Giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế phục hồi
UOB: Giảm lãi suất điều hành không gây bất ngờ cho thị trường | |
Giảm lãi suất tạo sức bật cho tăng trưởng | |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lý giải việc liên tục điều chỉnh giảm lãi suất |
Việc NHNN có tới 2 lần giảm một số lãi suất điều hành chỉ trong vòng 2 tuần được nhìn nhận là một bước đi hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Bởi theo các chuyên gia, có những cơ sở, xét cả từ yếu tố trong nước và bên ngoài, để NHNN đưa ra các quyết định giảm lãi suất vừa qua. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP quý I đã chậm lại đáng kể và nhiều dữ liệu từ các động lực tăng trưởng kinh tế đều suy giảm, việc chuyển hướng chính sách sang hỗ trợ tăng trưởng là rất cần thiết.
Linh hoạt nhưng không ngược xu hướng
Tại buổi họp báo công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2023 của ADB cách đây ít ngày, một câu hỏi đáng chú ý được đặt ra với các chuyên gia ADB: “Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu, nhưng trong xu thế các NHTW toàn cầu, chẳng hạn như Fed vẫn tiếp tục tăng lãi suất thì Việt Nam vừa qua lại giảm lãi suất. Các ông bình luận gì về điều này?”.
Việc giảm lãi suất điều hành sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp |
Trả lời câu hỏi này, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định, dù có được tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2022, nhưng những thách thức và bất định từ bên ngoài, đặc biệt là nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới và chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển sẽ khiến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn. Để đối phó với những bất lợi này, việc chuyển hướng chính sách sang hỗ trợ tăng trưởng, trong đó có nới lỏng tiền tệ là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là dư địa cho nới lỏng có không? Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng, đối mặt với những tình huống rất khó khăn, thách thức trong năm 2022, song các vấn đề liên quan đến lãi suất, tỷ giá đã được quản lý hiệu quả và chính điều đó giúp Việt Nam ở vào vị thế rất phù hợp để nới lỏng tiền tệ vào lúc này, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Dù đang ở trong bối cảnh rất khó khăn nhưng NHNN vẫn đang điều hành rất hiệu quả; và không có lý do gì phải lo lắng về những quyết định mà NHNN đưa ra vừa qua. Tôi nghĩ NHNN sẽ luôn có những biện pháp để theo dõi, đánh giá và điều chỉnh một cách phù hợp”, ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.
Dưới góc độ tiếp cận khác, ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho rằng, việc NHNN hạ lãi suất điều hành cũng nằm trong xu hướng chung hiện nay, bởi thực tế các động thái của các NHTW toàn cầu liên quan đến tiếp tục thắt chặt tiền tệ đã giảm đi rất nhiều trong quý I vừa qua, cho thấy đã có sự chuyển hướng chính sách tiền tệ. Dẫn trường hợp cụ thể là Fed, chuyên gia này chỉ ra, mặc dù Fed vẫn tăng lãi suất (với mức độ thấp đi) nhưng đồng thời Fed cũng quay lại nới lỏng định lượng, mở rộng bảng cân đối (bơm tiền ra), cho thấy Fed “đang đứng giữa ngã ba đường”, chứ không chỉ còn toàn tâm vào mục tiêu chống lạm phát nữa.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV nêu thêm dẫn chứng: NHTW Úc ngày 4/4 vừa qua đã quyết định tạm dừng chu kỳ thắt chặt; NHTW Ấn Độ cũng vừa quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản… Đấy là những dấu hiệu cụ thể cho thấy đà tăng lãi suất trên thế giới đã chững lại và có thể rất nhanh quay đầu giảm lãi suất trong một vài tháng tới trong bối cảnh rủi ro suy thoái gia tăng và mặt bằng giá cả đang giảm.
Hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng
Theo các chuyên gia, việc hạ các lãi suất điều hành là bước đi thể hiện sự chủ động, linh hoạt của NHNN và quan trọng hơn là phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay khi đã có những dư địa thuận lợi hơn, nhất là khi các áp lực liên quan đến lạm phát đã giảm đi. TS. Cấn Văn Lực phân tích: lạm phát không quá quan ngại trong năm nay bởi sức cầu còn yếu; tác động lan truyền từ áp lực tỷ giá sang lãi suất và lạm phát năm nay cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với cuối năm ngoái. Thực tế lạm phát đã có xu hướng giảm nhiệt những tháng vừa qua…
“Chính vì sức cầu còn yếu và tâm lý thắt chặt chi tiêu hơn cũng như nhu cầu bên ngoài chưa cải thiện, đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm, sản xuất công nghiệp giảm… khiến cho vòng quay tiền ở mức chậm. Những yếu tố này cho thấy năm nay chúng ta không quá lo ngại về lạm phát, tất nhiên cũng không chủ quan. Như thế chúng ta có dư địa tốt hơn cho điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho tăng trưởng trong bối cảnh quý I tăng rất thấp vừa qua”, TS. Lực nhận định.
Một trong những kỳ vọng từ việc NHNN hạ các lãi suất điều hành vừa qua là tạo tiền đề, định hướng để giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Trả lời câu hỏi của Thời báo Ngân hàng về “độ trễ” tới mặt bằng lãi suất cho vay sau động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN vừa qua, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng về mặt lý thuyết, khi lợi nhuận biên của các NHTM về ngưỡng hợp lý thì lãi suất cho vay sẽ giảm. Hiện lãi suất huy động đang giảm dần quanh mức 7%, nên lãi suất cho vay tới đây sẽ xoay quanh khoảng dưới 10%. “Nếu hỏi: khi nào lãi suất cho vay giảm? thì tôi nghĩ sẽ rất sớm tới đây. Nhưng quan trọng hơn là sẽ giảm ở các lĩnh vực nào. Ở góc độ này, tôi rất kỳ vọng việc thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 16 của NHNN được ban hành sớm tới đây sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng”, chuyên gia này nhận định.
Trong khi đó TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, độ trễ là không đáng kể. “Hiện các doanh nghiệp rất khó khăn và hệ thống ngân hàng cũng muốn kích cầu tín dụng. Thực tế lãi suất cho vay cũng đã và đang giảm theo đà giảm của lãi suất huy động. Nhìn chung mặt bằng lãi suất đã và đang giảm. Tất nhiên có khách hàng được giảm nhiều, khách hàng được giảm ít hơn; có lĩnh vực giảm nhiều, lĩnh vực giảm ít hơn thì đó là tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng. Nhưng riêng các lĩnh vực ưu tiên thì lãi suất cho vay ngắn hạn VND hiện nay đã giảm khoảng 1% sau 2 đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN”, chuyên gia này cho biết.
Bên cạnh đó các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam cần chuyển hướng chính sách sang hỗ trợ tăng trưởng thì các quyết định vừa qua của NHNN là rất kịp thời, nhanh chóng, thể hiện sự phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa, đặc biệt là quyết tâm thúc đẩy đầu tư công hiện nay, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi để đạt được các mục tiêu đề ra. "Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm sẽ góp phần tạo tâm lý tích cực cho người dân, doanh nghiệp trong chi tiêu cũng như thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh", TS. Lực kỳ vọng.
Trong quyết định giảm lãi suất điều hành vừa qua, NHNN cũng tái khẳng định sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát. Theo đó, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các TCTD có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.