Giữ hồn làng trong ảnh
Nhiếp ảnh gia Lê Bích tuổi Nhâm Tý (1972), anh tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và có thời gian làm việc cho một công ty nước ngoài. Thế nhưng, đam mê nhiếp ảnh đã khiến anh bỏ nghề và trở thành một nhà nhiếp ảnh tự do.
Lê Bích cho biết, anh bắt đầu tìm đến với nhiếp ảnh từ năm 2005. Đến nay, anh đã có 18 năm cầm máy ảnh ngược xuôi dọc theo chiều dài đất nước. Tuy nhiên, vùng đồng bằng Bắc Bộ - nơi có những ngôi làng cổ truyền thống đang ngay càng bị đô thị hóa, lại là nơi khiến Lê Bích cứ trở đi trở lại. Đeo đuổi nhiều chủ đề quanh ngôi làng Việt, những chuyến đi ấy cứ làm đầy thêm những bộ ảnh của Lê Bích.
Lễ rước nước tại lễ hội làng Giàn, thôn Cáo Đỉnh, xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội |
Đến nay, nhắc tới nhiếp ảnh gia Lê Bích, là nhắc đến bộ ảnh giếng làng, những làng nghề truyền thống và lễ hội. Đầu năm nay, sau ba mùa lễ hội phải dừng, hoãn do dịch Covid-19, khắp nơi tổ chức lễ hội xuân truyền thống. Tiếng trống hội lại hấp dẫn bước chân lãng du của Lê Bích. "Thường các lễ hội vùng đồng bằng Bắc Bộ cách 3-5 năm mới mở hội lớn, tổ chức rước linh đình. Tuy nhiên năm nay, nhiều làng tổ chức hội lớn bù vào năm bị hoãn do đại dịch Covid-19. Đi và nhận ra một điều, năm nay, nhiều lễ hội ở miền Bắc về mặt thủ tục và cơ cấu lễ hội cơ bản không có gì khác. Nhưng số lượng người tham dự có đông hơn và tâm lý người tham gia lễ hội đa phần đều hồ hởi và vui tươi hơn", Lê Bích chia sẻ.
Trong quan sát cá nhân, nhiếp ảnh gia Lê Bích nhận thấy một số lễ hội đã được thắt chặt phần an ninh như Lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc) đã hạn chế phần nào cảnh “cướp” mảnh chiếu ở sân đình, hoặc lễ hội Hiền Quan (Phú Thọ) tiếp tục cho tạm dừng việc “cướp phết” ngoài ruộng. Anh cũng thấy nhiều đổi thay tích cực khác, đó là một số lễ hội đã đầu tư nhiều hơn về trang phục và bổ sung nhiều trò chơi phần hội. Ví như lễ hội 5 làng Mọc ở quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội vừa được đưa và danh sách bảo tồn cấp quốc gia, thì những người tham gia hội mặc trang phục đẹp, phần cờ lọng rất uy nghi. Thêm vào đó công tác truyền thông cũng được làm tốt đã có nhiều người biết hơn về lễ hội.
Lê Bích cho biết, đến nay, dù đã chụp hàng trăm lễ hội truyền thống và bộ ảnh về chủ đề lễ hội của anh cũng khá đa dạng, nhưng anh vẫn chưa có ý định dừng lại. “Với hàng ngàn lễ hội trải dài quanh năm, trải rộng trên toàn quốc nên tôi chỉ lo không đủ sức khỏe để đi chụp. Tuy vậy tôi có chọn lọc, tập trung những lễ hội đặc sắc, lễ hội có nguy cơ mai một hoặc lễ hội cần phải có sự điều chỉnh tốt lên. Tôi muốn đóng góp ý kiến cá nhân qua ảnh và báo chí nhằm cho lễ hội tốt hơn”, Lê Bích nói, và cho biết, anh cảm thấy có lỗi với tiền nhân nếu không ghi chép lại những lễ hội truyền thống. Theo anh, có quá nhiều thứ đẹp đẽ quy tụ trong các lễ hội dân gian do các cộng đồng dân cư tạo dựng từ đời này qua đời khác.
Ngoài lễ hội, thì nhắc đến Lê Bích, còn là nhắc đến bộ ảnh giếng làng. Chính đề tài này đã khiến ảnh có thêm nghệ danh là “Bích giếng”. Tính đến nay, đã hơn 10 năm Lê Bích theo đuổi chụp ảnh giếng làng. Lê Bích chia sẻ, anh bắt đầu “tính chuyện” chụp giếng làng từ năm 2011. Sau hơn 10 năm, Lê Bích đã đặt chân tới khoảng 200 ngôi làng và ghi lại hình ảnh của hơn 300 chiếc giếng cổ.
Cùng với giếng làng, Lê Bích còn nặng lòng với các nghề truyền thống. Còn nhớ, anh đã bày nhiều triển lãm với chủ đề làng nghề truyền thống. Có thể kể tới tháng 12/2015, Lê Bích đã thực hiện triển lãm ảnh cá nhân lần đầu tiên mang tên “Những người giữ nét tinh hoa Hà Nội” nhân ngày Di sản Việt Nam tại 42-44 Hàng Bạc, Hà Nội. Gần 1 năm sau, tháng 2/2016 triển lãm ảnh cá nhân lần 2 mang tên “Làng nghề đón Xuân”. Tháng 8/2016, Lê Bích thực hiện triển lãm ảnh cá nhân lần 3 mang tên “Những người giữ hồn trung thu” tại Hà Nội chụp về những nghệ nhân của những làng nghề còn nặng lòng làm những đèn lồng, ông tiến sĩ giấy… Trong triển lãm ấy, 10 bộ ảnh là 10 câu chuyện mà Lê Bích chắt lọc từ năm 2009. Nhiều gia đình Hà Nội: Gia đình nghệ nhân cao tuổi Vũ Thị Thanh Tâm (79 Hàng Lược) với nghề làm thiên nga bông; hai vợ chồng ông Hòa (73 Hàng Than) với nghề làm mặt nạ giấy bồi; gia đình ông Quang (59 Hàng Quạt) với nghề làm khuôn bánh nướng, bánh dẻo bằng gỗ; các gia đình làm đèn kéo quân ở phố Hàng Mã; gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng làm tàu thủy sắt tây ở Khương Đình...
Trong khi nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh khác săn tìm những khoảnh khắc thiên nhiên chợt bắt gặp, thì với Lê Bích, để thực hiện được một bộ ảnh là những chuyến đi xuôi ngược, tìm kiếm nhân vật. Như khi chụp bộ ảnh về những nghệ nhân giữ hồn trung thu, anh đi ròng rã suốt 5-6 năm mới cơ bản hoàn thành.
Đam mê và lăn lộn với làng Việt để lưu giữ những hình ảnh đẹp vào ống kính của mình cũng đem lại cho Lê Bích nhiều giải thưởng nhiếp ảnh, trong đó có thể kể tới: Giải nhì cuộc thi ảnh “Tôi gìn giữ vẻ đẹp” với bộ ảnh “Nghệ nhân thêu Vũ Giỏi” do Davines Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí Đẹp thực hiện (2015), giải khuyến khích Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại - Lĩnh vực báo chí lần thứ 2 - năm 2015, giải nhất và giải nhì cuộc thi ảnh “Vẻ đẹp Việt Nam” do Truyền hình Nhân Dân tổ chức (2016, 2018); giải nhất cuộc thi ảnh “Di sản và Văn hóa toàn quốc” do Bộ VHTTDL tổ chức (2021)…
Nhiếp ảnh gia Lê Bích từng chia sẻ: “Tôi luôn thích về các làng quê chụp ảnh. Tại đó, trong cách cư xử với nhau, chúng ta gặp những nét dân dã, chất phác và hồn nhiên mà các đô thị lớn không còn”. Và cứ sau mỗi chuyến đi ấy, anh lại quẩn quanh với ý nghĩ: “Giá mình có thể chụp được những bức ảnh ghi lại hồn cốt và thần thái của từng ngôi làng”.
Lê Bích luôn tâm niệm, làng Việt là một vỉa tầng văn hóa sâu rộng. Chụp ảnh làng quê, làng nghề là đề tài thú vị, dài hơi mà anh xác định làm cả đời không hết. “Đã có nhiều làng nghề không còn nữa, có làng giờ chỉ còn 1 - 2 người giữ nghề. Có rất nhiều người làm về đề tài này và tôi vẫn đang tìm con đường riêng để thể hiện sâu sắc nhất thông điệp là hãy gìn giữ làng nghề và lưu giữ nó bằng hình ảnh", Lê Bích nói, đồng thời cho rằng, khi về làng tìm hiểu anh thấy mình hiểu rõ xã hội thực tại hơn. Thông qua các bức ảnh của mình, Lê Bích muốn chia sẻ để mọi người cùng có hành động tích cực mang lại kết quả tốt cho xã hội.