Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa
Thị trường hàng hóa: Giá cacao giảm sâu về mức thấp nhất trong 1 tháng Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt lao dốc |
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa |
Giá bạch kim tăng mạnh do nỗi lo thiếu hụt nguồn cung
Kết thúc ngày giao dịch 26/6, sắc đỏ xanh đan xen trên bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc tăng nhẹ 0,22% lên 29,25 USD/oz.
Giá mặt hàng này liên tục biến động trong biên độ hẹp trong những phiên gần đây khi thị trường thận trọng chờ đợi những dữ liệu kinh tế vĩ mô mới. Trong đó đặc biệt là dữ liệu tăng trưởng GDP quý I của Mỹ công bố vào thứ Năm (27/6) và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) công bố vào thứ Sáu (28/6). Cả hai số liệu này đều ảnh hưởng đến kỳ vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tác động lên diễn biến giá kim loại quý.
Cùng chung diễn biến, giá bạch kim lại bật tăng hơn 3% lên 1,036.2 USD/oz trong phiên hôm qua do nỗi lo thiếu hụt nguồn cung gia tăng. Đây cũng là phiên tăng giá mạnh nhất của giá bạch kim trong gần hai tháng qua.
Reuters dẫn nguồn tin từ Sibanye Stillwater - một trong những công ty khai thác bạch kim hàng đầu thế giới - cho biết họ có thể kết thúc một thỏa thuận cung cấp bạch kim trong quý III. Hơn nữa, họ cảnh báo rằng họ có thể phải đóng cửa một số mỏ khai thác ở Mỹ để cắt giảm chi phí.
Trước đó, công ty này cùng với một số đối thủ lớn khác như Anglo American Platinum và Impala Platinum đã phải cắt giảm hàng nghìn việc làm và tạm dừng đầu tư cho các dự án mới. Những động thái này có thể khiến hoạt động khai thác bạch kim bị gián đoạn và gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong tương lai.
Đối với kim loại cơ bản, giá quặng sắt tăng mạnh nhất nhóm khi tăng 3,21% lên 106,64 USD/tấn, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất của mặt hàng này trong gần hai tháng trở lại đây.
Quặng sắt vốn là mặt hàng nhạy cảm với các kích thích kinh tế của Trung Quốc. Do vậy, kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục tung ra nhiều biện pháp để vực dậy nền kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy thị trường bất động sản đang chìm trong khủng hoảng đã thúc đẩy giá sắt đã bật tăng mạnh trong phiên hôm qua. Theo một tuyên bố của chính quyền địa phương, Bắc Kinh hôm thứ Tư đã hạ tỷ lệ trả trước tối thiểu cho người mua nhà lần đầu xuống không dưới 20%.
Ở chiều ngược lại, nhu cầu tiêu thụ yếu tiếp tục gây sức ép lên giá đồng. Chốt phiên, giá đồng COMEX giảm 0,09% về 9,627.58 USD/tấn. Tuy vậy, mức giảm đã thu hẹp hơn hẳn so với các phiên trước, do giá được hỗ trợ nhẹ bởi rủi ro thiếu hụt nguồn cung. Cụ thể, vào hôm qua, Codelco, công ty sản xuất đồng lớn nhất thế giới, cho biết họ chỉ sản xuất được 103.100 tấn đồng trong tháng 5, thấp hơn 8,6% so với mục tiêu đề ra.
Giá cà phê nối tiếp đà giảm
Kết thúc phiên giao dịch 26/7, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm. Trong đó, giá cà phê Arabica giảm 2,16% về mức 4,946 USD/tấn, giá cà phê Robusta giảm 1,41% về 4,059 USD/tấn. Sự mạnh lên của đồng USD, kết hợp cùng sự gia tăng của tồn kho trên Sở ICE khiến giá tiếp tục suy yếu.
Cụ thể, chỉ số đô la Mỹ tăng 0,41% trong phiên hôm qua, kéo theo tỷ giá USD/BRL tăng mạnh 1,24%. Chênh lệch tỷ giá giữa đồng Real và đồng USD trở lại mức cao nhất từ tháng 1/2022 đã kích thích tâm lý bán cà phê của nông dân Brazil nhờ thu về nhiều ngoại tệ hơn.
Cùng với đó, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đã tăng thêm 6.990 bao loại 60kg, lên 842.834 bao, là mức cao nhất kể từ tháng 1/2023. Ngoài ra, luỹ kế xuất khẩu cà phê từ đầu niên vụ 2023-2024 đến tháng 5 của Honduras đạt 3,6 triệu bao, tăng 4,2% so với cùng kỳ niên vụ 2022-2023. Dù vậy, thị trường Việt Nam vẫn thắt chặt với lượng tồn kho vào cuối tháng 5 ở mức 238.020 tấn, giảm 171.078 tấn so với một năm trước.
Ở một diễn biến khác, giá bông chỉ nhích nhẹ 0,14% lên 1,062 USD/tấn khi đồng USD mạnh lên làm hạn chế lực mua. Ngoài ra, thị trường cũng đang tập trung vào việc chờ đợi báo cáo diện tích quan trọng từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố cuối tuần này.
Hiện tại, các nhà phân tích trên thị trường đang ước tính diện tích trồng bông Mỹ năm 2024 trong khoảng 10,50 - 10,20 triệu hecta, trung bình khoảng 10,83 triệu hecta. Số liệu này cũng nhỉnh hơn so với mức 10,67 triệu hecta mà USDA dự báo hồi tháng 3.