Giảm cho vay ngoại tệ
Cán cân thanh toán quốc tế: Điểm tựa cho sự ổn định của VND | |
Dừng cho vay ngoại tệ thanh toán ra nước ngoài: Không tác động nhiều đến doanh nghiệp |
Ảnh minh họa |
Trên thực tế, tín dụng ngoại tệ đang có xu hướng giảm khá nhanh. Nguyên nhân một phần do Thông tư 42/2018/TT-NHNN đã cắt giảm khá nhiều đối tượng vay ngoại tệ. Theo đó, từ 1/4/2019 các TCTD không còn được cho vay ngoại tệ đối ứng để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước, ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Tiếp đó, từ 1/10/2019, hoạt động cho vay trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ cũng được chấm dứt.
Hiện chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ sẽ được vay ngoại tệ ngắn hạn của ngân hàng để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu. Còn với các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp cũng được vay ngoại tệ, song doanh nghiệp vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD. Có nghĩa doanh nghiệp vay ngoại tệ theo hình thức hoán đổi, giải ngân bằng VND để tận dụng chi phí lãi vay thấp hơn.
Với hình thức này, các doanh nghiệp thường vay ngoại tệ và hoán đổi lấy tiền đồng thanh toán các đơn hàng cho nhà nông để thu gom nguyên liệu tôm, cá, cà phê, hồ tiêu, hạt điều… chế biến hàng xuất khẩu. Sau khi hoàn tất một hợp đồng giao hàng xuất khẩu doanh nghiệp phải bán lại số ngoại tệ từ tiền hàng xuất khẩu cho ngân hàng đã cấp tín dụng ngoại tệ. Các doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ hoán đổi chủ yếu vay ngắn hạn 3 tháng hoặc 6 tháng hiện có mức lãi suất dao động từ 2,7% - 4%/năm, nên có lợi hơn vay vốn ngắn hạn bằng VND với lãi suất 5%/năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 khiến cho nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp cũng không lớn, cho dù từ đầu năm đến nay tỷ giá được duy trì khá ổn định khiến cho việc vay ngoại tệ đã giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. Theo số liệu của NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 8/2020 dư nợ cho vay ngoại tệ của các TCTD trên địa bàn giảm 0,52% so với cuối năm 2019. Xét theo giá trị tuyệt đối dư nợ cho vay ngoại tệ đạt khoảng 165 ngàn tỷ đồng (quy đổi) chiếm khoảng 6,96% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn, thấp hơn nhiều so với tỷ trọng 7,78% của 8 tháng đầu năm 2019 chiếm 7,78%.
Tín dụng ngoại tệ giảm càng giảm bớt áp lực lên tỷ giá. Đặc biệt, theo cơ chế hiện hành chỉ có doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ tái tạo mới được vay ngoại tệ nên tín dụng ngoại tệ cũng không gây áp lực lên thị trường ngoại tệ mỗi khi đến kỳ trả nợ. Một yếu tố nữa là hiện người dân đã quay lưng lại với vàng, khiến cho tỷ giá cũng không còn dậy sóng mỗi khi giá vàng tăng mạnh như trước đây nữa.
Ngoài ra, hiện lãi suất huy động USD vẫn được duy trì ở mức 0%, thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động VND đã khiến cho việc nắm giữ USD không còn mang lại nhiều lợi ích, nhất là khi tỷ giá những tháng đầu năm khá ổn định. Đó chính là lý do mà một số chủ tiệm vàng ở TP.HCM phản ánh, trong đợt dịch Covid-19 đầu năm nay do giãn cách xã hội rất nhiều người dân mang USD tích trữ bán ra lấy VND chi tiêu và gửi tiền đồng vào ngân hàng lấy lãi tiết kiệm.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, chính sách lãi suất huy động USD 0% của NHNN là hợp lý, bởi nếu hệ thống ngân hàng cứ huy động 500 triệu USD sẽ phải chuẩn bị 500 triệu USD tương ứng để trả lại cho người gửi ngoại tệ khi đến kỳ đáo hạn. Ông Sơn cho rằng, về lâu dài cơ quan quản lý cần loại bỏ chính sách huy động và cho vay ngoại tệ để chuyển sang quan hệ mua bán nhằm giảm thiểu tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế.