Bất động sản Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điểm sáng
Được hình thành bởi 13 tỉnh thành Tây Nam bộ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nhà của gần 20 triệu dân. Khu vực này có đến khoảng 4 triệu ha đất đồng bằng phù sa màu mỡ được sông Tiền và sông Hậu bồi đắp, nguồn nước dồi dào từ hệ thống sông Cửu Long và khí hậu thuận lợi. Với những điểm sáng như vậy, nên từ lâu khu vực này đã được đặc biệt quan tâm và là nơi tập trung sản xuất, đảm bảo nguồn lương thực cho cả nước. Thống kê cho thấy hiện khu vực này cung cấp đến 50% nguồn lương thực trong nước và đóng góp đến 20% GDP của cả nước khi lần lượt chiếm đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng trái cây và 75% lượng thủy hải sản của cả nước, cùng một lực lượng lao động dồi dào, đến 17,9% nguồn lao động của cả nước.
Tuy nhiên, hiện ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức như biển đổi khí hậu làm sạt lở gây hủy hoại mùa màng, trình độ của người lao động chưa cao khi tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nằm ở mức 90,8%, làm ảnh hưởng đến năng suất của cả vùng, hay độ tuổi trung bình của người lao động ngày càng tăng khi nhiều người trẻ rời nông thôn lên thành thị. Để tăng sức hút với nhà đầu tư và thuyết phục người dân ở lại địa phương, ĐBSCL vẫn còn nhiều việc phải làm, theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD).
Ảnh minh họa |
Chính vì thế, thu nhập bình quân năm của người dân ở đây chỉ ở mức xấp xỉ 60 triệu đồng như hiện nay thì chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, cần có những giải pháp cụ thể để thu hút nguồn lực tốt hơn. Ngoài ra, tính liên kết vùng của ĐBSCL chưa cao khi các cơ sở nằm rất rải rác khiến khả năng thu hút vốn đầu tư vào bất động sản (BĐS) còn hạn chế, dẫn tới khó hình thành khu dân cư lớn.
ĐBSCL muốn vươn lên một tầm mới thì cần phải cải thiện thu nhập bình quân đầu người, phát triển thêm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, và chú trọng vào kinh tế đô thị, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam nhìn nhận.
Trong khi đó, nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và trường Chính sách công và Quản lý Fullbright cho thấy, do khu vực chỉ chú trọng vào nông nghiệp, còn hoạt động công nghiệp chưa phát triển và ngành du lịch chủ yếu phục vụ khách trong nước, nên tác động của dịch bệnh đối với ĐBSCL được đánh giá là tương đối nhẹ nhàng hơn so với các khu vực khác. Tuy thế, các chuyên gia cũng cảnh báo việc ĐBSCL quá tập trung vào nông nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn. Đơn cử, vào những năm 1990, GDP của TP.HCM chỉ bằng 2/3 của ĐBSCL, thì hai thập niên sau tình hình đã ngược lại.
TS. Sử Ngọc Khương nhấn mạnh, với những chính sách đã và đang được đề ra để phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư nhằm tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực BĐS ĐBSCL hứa hẹn sẽ được hưởng lợi rất lớn.
BĐS tại khu vực này vẫn rất thu hút và được quan tâm cao, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư tổ chức khi họ nhìn thấy lợi ích từ trung và dài hạn: Khi quỹ đất tại TP.HCM không còn nhiều và các tỉnh Đông Nam bộ đã dày đặc các dự án đầu tư, thì ĐBSCL vẫn còn rất nhiều quỹ đất để mở rộng, tiềm năng về kinh tế, xã hội và nhân lực của khu vực rất tốt.
Một số điểm sáng thu hút nhà đầu tư vào khu vực như cơ sở hạ tầng xã hội đang được chú trọng phát triển, dòng di dân đang được cải thiện và dân số lên tới gần 20 triệu. Nhưng với nhà đầu tư từ ngoài nước thì hiện đang gặp các hạn chế về tiếp cận quỹ đất nên mức độ đầu tư từ nhóm này chưa đạt như kỳ vọng. Nhìn chung, BĐS ĐBSCL có thu hút và khởi sắc hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc khu vực này có cung cấp được đầy đủ các nhu cầu và đảm bảo được công việc cho người dân sinh sống.
Trong bối cảnh đó, các thị trường BĐS nông nghiệp, du lịch và nhà ở được dự đoán sẽ là những điểm sáng trong thời gian tới tại ĐBSCL khi mà nền kinh tế của khu vực tiếp tục tăng trưởng tốt, mạng lưới giao thông ngày càng cải thiện. Với BĐS thương mại và văn phòng sẽ cần thêm một thời gian nữa để đủ hấp dẫn với nhà đầu tư.