Ga Nam Định: Mắt xích chiến lược trong dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Hình ảnh 3D mô phỏng dự án đường sắt cao tốc |
Mắt xích chiến lược không thể bỏ qua
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được xây dựng với các mục tiêu rõ ràng. Thứ nhất, thúc đẩy kết nối vùng, tăng cường giao thông giữa các khu vực dân cư đông đúc, đặc biệt là những nơi không thuận lợi với hàng không như Nam Định.
Thứ hai, bổ sung, không cạnh tranh với hàng không. Trong khi hàng không phục vụ các hành trình dài giữa hai đầu đất nước, đường sắt tốc độ cao đóng vai trò liên kết các tỉnh lân cận với thời gian di chuyển ngắn và tiện lợi hơn.
Thứ ba, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Giảm chi phí vận tải, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa và hành khách, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, chúng ta không thiết kế tuyến đường sắt tốc độ cao để cạnh tranh với hàng không, mà để tạo ra một hệ thống giao thông bổ trợ cho nhau. Điều này sẽ giúp tăng hiệu quả kết nối các vùng dân cư đông đúc và không thuận lợi trong tiếp cận hàng không.
Về lợi ích đối với các khu vực đông dân cư. Đường sắt tốc độ cao không chỉ mang ý nghĩa rút ngắn khoảng cách địa lý mà còn cải thiện khả năng tiếp cận của người dân, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Hồng – nơi có mật độ dân số cao và nhu cầu vận chuyển lớn. Điều này cho thấy việc kết nối ga Nam Định, một trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực, là một yêu cầu khách quan.
Các chuyên gia kinh tế đã khẳng định vai trò chiến lược của Nam Định trong dự án. Từ yếu tố lịch sử, Nam Định là điểm kết nối chiến lược từ thời Pháp thuộc. Tuyến đường sắt Bắc - Nam từ thời Pháp thuộc đã được thiết kế đi qua thành phố Nam Định. Lý do của sự lựa chọn này nằm ở vị trí địa lý chiến lược của Nam Định, nơi được xem là trung tâm kinh tế và giao thông của vùng châu thổ sông Hồng.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích: “Người Pháp đã thiết kế tuyến đường sắt vòng qua Nam Định để khai thác tối đa tiềm năng của khu vực này. Đó là một lựa chọn có căn cứ lịch sử và giá trị thực tiễn vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay”
Nam Định ngày nay giữ vai trò là trung tâm tiểu vùng phía Nam đồng bằng sông Hồng, kết nối các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam và Ninh Bình. Dân số dự kiến đến năm 2040 đạt 600.000 người, vùng hấp dẫn của thành phố lên tới 4 triệu dân, với nhu cầu đi lại, vận chuyển rất lớn. Theo dự báo, đến năm 2050, ga Nam Định có thể phục vụ gần 3 triệu lượt khách/năm.
Việc loại bỏ ga Nam Định không chỉ làm giảm hiệu quả vận hành của tuyến đường sắt mà còn làm tăng chi phí di chuyển của người dân. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tính toán rằng, nếu ga Nam Định không được xây dựng, chi phí di chuyển từ trung tâm thành phố đến các ga khác như Phủ Lý hoặc Ninh Bình có thể tăng thêm 1.632,96 triệu USD trong vòng đời dự án.
Lợi ích kinh tế - xã hội khi giữ lại ga Nam Định
Về hiệu quả kinh tế, việc đầu tư ga Nam Định sẽ làm tăng chi phí đầu tư thêm 476,33 triệu USD và chi phí vận hành thêm 20,36 triệu USD trong 30 năm. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế lâu dài mà ga Nam Định mang lại vượt xa khoản chi phí này:
Cụ thể, tiết kiệm chi phí vận tải: Với vị trí gần trung tâm vùng, ga Nam Định sẽ giảm đáng kể chi phí vận chuyển hàng hóa và hành khách.
Không những thế, nó còn thúc đẩy phát triển đô thị. Ga Nam Định nằm trong quy hoạch đô thị phát triển theo mô hình TOD (phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng), giúp gia tăng giá trị sử dụng đất, đồng thời kích thích đầu tư vào khu vực.
Ngoài ra, còn giúp tăng cường kết nối liên vùng. Nam Định không chỉ kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Hồng mà còn là điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình. Việc giữ lại ga Nam Định sẽ góp phần cân bằng phát triển vùng, giảm bất bình đẳng giao thông giữa các khu vực.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu bỏ qua ga Nam Định để đạt mục tiêu rút ngắn thời gian từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh, chúng ta đang hiểu sai vai trò của đường sắt tốc độ cao. Tuyến đường sắt này cần phải kết nối các điểm dân cư đông đúc, đặc biệt là nơi không thuận lợi tiếp cận hàng không.
Bộ GTVT đã thống nhất giữ nguyên hướng tuyến qua Nam Định trong phương án trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tuy nhiên, Bộ cũng đề xuất tinh chỉnh vị trí ga để giảm chi phí đầu tư mà vẫn đảm bảo hiệu quả kết nối.
Phía UBND tỉnh Nam Định thì kiên quyết giữ lại ga vì cho rằng việc loại bỏ ga Nam Định sẽ phá vỡ quy hoạch tổng thể của tỉnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng khẳng định ga Nam Định phù hợp với quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh.
Mặc dù hướng tuyến qua Nam Định được giữ nguyên, nhưng vị trí cụ thể của ga có thể sẽ được tinh chỉnh để tối ưu hóa chi phí đầu tư và vận hành.
Việc phát triển đô thị quanh ga giúp tỉnh này đẩy mạnh phát triển đô thị theo mô hình TOD, tạo điều kiện cho các khu vực dân cư, thương mại và công nghiệp quanh ga phát triển, tăng cường hiệu quả kinh tế của dự án.
Ngoài ra còn giúp giảm thiểu tác động môi trường. Đảm bảo xây dựng và vận hành tuyến đường sắt tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đồng thời giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái tự nhiên và xã hội.
Các chuyên gia cho rằng, Ga Nam Định là một mắt xích quan trọng, không thể thay thế trong tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Giữ lại ga không chỉ là tôn trọng giá trị lịch sử mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống giao thông quốc gia. Đây không chỉ là quyết định về kỹ thuật mà còn mang ý nghĩa kinh tế, xã hội và chiến lược sâu sắc.
Đại biểuQuốc hội Hoàng Văn Cường khẳng định: Không có lý do gì bỏ qua ga Nam Định trong tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Việc giữ lại ga sẽ góp phần biến dự án này trở thành một biểu tượng cho sự phát triển cân bằng và tiến bộ của Việt Nam.