Gỡ khó tiêu thụ lúa gạo cho Đồng bằng sông Cửu Long
Giám đốc một Công ty Lương thực Thực phẩm ở Long An cho biết, hiện công ty đang có 50 ha lúa hè thu đến kỳ phải thu hoạch. Đây là diện tích công ty đã cung cấp giống, phân bón và cam kết bao tiêu thu mua cho bà con nông dân. Tuy nhiên cả tuần nay việc vận chuyển lúa qua các địa phương của Long An gặp nhiều khó khăn vì phải đi qua các chốt kiểm soát dịch, chi phí, thời gian tăng lên rất nhiều. công ty cũng phải chi trả thêm 300.000 đồng/lần test Covid cho tài xế chuyên chở, cũng như chi phí bốc xếp hàng đã tăng 40%, cùng với một loạt chi phí khác cũng đã tăng lên chóng mặt.
“Đến nay, công ty vẫn cố gắng tìm cách thu mua hết diện tích lúa sắp đến kỳ thu hoạch song với hơn 350 ha lúa phải thu hoạch trong tháng tới sẽ rất khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc vận chuyển hàng hóa trong nước bị ngưng trệ, còn hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do chi phí logistics tăng cao ”- vị Giám đốc phân trần.
Bộ Công thương lên kế hoạch kết nối cho hàng nông sản, lúa gạo của các địa phương trong vùng với các doanh nghiệp |
Thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay, có doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi những ngày gần đây, nhiều diện tích lúa đến kỳ thu hoạch nhưng không thể gặt hái và chuyển đi do vướng mắc về nhân công, vận chuyển, chi phí, đảm bảo vấn đề cách ly, phòng dịch... Một số doanh nghiệp đang phải “chạy đôn chạy đáo” tìm ghe vận chuyển lúa thu mua từ đồng về nhà máy, nhưng hết sức khó khăn. Nông dân chủ yếu bán lúa qua thương lái và họ lại ngại rủi ro, sợ lỗ nên ít cho ghe về đồng thu mua, mà không có ghe thu mua vận chuyển lúa vào mùa gặt sẽ không thể tiêu thụ.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, vụ lúa hè thu 2021, Đồng bằng sông Cửu Long có 1,56 triệu ha, đến nay mới chỉ thu hoạch được hơn 400.000 ha, trong khoảng 1 tháng tới phải thu hoạch 1,1 triệu ha còn lại… Hiện nay việc thu hoạch, tiêu thụ lúa hè thu trên địa bàn đang gặp khó khăn do các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện được “3 tại chỗ” nên doanh nghiệp nào không đáp ứng yêu cầu phải tạm đóng cửa. Trong khi đó, các thương lái, ghe tàu từ tỉnh khác đến thu mua, vận chuyển cũng rất hạn chế do vướng các chốt kiểm soát và yêu cầu giấy xét nghiệm Covid-19. Ngoài lúa gạo, nhiều loại trái cây, rau củ quả tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng gặp phải tình trạng này do thiếu nhân công, không có phương tiện vận chuyển, ách tắc lưu thông dẫn đến tiêu thụ chậm hơn những vụ trước.
Theo Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng rau củ toàn miền Nam dự kiến đạt 10,7 triệu tấn/năm. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mỗi tháng cung cấp cho thị trường 430.000 tấn rau củ. Ngoài việc cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của khoảng 18 triệu người vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 10 triệu người ở TP. Hồ Chí Minh, mỗi tháng vẫn còn dư 100.000 tấn phục vụ các khu vực khác và xuất khẩu. |
Để tháo gỡ những khó khăn cho tiêu thụ nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng, một số tỉnh thành đã chủ động ban hành Kế hoạch tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong tình hình dịch Covid-19.
Cụ thể, tỉnh An Giang tạo điều kiện cho việc sản xuất, mua bán, vận chuyển nông sản hàng hóa, đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động ứng phó và hỗ trợ nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận và kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, chợ, điểm bán nông sản trong và ngoài nước, trong đó điều kiện hiện nay tập trung thị trường nội địa là chủ yếu nhằm hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cũng theo kế hoạch này, tỉnh An Giang sẽ hỗ trợ xét nghiệm cho các đối tượng là tài công vận tải đường thủy ngoài tỉnh đến An Giang thu mua lúa và doanh nghiệp có thể đăng ký danh sách với Sở Công thương.
Hay như tại Đồng Tháp, giữa tháng 7 đã ban hành Kế hoạch số 214/KH-UBND về khung tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh mới có 3 kịch bản tiêu thụ đối với các loại nông sản đặc trưng và tiềm năng của tỉnh như lúa gạo, thủy sản… Về phía Bộ Công thương thời gian qua cũng làm việc với các bộ, ngành, địa phương liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, đồng thời lên kế hoạch kết nối cho hàng nông sản, lúa gạo của các địa phương trong vùng với các doanh nghiệp.
Hiện nay giá nhiều mặt hàng rau củ tại chỗ đã tăng từ 30 - 70% do nhu cầu tiêu dùng tăng và các chi phí khác cũng tăng theo. Để đảm bảo cung ứng đủ cho các địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long đã lên danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã có khả năng cung ứng số lượng lớn lúa gạo rau, củ để các đơn vị phân phối ở địa phương khác có thể kết nối trực tiếp. Nông sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo cung ứng đủ cho tiêu thụ của địa phương, có dư một phần để cung ứng cho TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung và đóng góp cho hoạt động xuất khẩu, giữ vững “mặt trận” kinh tế, ổn định xã hội.