Giảm lãi suất vốn vay chính sách
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về việc giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH). Theo đó, các chi nhánh ngân hàng này trên toàn quốc sẽ thực hiện giảm 10% lãi suất so với lãi suất cho vay thông thường theo các chương trình tín dụng chính sách hiện hữu.
Ảnh minh họa |
Thời gian áp dụng giảm lãi suất các khoản vay chính sách thực hiện trong 3 tháng (từ 1/10-31/12/2021). Đại diện NHCSXH cho biết, tính đến 31/10/2021 tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách của hệ thống ngân hàng này đạt gần 243.200 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 900 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 9/2021, với khoảng 6,4 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Như vậy, ước tính trong 3 tháng cuối năm 2021 sẽ có khoảng gần 3.000 tỷ đồng dư nợ vay từ NHCSXH được giảm 10% lãi suất. Dù mức giảm này trên từng khoản vay không quá lớn, nhưng sẽ là nguồn động viên đáng kể để các hộ gia đình chính sách vượt qua giai đoạn dịch bệnh, phục hồi các mô hình sản xuất kinh doanh. Bởi chỉ tính riêng trong 10 tháng vừa qua, dù diễn biến dịch Covid-19 rất phức tạp, nhưng vẫn có khoảng 1,7 triệu hộ nghèo và hộ chính sách khác tiếp cận được các nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi từ hệ thống NHCSXH. Nguồn vốn chính sách trong 10 tháng đầu năm đã giúp tạo việc làm cho hơn 540.000 lao động, giúp gần 19.200 lượt học sinh sinh viên được vay vốn học tập; xây dựng trên 1,2 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh nông thôn và 5.800 nhà ở cho hộ nghèo và nhà ở xã hội cho các gia đình chính sách.
Không chỉ thực hiện cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH còn đang triển khai chính sách cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0% để hỗ trợ người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ (đã được sửa đổi bằng Nghị quyết 126/NQ-CP). Thống kê của NHCSXH cho thấy, tính đến ngày 19/11/2021, toàn hệ thống NHCSXH đã giải ngân được 847 tỷ đồng cho 1.603 doanh nghiệp để trả lương cho 235.551 người lao động bị ngừng việc theo Nghị quyết 68.
Bên cạnh đó, ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, hàng loạt các địa phương đã nhanh chóng thu xếp nguồn vốn ủy thác qua các chi nhánh NHCSXH để cho vay bổ sung đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các mô hình kinh tế bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh. Quan sát cho thấy, từ tháng 4/2020 đến nay, hàng nghìn mô hình nông hộ trồng sầu riêng, thanh long, dưa hấu tại Gia Lai, Đắk Lắk, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang… hàng trăm hộ nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên… đã nhận được hỗ trợ từ các chi nhánh NHCSXH thông qua việc giãn thời gian trả nợ và cho vay mới bổ sung. Các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương đều đã đồng loạt bổ sung từ 200-1.000 tỷ đồng vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các hộ chính sách khác nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo đại diện NHCSXH, qua rà soát ở nhiều địa phương, từ năm 2020 đến nay nhóm khách hàng vay vốn phục vụ chăn nuôi, buôn bán nhỏ, kinh doanh dịch vụ y tế, vận tải là nhóm các khách hàng bị ảnh hưởng nặng nhất từ dịch bệnh Covid-19. Nhóm khách hàng này cũng chính là nhóm khách hàng có dư nợ lớn nhất ở nhiều chi nhánh NHCSXH tại các địa phương. Vì thế, chính sách hỗ trợ giảm 10% lãi suất vay vốn mà Chính phủ vừa giao NHCSXH tập trung triển khai trong quý cuối năm sẽ phát huy được tối đa hiệu quả. Chính sách này, cùng với việc hỗ trợ tích cực từ ngân sách các địa phương và sự chủ động cho vay mới của các chi nhánh NHCSXH kỳ vọng sẽ tạo ra động lực phục hồi đáng kể đối với các mô hình xóa nghèo, phát triển kinh tế nông hộ bền vững ở khu vực nông thôn, nhất là các tỉnh, thành bị ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19 trong 2 năm qua.