Giữ vững vị thế nước xuất khẩu cà phê nhân
Cà phê Robusta Việt Nam được công nhận kỷ lục thế giới | |
Dịch bệnh ảnh hưởng đến thu hái cà phê | |
Đưa Việt Nam thành trung tâm cung ứng cà phê |
Đại dịch Covid-19 với sự lây lan của biến thể Delta và mới đây là Omicron, cùng với hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng diễn ra thường xuyên và nặng nề hơn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và chế biến cà phê.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, tại Việt Nam, giá cà phê giảm liên tục từ năm 2016 đến cuối năm 2020 đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê và thu nhập của người nông dân. Nhiều doanh nghiệp do giá giảm sâu dẫn đến doanh thu giảm, thua lỗ, người nông dân cũng vì thế mà giảm sự đầu tư chăm sóc vườn cây. Giá cà phê xuất khẩu có thời điểm đã xuống thấp cực điểm, dẫn tới giá cà phê nhân xô ở các vùng nguyên liệu cũng xuống dưới 30 nghìn đồng/kg.
Ảnh minh họa |
Sang năm 2021, giá cà phê thế giới tăng đột biến, lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Giá cà phê nội địa cũng theo đó cũng tăng lên, mức cao nhất đạt gần 43 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, cước vận chuyển vẫn tăng cao, thiếu công-ten-nơ rỗng, thiếu nhân công, chi phí chống dịch bệnh cao khiến doanh nghiệp chật vật và doanh thu bị giảm đi nhiều. Nếu như những năm trước, khi giá trên sàn ở mức 2.400 USD/tấn như thì giá cà phê nội địa bán được ở mức 45 nghìn đồng/kg. Song hiện nay chỉ bán được ở quanh mức 42 nghìn đồng/kg.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, vụ cà phê 2020/2021, Việt Nam xuất khẩu đạt 1,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 2,8 tỷ USD. Các sản phẩm cà phê Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu. Đặc biệt, cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu chiếm 9,1% thị phần, tạo ra nhiều cơ hội cũng như triển vọng cho ngành cà phê khi Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế thông qua các FTA đã ký kết.
Tuy nhiên, công tác trồng xen canh không được kiểm soát, trồng xen nhiều loại cây với mật độ rất dày, không tuân thủ quy trình kỹ thuật, không thuận tiện cho việc chăm sóc, bón phân, tưới nước.
Nhằm thực hiện 2 nhiệm vụ chính là giữ vững vị trí nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới và tăng kim ngạch xuất khẩu lên 5-6 tỷ USD vào năm 2030, ngành cà phê cần tiếp tục tái canh và ghép cải tạo các vườn cà phê già cỗi thêm từ 30 - 40 nghìn ha đến 2025... theo định hướng của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh.
Để phát triển ngành cà phê bền vững hơn trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị hiệp hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Bộ NN&PTNT và các địa phương triển khai hiệu quả nghị quyết đã đề ra, trong đó phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung rà soát quy mô sản xuất cà phê hiệu quả, bền vững, phát triển một số vùng cà phê đặc sản tại Tây Nguyên, Tây Bắc. Cùng với đó, phối hợp thử nghiệm chọn tạo giống cà phê mới năng suất cao, chịu hạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp cho tái canh cây cà phê; Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu mặt hàng cà phê; Khuyến khích đầu tư các dây chuyền cà phê hiện đại, xây dựng được chuỗi; Tiếp tục xúc tiến, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.