là một rủi ro rất đáng quan ngại. “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ sự xuất hiện của dịch bệnh do virus corona, bởi điều này có thể dẫn đến sự gián đoạn ở Trung Quốc và lan sang phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu”, Powell nói.