Gói hỗ trợ lãi suất chậm giải ngân do đâu?
Tìm điểm cân bằng cho lãi suất | |
Điều hành của NHNN hướng đến mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay |
Doanh nghiệp e ngại
“Ăn một bát cháo, chạy ba quãng đồng”, đó là lời bộc bạch của một doanh nghiệp khi được hỏi về việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Lãnh đạo doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ không hào hứng với gói vay ưu đãi vì thủ tục rất phức tạp, phải nộp nhiều giấy tờ chứng minh doanh thu, khả năng phục hồi… Đây là rào cản khiến doanh nghiệp hụt hơi trong việc tiếp cận, đành phải tìm kiếm các giải pháp khác hay chấp nhận vay với lãi suất thị trường để có được nguồn vốn, đáp ứng kế hoạch sản xuất kinh doanh dịp cuối năm, thay vì chờ đợi được xét duyệt khoản vay hỗ trợ lãi suất qua nhiều công đoạn, nhiều cơ quan.
Lý do nữa khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc được hỗ trợ lãi suất là công tác thanh, kiểm tra sau gói hỗ trợ. “Kinh nghiệm từ đợt trước, các đoàn thanh tra, kiểm toán tới không phải một lần mà có khi cả chục lần, thậm chí kéo dài nhiều năm đã trở thành “nỗi ám ảnh” của doanh nghiệp. Giả sử thiếu một hóa đơn, hoặc một giấy tờ nào đó bị sai, doanh nghiệp sẽ “khốn khổ” ngay”, lãnh đạo một doanh nghiệp nói.
Ảnh minh họa |
Một số hộ kinh doanh chia sẻ, họ chỉ vay một khoản tiền nhỏ, vài chục triệu đồng trong ngắn hạn từ 3-6 tháng, vì vậy nếu được hỗ trợ lãi suất cũng chỉ giảm được vài trăm nghìn đồng, không tạo động lực để tiếp cận gói hỗ trợ. Ở một hướng khác, có doanh nghiệp không e ngại thủ tục hay thanh kiểm tra thì lại gặp vướng ở khâu tiêu chí đánh giá. Giám đốc một công ty du lịch trên địa bàn Hà Nội cho biết, họ đang cần vay 100 tỷ đồng để đầu tư dàn xe mới, phục vụ du khách sau dịch. Tuy nhiên, khả năng doanh nghiệp khó tiếp cận được bởi lẽ tiêu chí của gói cấp bù lãi suất là phải có doanh thu, có tài sản đảm bảo, không có nợ xấu. Trong khi đó, hai năm qua, dịch bệnh hoành hành khiến doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, nên khó đáp ứng tiêu chí này.
Những lý do trên cũng chính là vướng mắc của các nhà băng hiện nay khi thực hiện gói hỗ trợ lãi suất. Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, một số khách hàng được nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ lãi suất năm 2009. Nhưng khâu hoàn thiện thủ tục phục vụ hậu kiểm đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đơn cử, khi doanh nghiệp đã hạch toán lợi nhuận, chia cổ tức, nhưng sau đó thanh tra kiểm toán yêu cầu thu hồi khiến doanh nghiệp khó cân đối thu nhập để trả lại số tiền đã hỗ trợ. Vì vậy, doanh nghiệp không mặn mà đối với gói hỗ trợ lần này.
Cái khó nữa cho ngân hàng đó là tiêu chí về khả năng phục hồi không quy định rõ ràng nên sau này có thể sẽ gặp khó khi đoàn thanh kiểm tra. “Doanh nghiệp có thể đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất tại thời điểm giải ngân nhưng do yếu tố khách quan, chủ quan, khách hàng phát sinh nợ xấu thì có thể sau đó cơ quan thanh kiểm tra lại đánh giá khách hàng và khoản vay không đáp ứng điều kiện chương trình và phải thu hồi hỗ trợ”, lãnh đạo một ngân hàng tỏ ra băn khoăn.
Khó khăn từ hai phía khiến kết quả giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất 2% còn rất khiêm tốn. Bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến hết tháng 9/2022 số tiền hỗ trợ lãi suất toàn hệ thống là 26 tỷ đồng. Mục tiêu hỗ trợ lãi suất 16.035 tỷ đồng trong năm nay và năm 2023 là 23.965 tỷ đồng có thể thấy là chặng đường còn rất dài.
Cách nào gỡ vướng?
PGS.TS. Đỗ Hoài Linh - Phó trưởng bộ môn NHTM, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, đây là gói hỗ trợ từ ngân sách có quy mô lớn nhất từ trước đến nay hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng phục hồi, lan tỏa tới các đối tượng khác trong nền kinh tế. Gói hỗ trợ này có ý nghĩa lớn vì sau dịch bệnh, doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn để phục hồi. Song vấn đề đặt ra ở đây là vì tiền hỗ trợ lấy từ ngân sách nhà nước nên việc các ngân hàng thận trọng cho vay là điều tất yếu để đảm bảo đồng vốn sử dụng đúng, trúng, hiệu quả. Thực tế, tiêu chí về khả năng phục hồi doanh nghiệp mang tính định tính, phụ thuộc nhiều vào diễn biến tình hình trong tương lai. Mà trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động như hiện nay thì tương lai không có gì chắc chắn. Do đó, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều có tâm lý e ngại cũng dễ hiểu.
Để triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất, theo TS. Linh cần phải linh hoạt, triển khai nhiều giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, có những hình thức động viên để ngân hàng có động lực thực hiện nhiệm vụ chính trị này. Với nhóm đối tượng không đạt chuẩn thì nên có gói hỗ trợ khác chứ không được để ngân hàng hạ chuẩn khoản vay hỗ trợ thì sẽ sai mục đích đã đề ra.
Mặt khác, bài học nhãn tiền từ chương trình hỗ trợ năm 2009, TS. Linh cho rằng không nên cố gắng hết sức để giải ngân gói hỗ trợ bằng mọi giá đạt hơn 16.000 tỷ đồng trong năm nay mà phải theo sức hấp thụ của thị trường, đảm bảo bài toán lớn hơn là ổn định kinh tế vĩ mô.
Cũng như nhiều ngân hàng khác, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết, mặc dù rất tích cực trong việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng sự quan tâm của khách hàng cũng chưa nhiều do thủ tục và các đối tượng thụ hưởng còn hạn chế. Lãnh đạo ngân hàng này mong muốn, trong thời gian tới, các bộ, ngành liên quan cũng như NHNN có sửa đổi, hướng dẫn thêm về thủ tục để giúp cho các đối tượng thụ hưởng gia tăng tiếp cận nguồn hỗ trợ lãi suất từ ngân sách.
Bàn về giải pháp tháo gỡ, ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh Đà Nẵng đề xuất, NHNN phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành khảo sát các doanh nghiệp, tìm lý do vì sao doanh nghiệp chưa tiếp cận gói hỗ trợ, vì chính sách hay từ phía ngân hàng, từ đó tìm giải pháp để tháo gỡ.
Còn ông Lê Ngọc Lâm, Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc BIDV cho rằng, nên xem xét lại việc đánh giá tiêu chí về khả năng phục hồi của doanh nghiệp theo đánh giá nội bộ của mỗi ngân hàng. Cùng với đó, NHNN cần làm việc với các cơ quan thanh kiểm tra, xác định rõ phạm vi thanh kiểm tra để loại bỏ tâm lý e ngại của các NHTM và khách hàng.
Dù khó khăn đến mấy, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, toàn ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục làm việc nghiêm túc, hết trách nhiệm bằng tất cả các biện pháp triển khai gói hỗ trợ lãi suất. Để đạt được những mục tiêu, hiệu quả của gói hỗ trợ lãi suất 2%, thời gian tới, Phó Thống đốc yêu cầu, chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt mục tiêu, nhiệm vụ chỉ đạo tại Thông tư 03 của NHNN; phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền chính sách kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ, khả năng tiếp cận chính sách của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Đồng thời, rà soát các khoản vay hiện hữu có thể hỗ trợ lãi suất để triển khai; tiếp tục duy trì hoạt động của đường dây nóng, kiểm tra, giám sát, nắm bắt những vướng mắc của chi nhánh của các ngân hàng trên địa bàn đến Hội sở chính. Những chi nhánh nào thiếu trách nhiệm trong quá trình triển khai phải báo cáo về NHTW và hội sở chính của các ngân hàng và thực hiện công tác thanh tra, giám sát, nâng cao hiệu quả, chất lượng triển khai chính sách.