Giữ chân người lao động không rút bảo hiểm là giải pháp căn cơ
Doanh nghiệp giữ chân người lao động Giữ chân người lao động: Cần tư duy dài hạn |
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, ngoài các trường hợp giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần tương tự quy định tại Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành (đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng), đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội hai phương án.
Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm. Nhóm 1, tiếp tục được áp dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Khác với quy định hiện hành là, dự thảo Luật có quy định quyền lợi bổ sung nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần. Nhóm 2, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.
Cần dự liệu tác động cải cách chính sách tiền lương đến dự thảo Luật Theo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, dự kiến từ 1/7/2025 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương, tuy nhiên, dự thảo Luật chưa dự liệu được tác động của việc thay đổi này đến các quy định liên quan, dẫn đến chưa rõ hướng điều chỉnh quy định trong dự thảo Luật như: Một, theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ “bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới, theo đó mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới”. Do bãi bỏ “mức lương cơ sở” nên không còn căn cứ thực hiện được việc điều chỉnh lương hưu và một số khoản trợ cấp theo quy định của Luật hiện hành và không còn căn cứ để tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội cũng như một số chế độ quy định ở một số văn bản quy phạm pháp luật khác; Hai, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của nhóm đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định sẽ tăng lên so với hiện hành, sẽ làm tăng phần chi ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm xã hội cho những đối tượng này; Ba, phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024. |
Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Qua thảo luận và ý kiến của các cơ quan tham gia, đa số cho rằng, Phương án 1 do Chính phủ trình có nhiều ưu điểm. Bên cạnh đó, có ý kiến đồng tình với Phương án 2 với lý do không tạo “lát cắt” giữa các đối tượng tham gia trước và sau khi Luật này có hiệu lực. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị tích hợp Phương án 2 vào nhóm 2 của Phương án 1, theo đó, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng từ sau ngày 1/7/2025 đến 30/6/2030 thì vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo lộ trình giảm dần.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, mỗi phương án đều có ưu điểm và nhược điểm, dù lựa chọn phương án nào thì đều phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội ủng hộ Phương án 1 của Chính phủ đề xuất, song đề nghị Chính phủ làm rõ hơn nữa ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, dự báo tác động tới một bộ phận người lao động và những phát sinh khi Luật có hiệu lực thi hành; Xác định rõ hơn về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần gắn với nỗ lực tìm kiếm việc làm của người lao động và kết quả giới thiệu việc làm của các Trung tâm dịch vụ việc làm. Đồng thời, nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn, theo hướng có thể giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) và nhiều đại biểu khác cho rằng, phương án 1 chưa phải là phương án tối ưu để giữ chân người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần; chưa thể chế được mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry phân tích, phương án 1 tạo ra “lát cắt” giữa các đối tượng tham gia trước và sau khi luật này có hiệu lực. Bởi theo số liệu báo cáo hiện nay có khoảng 17 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội (chiếm khoảng trên 38% lực lượng lao động) trong độ tuổi. Nên chưa có gì bảo đảm rằng trong số đó, số người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm sẽ tiếp tục rút bảo hiểm xã hội một lần; còn người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật có hiệu lực thi hành (1/7/2025) không được hưởng bảo hiểm xã hội một lần (trừ các trường hợp quy định tại Điều 60 Luật hiện hành). Như vậy, không bảo đảm đúng quan điểm của Đảng ta về bảo hiểm xã hội toàn dân.
Lấy dẫn chứng tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần xảy ra nhiều nhất trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua, nữ đại biểu thuộc đoàn Bạc Liêu cho rằng, phần lớn người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu để giải quyết những vấn đề trước mắt trong cuộc sống. “Nếu đây là nguyên nhân chính thì để giữ chân họ, chúng ta cho phép được rút 50%, kèm theo đó nên có giải pháp cho vay trong hệ thống ngân hàng chính sách để tạo điều kiện cho người lao động giải quyết khó khăn trước mắt và khi có điều kiện sẽ quay trở lại tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, đó mới là giải pháp phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của người lao động”, đại biểu nói. Với lý lẽ đó, đại biểu thống nhất với phương án 2 và đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện có hệ thống về các giải pháp hỗ trợ, cho vay trong hệ thống ngân hàng chính sách.