Giảm áp lực nợ xấu để đồng hành cùng doanh nghiệp
Ngân hàng "tăng sức" đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 |
Tháo “gánh nặng” nợ xấu
Đi hết nửa chặng đường của năm 2021, giới chuyên gia vẫn đưa ra nhiều dự báo về việc kiểm soát nợ xấu sẽ khó khăn và là thách thức rất lớn đối với ngành ngân hàng. Trước nỗi lo về nợ xấu, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng khuyến nghị, bên cạnh việc tích cực xử lý nợ xấu, các ngân hàng cũng cần chủ động trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu.
Vì vậy, trong thời gian qua, các nhà băng đã không ngừng tăng trích lập dự phòng lo ngại tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã tăng trở lại.
Tại nhóm ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi phí dự phòng rủi ro 6 tháng đầu năm 2021 tăng 37% so với cùng kỳ 2020 lên 5.500 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) trích lập 8.456 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 28% so với cùng kỳ. Các ngân hàng nhỏ cũng tích cực trích lập như Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), chi phí dự phòng nợ xấu tăng 43% so với cùng kỳ lên 320 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tăng 44% lên 417 tỷ đồng…
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, đối với hoạt động tín dụng, theo quy định hiện hành, với mỗi đồng vốn cho vay ra các ngân hàng phải trích lập 0,75% dự phòng rủi ro chung, chưa kể các khoản dự phòng rủi ro cụ thể theo nhóm nợ. Đó là nguồn lực để các ngân hàng xử lý những rủi ro liên quan đến hoạt động cho vay. Do vậy, ngân hàng nào có tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu cao sẽ có nguồn lực đối ứng để xử lý nợ xấu tốt hơn…
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, nguy cơ đóng cửa, phá sản, rõ ràng duy trì và hạ tỷ lệ nợ xấu là một trong những giải pháp của nhiều ngân hàng. Đơn cử, Báo cáo tài chính bán niên năm 2021 của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) vừa công bố cho biết, nợ xấu hợp nhất chỉ chiếm khoảng 1,2% tổng dư nợ, giảm gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ giảm xuống thì nợ có khả năng mất vốn giảm 5,6% so với cùng kỳ, còn 972 tỷ đồng.
Đánh giá chung tình hình, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, nhờ tái cơ cấu kịp thời, “sức khoẻ” các ngân hàng được cải thiện, bảo đảm hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II, có ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro cao để sẵn sàng “phòng thủ” trước nợ xấu. Đây là quá trình nỗ lực lâu dài, trong đó có cả việc chịu sự dồn nén từ rất nhiều năm trước khi phải tích góp, thắt lưng buộc bụng để xử lý dự phòng rủi ro, bảo đảm đưa tỷ lệ nợ xấu xuống trong phạm vi cho phép và dành nhiều nguồn lực cho đầu tư công nghệ.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, giới chuyên gia cho rằng, cái khó của ngành Ngân hàng là vừa kiểm soát nợ xấu, vừa giữ vững an toàn của hệ thống nhưng vẫn hỗ trợ và xử lý được những khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của ngân hàng, nhiều doanh nghiệp yên tâm sản suất giữa mùa dịch |
Tăng sức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đại diện của một số ngân hàng đều đồng luận, kiểm soát chặt nợ xấu là nhiệm vụ thường trực, bởi ngân hàng yếu thì nền kinh tế sẽ yếu. Đặc biệt, với vai trò và trách nhiệm của mình, các ngân hàng luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn, giảm lợi nhuận để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Vì vậy, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, 16 ngân hàng thương mại lớn nhất hệ thống (chiếm 75% dư nợ) đã giảm lãi suất cho vay với các khoản dư nợ hiện hữu, tức là các khoản nợ mà doanh nghiệp đang vay ngân hàng (theo tính toán khoảng 6,8 triệu tỷ đồng). Điểm khác biệt của đợt giảm lãi suất lần này so với những lần trước là sẽ có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính được miễn giảm hơn. Và sau hơn 2 tuần, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,5-2%/năm.
Theo đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ước tính sẽ dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng từ nay đến hết ngày 31/12/2021.
Phía Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc cho biết, trong đợt giảm lãi suất mới đây, ngân hàng giảm 0,5-1,2%/năm cho doanh nghiệp gặp khó do dịch với tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất khoảng 18.188 tỷ đồng. Ngoài ra, gần 26.300 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng cá nhân cũng được xem xét giảm lãi suất 1%/năm.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan chia sẻ, thời gian qua có nhiều tháng vài trăm chiếc xe của công ty phải “nằm đắp chiếu” nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động. Qua nắm bắt tình hình, công ty đã được ngân hàng giảm 2% lãi suất đối với tất cả các khoản vay hiện hữu và được áp dụng mức lãi suất ưu đãi đối với các khoản vay mới; được cơ cấu đối với một số khoản nợ và được vay tín chấp gần 5 tỷ đồng để trả lương cho nhân viên...
“Nếu không có sự đồng hành, sẻ chia của các ngân hàng, chúng tôi khó có thể vượt qua khó khăn”, ông Nguyễn Mạnh Hà nói.
Bên cạnh giảm lãi suất, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm cho khách hàng đã giúp không ít doanh nghiệp yên tâm vượt qua đại dịch. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 14/6/2021, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 241.443 khách hàng với dư nợ 326.299 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 679.877 khách hàng với dư nợ 1.053.808 tỷ đồng. Lũy kế số tiền lãi miễn, giảm cho khách hàng là 18.279 tỷ đồng. Ngoài ra Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 178.952 khách hàng với dư nợ 4.472 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 3,1 triệu khách hàng với số tiền 113.710 tỷ đồng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế đánh giá, việc ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho doanh nghiệp là động thái tích cực. Sự đồng thuận này thể hiện quyết tâm của ngân hàng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đồng cảm và chia sẻ, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng tốt nhất, từ đó thúc đẩy kinh tế phục hồi…
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)